Nhiều mặt hàng nông sản Việt xuất hiện trên bàn ăn của người Trung Quốc nhờ chợ online

  1. Ngày đăng: 27-11-2024 15:43:26
  2. Lượt xem: 127
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 127 Lượt xem

(26/11/2024) Nhiều mặt hàng nông sản Việt xuất hiện trên bàn ăn của người Trung Quốc nhờ chợ online

Thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc.

Sáng ngày 26-11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức diễn đàn “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt".

Thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng hơn 26%

Tại diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dẫn báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho hay, năm 2023, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu. Trong đó, giá trị xuất khẩu tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%.

“Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước" - bà Oanh thông tin.

nhieu mat hang nong san viet xuat hien tren ban an cua nguoi trung quoc nho cho online

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới. Đơn cử như hạn chế hiểu biết về quy định, pháp luật thị trường, thông tin thị trường sở tại, rào cản ngôn ngữ, thuế quan, logistics, thanh toán…

Bà Oanh khuyến nghị doanh nghiệp cần tham gia vào các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới uy tín, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng tại nước sở tại; đầu tư thương hiệu sản phẩm, nhận diện thương hiệu, nghiên cứu quy định về thương mại điện tử và thị trường…

Trung Quốc đang thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới ra sao?

Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) giáp với Việt Nam, Lào và Myanmar, là cửa ngõ quan trọng của Trung Quốc đi vào Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã chú trọng cải tiến về hạ tầng giao thông, Vân Nam đã hình thành mạng lưới giao thông hiện đại đa chiều lấy Côn Minh làm trung tâm, bao gồm đường sắt, đường bộ và đường hàng không.

Tuyến đường sắt Trung Quốc - Việt Nam đoạn Vân Nam sắp hoàn thành càng nhận được nhiều kỳ vọng vì không chỉ rút ngắn đáng kể thời gian logistics mà còn giảm chi phí vận chuyển, mang lại giải pháp hiệu quả hơn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc.

nhieu mat hang nong san viet xuat hien tren ban an cua nguoi trung quoc nho cho online
Một doanh nghiệp tham gia triển lãm tìm cơ hội kết nối giao thương. Ảnh: AH

Ngoài ra, chính sách về thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt, mô hình 9610 - "Xuất khẩu trực tiếp thương mại điện tử xuyên biên giới" đã trở thành sự hỗ trợ quan trọng trong thương mại giữa Vân Nam và các quốc gia ASEAN.

Ông Liu Liang, đại diện Sở Thương mại tỉnh Vân Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử tỉnh Vân Nam, cho biết dựa vào lợi thế vị trí địa lý độc đáo và tài nguyên phong phú, Vân Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Từ năm 2018 đến nay, tổng kim ngạch giao dịch thương mại điện tử của Vân Nam tăng trưởng hơn 20% mỗi năm. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại điện tử nông sản, Vân Nam đã xây dựng thương hiệu "Sản phẩm Vân Nam vươn ra quốc tế".

Với thương mại điện tử xuyên biên giới, năm 2023, tổng kim ngạch giao dịch lĩnh vực này của Vân Nam đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tỷ trọng thương mại với các quốc gia Đông Nam Á chiếm hơn 60%.

Nhận định về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Liu Liang cho hay Việt Nam có một lượng lớn người tiêu dùng trẻ, nhu cầu mua sắm trực tuyến quốc tế mạnh mẽ, điều này tạo mối quan hệ bổ trợ tự nhiên với thị trường Trung Quốc.

Tương tự, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép có tiềm năng rất lớn trên thị trường Trung Quốc.

“Ví dụ, thanh long, hạt điều và hạt cà phê của Việt Nam đã thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Vân Nam, xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc. Trong tương lai, cùng với việc tối ưu hóa logistics và chính sách, thị phần của những sản phẩm này sẽ còn tiếp tục mở rộng" - ông Liu Liang nói.

An Hiền
Nguồn: Pháp luật TP. HCM

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin