Bộ Công Thương họp khẩn tìm giải pháp “cứu” doanh nghiệp
- Ngày đăng: 21-03-2020 09:27:54
- Lượt xem: 1.024
(20/3/2020) Bộ Công Thương họp khẩn tìm giải pháp “cứu” doanh nghiệp
Chiều 20/3, Bộ Công Thương đã tiến hành họp khẩn để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là dệt may và xuất khẩu nông thủy sản, trong bối cảnh nhiều thị trường đình trệ do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trên toàn cầu.Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp chiều 20/3. Ảnh: VGP/Phan Trang
Nông nghiệp, dệt may khủng hoảng
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, về xuất khẩu, 2 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu 39,0 tỷ USD, tăng 8,4%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 12,5 tỷ USD tăng 16,6%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 26,6 tỷ USD, tăng 5,3%.
Tuy nhiên, với tác động của dịch COVID-19, hầu hết các sản phẩm nông sản đều có kim ngạch sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản 2 tháng đầu năm ở mức 3,35 tỷ USD, giảm 4,9%.
Trong đó, rau quả (kim ngạch giảm 8,8% so với cùng kỳ), thủy sản (giảm 10,7%), cao su (giảm 19,9%). Những mặt hàng có thể chịu tác động trong trung hạn do nhu cầu tiêu thụ giảm gồm: cà phê (giảm 1,9%), hạt điều (giảm 8,4%) do hệ thống các nhà hàng, hoạt động du lịch, giao thông giảm sút, kéo theo sụt giảm nhu cầu các mặt hàng này.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 33,25 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ, đã góp phần bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu nông, thủy sản. Tuy nhiên, với các mặt hàng công nghiệp chế biến, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn không chỉ đối với doanh nghiệp Việt Nam mà cho cả các nước khác khi đều phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc.
Đặc biệt, nhóm hàng dệt may bị tác động tương đối nặng nề. Trong đó, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 7,2%; vải mành, vải kỹ thuật giảm 3,4%; hàng dệt và may mặc chỉ tăng 2,2% (cùng kỳ tăng 11,8%).
Việc nhập khẩu các hàng hóa trung gian (nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, nguyên liệu dược phẩm) đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày dép được nhập từ Trung Quốc chiếm khoảng 70%, tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 11%. Trong khi 2 quốc gia này đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, làm giảm nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất. Trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước nhập khẩu tổng cộng 734,7 triệu USD nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày dép, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,7%).
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay hoạt động sản xuất của Trung Quốc bắt đầu khôi phục trở lại sau khi quốc gia này kiểm soát được dịch bệnh thì việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu đã có nhiều diễn biến tích cực, nguồn hàng đã được khơi thông.
“Tuy nhiên, các thị trường Việt Nam đang xuất khẩu lớn như Liên minh châu Âu (EU) hay Hoa Kỳ lại đang giảm sâu do dịch bệnh bùng phát. Vài ngày gần đây có hiện tượng doanh nghiệp nhập khẩu nhận được thông tin giãn, lùi tiến độ giao hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may", bà Trang cho biết.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) gọi việc các đối tác dừng đơn hàng "là khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hơn 20 năm hoạt động" của Tập đoàn. Ông Trường tính toán, số lượng đơn bị huỷ tương đương với năng lực sản xuất trong nửa tháng của nhiều đơn vị trực thuộc Vinatex, khoảng 3-3,5% sản lượng cả năm 2020.
Có kế hoạch ứng phó khẩn cấp
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, ngay khi có thông tin một số đối tác EU, Mỹ thông báo dừng nhập hàng dệt may, cơ quan này đã làm việc với Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ.
Theo ông Linh, Phái đoàn liên minh châu Âu khẳng định, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân. Các hàng hoá, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men...
Tương tự, Đại sứ quán Mỹ cũng khẳng định không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận, việc các đơn hàng từ hai thị trường lớn EU, Mỹ đang hoãn, huỷ buộc cơ quan chức năng phải tính ngay phương án, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, các Vụ thị trường ngoài nước, cùng Vụ Kế hoạch đầu tư cập nhật diễn biến tại các nền kinh tế đối tác về tình hình dịch bệnh, chính sách tác động tới thương mại, chuỗi cung ứng. Từ thực tiễn nắm được, các cục, vụ chủ động phân tích đánh giá kịch bản ứng phó để có thông tin cập nhật, bổ sung kịp thời báo cáo Chính phủ. Mặt khác, các đơn vị cần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động trong xây dựng lại kế hoạch, tái cơ cấu, tranh thủ thời cơ phục hồi, phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Các Thứ trưởng phụ trách khẩn trương làm việc với doanh nghiệp, ngành hàng (dệt may, da giày, điện tử, ô tô…) để định lượng, xác định khó khăn, thách thức về thị trường, tín dụng, người lao động… đưa ra kế hoạch, chương trình và đề xuất lên Chính phủ để có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp", Bộ trưởng yêu cầu.
Với nhóm hàng nông nghiệp, hiện với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương, hoạt động giao dịch qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ. Hiện tại, nhiều địa phương của Trung Quốc đã hạ cấp độ khẩn cấp như Quảng Đông đã hạ xuống cấp 2, Vân Nam đã hạ xuống cấp 3... Hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn thời điểm đầu tháng 2 nhưng vẫn còn khó khăn do lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, đầu tuần tới sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tìm hiểu khó khăn, đề xuất giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia; thực hiện các biện pháp để tiếp tục khơi thông, tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu qua đường biên giới đất liền.
Phan Trang
Nguồn: Báo Chính PhủBài viết khác
- Xuất khẩu nông lâm thủy sản có nhiều cơ hội và dư địa tăng trưởng trong năm 2025
- Xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng hơn 50%
- [Infographic] Top 10 thị trường và doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân hàng đầu Việt Nam tháng 11/2024
- Xuất nhập khẩu Việt Nam bứt phá: 800 tỷ USD trong tầm tay!
- Mỹ liên tục chốt đơn sản vật đắt đỏ của Việt Nam: thống trị cả thế giới 2 thập kỷ, 90 quốc gia nhanh chân săn lùng
- Nhiều nông sản xuất khẩu về đích sớm
- Campuchia phê duyệt thành lập trung tâm công nghiệp hạt điều
- Tiểu thương nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa cho mùa lễ hội cuối năm
- Thấy gì qua thống kê về sản lượng và mùa vụ mới nhất của INC?
- Nhiều mặt hàng nông sản Việt xuất hiện trên bàn ăn của người Trung Quốc nhờ chợ online
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |