Góc nhìn: Ngành điều cần tổ chức lại việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

  1. Ngày đăng: 19-01-2022 15:17:20
  2. Lượt xem: 1.162
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 1162 Lượt xem

(19/1/2022) Góc nhìn: Ngành điều cần tổ chức lại việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

(19/1/2022) Việc xuất khẩu điều của nước ta sang Trung Quốc được khai thông vào năm 1992, ngay sau khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.
goc nhin  nganh dieu can to chuc lai viec xuat khau sang thi truong trung quoc
Cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn - Ảnh: Báo Lạng Sơn

Trong ký ức của tôi vào những năm 1990 của thế kỷ trước, cho đến tận những năm 2010, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường quan trọng bậc nhất của hạt điều Việt Nam.

Còn nhớ những năm 2000, thời kỳ mà ngành điều Việt Nam thăng hoa, nở rộ, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến; mỗi năm chúng ta có hàng trăm xí nghiệp chế biến điều ra đời ở Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, cả ở Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ; mỗi tháng chúng ta có hàng ngàn xe tải chở hạt điều xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Tôi nhớ mãi cảnh từng đoàn xe rồng rắn xếp hàng chờ thông quan, trước ở cửa khẩu Hữu Nghị, sau là cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn); hỏi ra thì toàn là xe chở hạt điều và hải sản,... Lúc bấy giờ, trái cây, gạo, cao su,… xuất khẩu sang Trung Quốc còn ít lắm.

Theo thống kê từ VINACAS, trên dưới chục năm, giai đoạn 2000 - 2010, hạt điều Việt Nam chiếm thị phần tiêu thụ từ 40 - 50% ở Trung Quốc. Tuy nhiên, thời kỳ đó đa phần hạt điều đều xuất qua đường tiểu ngạch, thanh toán biên mậu. Điều kỳ lạ là tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu do hai bên người bán và người mua thỏa thuận; không có bất kỳ một tiêu chuẩn quốc gia hay quốc tế nào được áp dụng.

Còn nhớ, lúc đó, hàng năm khách hàng Trung Quốc thường qua Việt Nam đi thăm các “ông chủ hạt điều" Việt Nam (theo cách gọi của bạn), coi hàng, thăm nhà máy và cam kết đặt hàng, mua hàng. Sau đó, người bán cứ thế mà sản xuất rồi giao hàng, còn người mua thì cứ “đến hẹn lại lên", ra biên giới nhận hàng.

Thường thì chất lượng được đánh giá rất tùy tiện, lúc hút hàng (“đắt đồng") người mua bỏ qua các lỗi, yêu cầu về chất lượng cũng được nới lỏng. Còn khi “ế chợ", người mua thường ép giá, ép cả chất lượng. 

Sau này, được hỗ trợ từ Bộ Công Thương, VINACAS có tổ chức một số đoàn công tác sang làm việc với bạn, rồi những điều kiện mua bán, ngoại thương mới dần đi vào nền nếp. Nói thế thôi chứ nhiều khi vẫn còn rất lộn xộn, điều này dẫn đến hệ lụy cho cả bên mua lẫn bên bán.

Những đồng nghiệp của tôi chắc còn nhớ cả mấy kho hàng chứa hạt điều của một công ty ở Bằng Tường phía Trung Quốc bị ngành chức năng của bạn kiểm tra và công ty này đã không xuất trình được chứng từ hợp lệ; sau này, công ty đó đã phải ngưng hoạt động.

Phía các công ty Việt Nam còn tệ hơn, đã có nhiều xe hàng ra tới biên giới, thậm chí đã thông quan rồi nhưng vẫn bị trả hàng vì hàng chục lý do khác nhau, gây nên những tổn thất không hề nhỏ cho doanh nghiệp. Có doanh nghiệp như T.T. ở Đồng Nai hay T.L.B ở Bình Phước,… đã phá sản vì việc này.

Gần đây, nhất là vào tháng 12 năm 2021, hàng ngàn container mà đa phần là hàng nông sản của tất cả các vùng miền, nhiều nhất là rau quả, trái cây từ phía Nam bị ùn ứ ở các cửa khẩu ở Lạng Sơn, ở Móng Cái,… gây tổn thất vô cùng lớn cho các doanh nghiệp, dẫn đến hàng trăm xe chở rau quả bị hư hỏng, phải đổ bỏ. Lúc đó, VTV1 đưa tin có 5000 tài xế phải ăn bờ, ở bụi sống qua ngày chờ hàng được thông quan, hoàn cảnh rất thê lương.

Đến đoạn Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương và chính quyền các tỉnh vùng biên phải vào cuộc, tháo gỡ, nhiều chuyên gia tính toán, đánh giá tổn thất của chúng ta là vô cùng lớn – đây là bài học đắt giá cho nông sản Việt Nam.

Nhiều con số thống kê được báo chí nêu lên nhưng tôi không thấy số liệu nào công khai tổn thất có liên quan đến các doanh nghiệp điều. Nhưng theo những gì tôi được biết thì chắc chắn chúng ta cũng tổn thất không nhỏ?

Đơn cử là trong thời gian gần đây, một nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu điều của Trung Quốc bị điều tra cho hành vi trốn thuế, nhiều xe hàng của Việt Nam khách chưa kịp trả tiền, công nợ còn đấy mà cũng không biết khi nào mới đòi được tiền,…

Những bất cập nêu trên buộc chúng ta phải tổ chức, sắp xếp lại việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hướng an toàn hơn, bài bản hơn cho cả hai phía, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.

Trên thực tế, theo tôi, các doanh nghiệp cần quan tâm xử lý 4 việc sau:

Thứ nhất, chúng ta không phủ nhận rằng xuất khẩu bằng đường bộ, thanh toán biên mậu trong 30 năm qua đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam “ăn nên, làm ra" nhưng tôi nghĩ hiện nay, tình hình đã không cho phép. Nhà nước hai bên cũng đang đưa ra nhiều chính sách quản lý chặt chẽ hơn (kể cả trong bối cảnh có Covid hay không Covid). Cho nên, các doanh nghiệp Việt Nam nên hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, bỏ từ từ việc thanh toán biên mậu.
Rất mừng là đến nay, kim ngạch xuất khẩu điều sang Trung Quốc đã có khoảng 60% xuất khẩu bằng đường biển, thanh toán bằng ngoại tệ mạnh (USD); điều này vừa an toàn cho doanh nghiệp, vừa có lợi cho Nhà nước.

Thứ hai, với 30 năm kinh nghiệm xuất khẩu điều sang thị trường Trung Quốc, tôi cho rằng chúng ta không nhất thiết phải làm chất lượng cực cao, kiểu như làm hàng size lớn (W320 thực ra là W280), WW chỉ là một màu trắng sáng, không sót SW hoặc LBW, độ ẩm 3,5% - 4%,… Theo tôi, chúng ta nên đàm phán để dần đưa chất lượng về Tiêu chuẩn AFI hoặc TCVN thì tốt hơn vì như vậy năng suất lao động trong khâu chế biến sẽ cao lên (do sản xuất bằng máy dễ dàng) mà cũng không ảnh hưởng đến chất lượng quốc gia của nhân điều Việt Nam. Điều quan trọng là chất lượng phải đồng đều giữa các lô và phải giữ chất lượng ổn định trong một thời gian dài. Không nên chạy chất lượng theo giá vì làm như vậy, chúng ta sẽ đánh mất thương hiệu.  

Thứ ba, trước đây tôi và anh Phạm Văn Công (Công ty Nhật Huy) đã từng tham mưu cho khách Trung Quốc và các nhà máy ở Việt Nam xây dựng bộ tiêu chuẩn xuất khẩu qua Trung Quốc có đến 38 mã hàng, có những mã trên thế giới gần như không có, thí dụ như các loại DW, các loại hàng chấm sâu, teo lép,… để tận thu vì lúc đó chúng ta còn chế biến bằng phương pháp thủ công, sử dụng nhiều lao động, giá nhân công còn rẻ. Nhưng bây giờ thì không thể được. Chúng ta đang cơ giới hóa, tự động hóa, do vậy công nghệ phải càng đơn giản càng tốt, phân càng ít loại càng tốt. Không nhất thiết phải phân quá nhiều loại như trước đây.  

Thứ tư, điều sau cùng tôi muốn nói ở đây là ngành điều chúng ta khác với các ngành khác là chúng ta sớm có thị trường rất đa dạng, phong phú. Theo VINACAS, hiện nay chúng ta đã xuất khẩu trên 100 thị trường và vùng lãnh thổ (Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU, chiếm trên 10% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam; tại Trung Quốc, thị phần tiêu thụ của hạt điều Việt Nam hiện chiếm đến 90%). Mặt khác, các mã hàng chất lượng loại 3 như DW các loại, chấm sâu các loại hay teo lép,… gần đây là hạt điều rang muối còn vỏ lụa, vốn chúng ta chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc; nhưng bây giờ thì khác, nhiều nước ở Trung Đông, các nước ASEAN, Đông Âu, khách hàng cũng ngày càng quan tâm đến các mã hàng này.

Hơn nữa, chúng ta đang ngày càng bán được nhiều hàng hơn ở thị trường trong nước. Tôi chưa có số liệu thống kê sản lượng tiêu dùng hạt điều nội địa hàng năm nhưng tôi chắc chắn là nhu cầu thị trường trong nước về hạt điều đang được cải thiện qua các năm và sẽ còn tăng mạnh hơn nữa vào những năm tới do thu nhập của người dân, rồi tầng lớp trung lưu cũng như thói quen ăn các loại hạt giàu dinh dưỡng ở nước ta đang tăng lên.

Tóm lại, với dân số hơn 1 tỷ người, lại rất gần Việt Nam về mặt địa lý, Trung Quốc vẫn là thị trường đóng vai trò rất quan trọng của ngành điều Việt Nam. Xu thế, yêu cầu, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, kể cả những rào cản mang tính kỹ thuật, bảo hộ chắc sẽ ngày càng tăng; cho nên, tổ chức xuất khẩu hàng qua Trung Quốc theo con đường chính thống, bài bản, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu điều đến nhiều quốc gia khác là hướng đi khôn ngoan của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chúc các bạn may mắn!

Nguyễn Đức Thanh – Nguyên Chủ tịch VINACAS/ Giám Đốc Công ty C&N (Tanimex-LA)  

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin