Góc nhìn: Cạnh tranh xuất khẩu nhân hạt điều giá rẻ, ai là người hưởng lợi?

  1. Ngày đăng: 22-01-2022 21:26:40
  2. Lượt xem: 1.479
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 1479 Lượt xem

(22/1/2022) Góc nhìn: Cạnh tranh xuất khẩu nhân hạt điều giá rẻ, ai là người hưởng lợi?

Tôi thấy chúng ta không khó trả lời câu hỏi này vì trong phân khúc sản xuất - kinh doanh hạt điều, chúng ta nhận thấy:
goc nhin  canh tranh xuat khau nhan hat dieu gia re ai la nguoi huong loi
Hạt điều tại 1 siêu thị ở Mỹ - Ảnh: IT

Khi xuất khẩu hạt điều giá rẻ, đương nhiên người chế biến phải mua được nguyên liệu giá rẻ - điều này dứt khoát là không có lợi cho người sản xuất (nông dân trồng điều).

Người chế biến có lợi chăng? Chưa chắc vì khi người chế biến mua được nguyên liệu giá rẻ, lập tức sẽ bị nhà nhập khẩu, nhà chiên chao ép giá – đây không phải vấn đề lý thuyết mà thực tiễn sản xuất – kinh doanh mấy chục năm qua đã cho tôi thấy rất rõ vấn đề này.

Vậy chắc người tiêu dùng sẽ hưởng lợi? cũng chỉ đúng phần nào! Đành rằng trong “rổ hạt" có nhiều loại, hạt nào giá rẻ người ta sẽ mua, thậm chí là mua nhiều làm cho “cầu" tăng lên; nhưng thử hỏi, nếu các bạn là người tiêu dùng cuối cùng (enduser), các bạn có thực sự an tâm khi mua hàng giá rẻ, giá quá rẻ hay không? Tôi tin là không.

Nhà nhập khẩu, rang chiên, đóng gói có lợi chăng? Theo tôi thì đa phần là như vậy vì thường thì vào vụ, những người này họ thường mua trước một ít rồi tham gia đấu thầu để được đưa hàng vào siêu thị. Khi đã trúng thầu, họ mới mua số hàng cần thiết còn lại; lúc này, họ mua được giá rẻ đồng nghĩa là họ sẽ kiếm được nhiều tiền, rất nhiều tiền.

Những người làm thương mại sẽ hơi khác, thường người ta “đọc thị trường" rất tốt, phân tích và “bắt đáy" rất tốt, để mua được nhiều hàng có giá ở “vùng trũng" và bán ra lúc giá ở “vùng đỉnh". Đến đây thì mọi người lại cho rằng, tốt nhất là giá ở mức vừa phải để công bằng hơn trong việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nhưng như vậy thì đâu còn thị trường; mà không cạnh tranh thì làm sao có động lực để phát triển.

Cho nên theo tôi, thay bằng cạnh tranh bán hàng giá thấp thì chúng ta cạnh tranh nhau bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm!

Tôi tin là đã có rất nhiều doanh nghiệp làm điều vừa rồi đã rất mệt mỏi, không chỉ vì Covid mà còn do nhiều khi phải bán hàng dưới giá vốn để “cắt lỗ". Trong chúng ta, không ai muốn kiếm tiền bằng cách mua bán chộp dựt; khách hàng chân chính cũng vậy, họ muốn giá cả tương đối ổn định, đặc biệt là chất lượng; nếu mọi thứ không chắc chắn thì sẽ chẳng có lợi cho ai!

Trong cuộc đời làm kinh doanh của tôi, tôi luôn tâm niệm: khi chúng ta cạnh tranh xuất khẩu nhân điều giá rẻ (thay vì nghiên cứu đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm), cũng chính là lúc chúng ta đã tự hạ thấp giá trị sản phẩm của mình và tạo điều kiện cho đối thủ vượt lên!

Nhưng “biết rồi, khổ quá, nói mãi", ai chả muốn có giá tốt nhưng tại sao chúng ta lại cứ phải cạnh tranh bán giá thấp như thế? Phải chăng chúng ta thiếu … niềm tin, không đủ bản lĩnh hay chúng ta mong manh, yếu ớt quá? Tất cả đều đúng nhưng chưa đủ.

Tôi có cảm tưởng việc xuất khẩu nhân hạt điều thời gian vừa qua, chúng ta vẫn thiếu đi một “doanh nghiệp nhạc trưởng" để dẫn dắt cuộc chơi. Cho nên, theo tôi trong thời gian tới ngành điều nên cấp bách giải quyết 2 việc:

Một là, đưa “G20" - Top 20 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hạt điều hàng đầu Việt Nam) hoạt động trở lại, nhưng phải tổ chức lại để hoạt động có mục tiêu rõ ràng, đi vào thực chất và hiệu quả, trong đó vai trò của Chủ tịch “G20" là cực kỳ quan trọng – người đó nhất thiết phải là người có đủ 3 điều kiện (“3T"), đó là: người có “Tâm" - có “Tầm" và có “Tiềm lực". Hơn nữa, còn là người nói ra được người khác ủng hộ như: Tân Long, Long Sơn, Hoàng Sơn 1 chẳng hạn.  

Hai là, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tập trung về một mối một cách tự nguyện để giảm đầu mối xuất khẩu nhưng lại tăng về “chất", hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật và thị trường - việc này hơi khó vì phải bỏ chính sách tạm nhập, tái xuất đối với hạt điều thô.     

Tôi tin rằng, nếu chúng ta giải quyết được 2 việc này thì các nhà máy chế biến điều sẽ có được giá nhân điều xuất khẩu tốt hơn.

Nguyễn Đức Thanh – Nguyên Chủ tịch VINACAS,
Giám Đốc Công ty C&N (Tanimex-LA)

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin