Xuất nhập khẩu Việt Nam bứt phá: 800 tỷ USD trong tầm tay!
- Ngày đăng: 13-12-2024 15:09:47
- Lượt xem: 94
(12/12/2024) Xuất nhập khẩu Việt Nam bứt phá: 800 tỷ USD trong tầm tay!
44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD sau 11 tháng. Trung Quốc tiếp tục là thị trường có quan hệ thương mại 2 chiều lớn nhất của Việt Nam.
Việt Nam đang tiếp tục phục hồi ổn định từ suy thoái thương mại toàn cầu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm đã đạt 715,55 tỷ USD, mở ra kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể chạm mốc 800 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 dự kiến đạt kỷ lục mới
Trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 33,73 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,85 tỷ USD, giảm 4,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,88 tỷ USD, giảm 5,7%.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 tăng 8,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,1%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 32,67 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,38 tỷ USD, giảm 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,29 tỷ USD, giảm 3%.
Còn so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 tăng 9,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,8%.
Tính chung 11 tháng, là tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt mức 369,93 tỷ USD, vượt qua kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 là 354,72 tỷ USD và chỉ kém mức kỷ lục năm 2022 gần 2 tỷ USD (kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 371,72 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20,0%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.
Không ít chuyên gia dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2024 sẽ đạt kỷ lục mới là vượt mức 400 tỷ USD.
Kinh tế Việt Nam từng mất nhiều năm để vượt mốc xuất khẩu 100 tỷ USD vào năm 2012, sau đó thêm 5 năm để vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2017 và 4 năm để vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2021. Tiếp theo, chỉ sau 3 năm kim ngạch xuất khẩu lại tăng thêm 100 tỷ USD, đạt mốc 400 tỷ USD. Đây có thể coi là một cột mốc đáng ghi nhận cho những nỗ lực phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 126,05 tỷ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219,57 tỷ USD, tăng 15,2%.
Tính chung, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm nay đạt 715,55 tỷ USD.
44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD
Có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD sau 11 tháng, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trong đó, có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4% gồm điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; vải; sắt thép, chất dẻo.
Nhiều mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn đều đã vượt mức xuất khẩu của cả năm 2023.
Có thể kể đến hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 97,7 tỷ USD, vượt 11,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 44,2 tỷ USD, vượt 6,3%; vải đạt 13,6 tỷ USD, vượt 4,3%; sắt thép đạt 11,5 tỷ USD, vượt 10,3%; chất dẻo đạt 10,6 tỷ USD, vượt 8,7%; điện thoại và linh kiện đạt 9,4 tỷ USD, vượt 7,8%; sản phẩm chất dẻo đạt 8 tỷ USD, vượt 6,8%; dầu thô đạt 7,5 tỷ USD, vượt 5,7%.
Nguyên, phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 6,5 tỷ USD, vượt 8,3%; sản phẩm từ sắt thép đạt 5,9 tỷ USD, vượt 10,1%; tân dược đạt 3,9 tỷ USD, vượt 12,8%; rau quả đạt 2,1 tỷ USD, vượt 8,2%. Ngoài ra còn một số mặt hàng khác cũng đã vượt mức năm 2023 là: Phân bón, cao su gỗ và sản phẩm từ gỗ, giấy, sợi, sản phẩm từ kim loại thường khác, hàng điện gia dụng và linh kiện, dây điện và cáp điện.
7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD
Trong 11 tháng năm nay, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu
Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm điện tử, máy tính và linh kiện (65,227 tỷ USD); điện thoại và linh kiện (50,242 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (47,806 tỷ USD)…
Tất cả các mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn đều đã vượt mức xuất khẩu của cả năm 2023, gồm: thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, vượt 2,2% so với cả năm 2023; rau quả đạt 6,6 tỷ USD, vượt 18,2%; gạo đạt 5,3 tỷ USD, vượt 13,4%; cà phê đạt 4,9 tỷ USD, vượt 16,3%; hạt điều đạt 4 tỷ USD, vượt 9,2%; hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD, vượt 33,7%; chè đạt 235 triệu USD, vượt 12,9%.
Ngoài ra còn một số mặt hàng khác cũng đã vượt mức xuất khẩu của cả năm 2023: Hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 65,2 tỷ USD, vượt 13,8%; dệt may đạt 33,7 tỷ USD, vượt 1%; giày, dép đạt 20,8 tỷ USD, vượt 2,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,7 tỷ USD, vượt 9,1%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 6,1 tỷ USD, vượt 17,2%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ đạt 3 tỷ USD, vượt 19,1%; hóa chất đạt 2,5 tỷ USD, vượt 5,3%; chất dẻo nguyên liệu đạt 2,5 tỷ USD, vượt 13,1%.
Hơn 160.000 ô tô được nhập khẩu trong 11 tháng
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan ghi nhận, tháng 11, cả nước nhập khẩu 17.855 ô tô nguyên chiếc, tổng kim ngạch đạt 375,9 triệu USD, tăng 0,8% về lượng và tăng 0,5% về kim ngạch so với tháng trước.
Về thị trường, Indonesia dẫn đầu về lượng với 7.350 xe, kim ngạch 110,4 triệu USD; tiếp theo là Thái Lan với 5.664 xe, kim ngạch 115,44 triệu USD; Trung Quốc đứng thứ ba với 3.769 xe, kim ngạch 91,3 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11, cả nước nhập khẩu 160.729 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch hơn 3,31 tỷ USD, tăng mạnh 44,4% về lượng và tăng 24,7% về kim ngạch so với cùng kỳ 2023.
3 thị trường nhập khẩu lớn nhất vẫn là 3 cái tên thuộc từ châu Á. Trong đó, thị trường Indonesia đạt 65.043 xe, kim ngạch 954 triệu USD; Thái Lan đạt 60.145 xe, kim ngạch 1,17 tỷ USD; Trung Quốc đạt 28.379 xe, kim ngạch 824 triệu USD.
Xuất siêu 24,31 tỷ USD
Về cán cân thương mại hàng hóa, sơ bộ tháng 11 xuất siêu 1,06 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 24,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 26,2 tỷ USD), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,17 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 46,48 tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường có quan hệ thương mại 2 chiều lớn nhất
Trung Quốc tiếp tục là thị trường có quan hệ thương mại 2 chiều lớn nhất trong 11 tháng năm nay, ước tính bộ đạt 185,4 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 55,2 tỷ USD, giảm 0,9%, nhập khẩu ở vị trí dẫn đầu với ước tính kim ngạch 130,2 tỷ USD, tăng 29,7%. Cán cân thương mại với Trung Quốc đạt nhập siêu 75 tỷ USD, tăng 67,7 %.
Mỹ đứng ở vị trí thứ 2 với ước tính 122,4 tỷ USD về thương mại hai chiều, tăng 21,8% so với cùng kỳ 2023, trong đó, xuất khẩu đạt 108,9 tỷ USD, tăng 23,9%, nhập khẩu ước đạt 13,5 tỷ USD, tăng 7,3%. Xuất siêu sang thị trường Mỹ đứng ở vị trí dẫn đầu với 95,4 tỷ USD, tăng 26,7%.
ASEAN có kim ngạch 2 chiều ước đạt 76 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt giá trị 33,7 tỷ USD, tăng 13,4%, nhập khẩu đạt 42,3 tỷ USD, tăng 13,4%. Nhập siêu từ thị trường ASEAN ước tính đạt 8,5 tỷ USD, tăng 13,3%.
Hàn Quốc là thị trường có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, tăng 7,4%, trong đó xuất khẩu ước đạt 23,4 tỷ USD, tăng 8,7% (1,9 tỷ USD), nhập khẩu ước đạt 51,1 tỷ USD, tăng 6,8%, nhập siêu từ Hàn Quốc đạt 27,7 tỷ tăng 5,2%.
Thị trường EU có kim ngạch 2 chiều ước đạt 62,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 47,3 tỷ USD, tăng 18,1%, nhập khẩu đạt 15,3 tỷ USD, tăng 12,4%. Xuất siêu sang thị trường EU đạt giá trị 32 tỷ USD, tăng 21,1%.
Nhật Bản có kim ngạch 2 chiều ước đạt 42,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 22,3 tỷ USD, tăng 4,8% và nhập khẩu đạt 19,7 tỷ USD, giảm 0,3%. Xuất siêu sang thị trường Nhật Bản ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 70%.
Thảo ThuNguồn: Báo Dân trí
Bài viết khác
- [Infographic] Top 10 thị trường và doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân hàng đầu Việt Nam tháng 11/2024
- Mỹ liên tục chốt đơn sản vật đắt đỏ của Việt Nam: thống trị cả thế giới 2 thập kỷ, 90 quốc gia nhanh chân săn lùng
- Nhiều nông sản xuất khẩu về đích sớm
- Campuchia phê duyệt thành lập trung tâm công nghiệp hạt điều
- Tiểu thương nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa cho mùa lễ hội cuối năm
- Thấy gì qua thống kê về sản lượng và mùa vụ mới nhất của INC?
- Nhiều mặt hàng nông sản Việt xuất hiện trên bàn ăn của người Trung Quốc nhờ chợ online
- Việt Nam góp mặt top 30 nền kinh tế xuất khẩu nhiều nhất thế giới
- Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân chế biến
- [Infographic] 10 doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều lớn nhất tháng 10/ 2024
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |