Ngành trồng trọt không nên chủ quan dù ‘được giá’
- Ngày đăng: 05-07-2024 14:03:32
- Lượt xem: 477
(04/7/2024) Ngành trồng trọt không nên chủ quan dù ‘được giá’
Ngành trồng trọt với nhiều loại cây trồng lâu năm đang rất “được giá", là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024. Mặc dù vậy, lĩnh vực này không được phép chủ quan khi vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro vì thiếu bền vững, cạnh tranh gay gắt, gây khó khăn cho xuất khẩu, thiếu định hướng, thiếu kiểm soát…
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao có dẫn thông tin từ Jakarta Globe và Produce Report cho biết Indonesia đang quyết tâm chiếm 25-40% thị phần nhập khẩu sầu riêng ở Trung Quốc và sẽ đẩy mạnh xuất khẩu (XK) ra thị trường quốc tế với giá trị có thể đạt tới 8 tỷ USD/năm, bằng cách mở rộng diện tích canh tác.
Cây sầu riêng trước sức ép cạnh tranh ngày càng lên cao
Hơn thế nữa, phía Indonesia đã đề nghị các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đầu tư vào các trang trại sầu riêng ở nước họ và có thể dành 5.000 ha đất để phục vụ trồng sầu riêng, trong đó 70% sản lượng dành cho XK sang Trung Quốc.
Dù “được giá" nhưng sức ép cạnh tranh ngày càng lên cao với trái sầu riêng của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. |
Ngoài Indonesia thì Philippines và Malaysia cũng đang dòm ngó, tranh giành thị phần ở thị trường sầu riêng đầy tiềm năng ở Trung Quốc. Sau thời gian chỉ được XK sầu riêng đông lạnh, hồi tháng 6/2024, Malaysia chính thức được XK trái sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Thái Lan vẫn đang chiếm giữ khoảng 66% thị phần nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc và gia tăng cạnh tranh bằng cách rút ngắn thời gian vận chuyển và đẩy mạnh khâu chế biến.
Như vậy, có thể thấy thách thức lớn cho XK sầu riêng của Việt Nam vào thị trường chính yếu Trung Quốc trong thời gian tới là sẽ đối mặt sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ chính các quốc gia trong khu vực.
Về việc cạnh tranh, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết việc bán mặt hàng sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đang có những vấn đề cần khắc phục. Chẳng hạn như Thái Lan và Trung Quốc có tới 80 loại giống khác nhau về sầu riêng, trong khi Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
Hơn nữa, theo bà Hạnh, về chế biến sầu riêng, chúng ta hiện đang nghĩ tới cấp đông, nhưng có lẽ cần nghĩ tới nhiều hình chế biến hơn nữa, để khi thị trường cấp đông đã trở thành quen thuộc rồi thì thị hiếu lại càng thay đổi nhanh, người tiêu dùng sẽ còn tìm đến những thứ độc đáo hơn.
“Cho nên cuộc cạnh tranh về sầu riêng là phải “chạy" từ việc đảm bảo về chất lượng, giá cả cho đến cạnh tranh về hình thức chế biến. Tức là Việt Nam cần sáng tạo ra sản phẩm chế biến mới từ sầu riêng", bà Hạnh nói.
Do đó, ngành hàng sầu riêng của Việt Nam không được chủ quan dù cho đang “được giá" trong lúc này, đặc biệt là trước bối cảnh diện tích trồng sầu riêng vẫn không ngừng tăng đáng báo động. Như dự đoán diện tích sầu riêng cả nước năm 2024 có thể sẽ đạt tới khoảng 151.000ha (tăng 20.000 ha so với năm 2023), sản lượng dự kiến là khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 0,5 triệu tấn).
Ngoài sầu riêng, theo thông tin mới đây từ Nikkei Asia và Hiệp hội hạt điều Campuchia (CAC), đó là Campuchia đang muốn “lật đổ" ngôi vị số 1 thế giới về XK nhân điều của Việt Nam. Diện tích trồng điều ở nước này hiện đạt hơn 650.000 ha và đang tìm cách nâng giá trị hạt điều XK.
Trong khi đó, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu do diện tích cây điều ngày càng thu hẹp (do nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có thể mang lại giá trị cao hơn) là một thách thức cho ngành điều Việt Nam. Tổng diện tích trồng điều cả nước hồi năm 2023 ước đạt 314.000 ha (trong đó, diện tích cho thu hoạch 300.000ha), giảm 8.300ha so với năm 2022.
Hình minh họa - Nguồn: IT
Nhiều rủi ro vì thiếu bền vững
Hoặc như ở ngành hàng cà phê. Số liệu mới nhất cho thấy giá trị XK cà phê trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, như lưu ý mới nhất từ giới chuyên gia, nếu nhà vườn giữ tâm lý “được giá" mà chủ quan, không lường trước những biến động thị trường sẽ khiến cho ngành hàng gặp thêm nhiều rủi ro.
Mức giá cà phê hiện tại được cho là thiếu bền vững, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng các DN kinh doanh mặt hàng cà phê vì người trồng có tâm lý chờ giá tiếp tục lên cao hơn nữa. Với việc găm hàng chờ giá cao sẽ khiến các DN bị đổ vỡ, khi đó giá cà phê sẽ quay lại mức thấp.
Chưa kể, trong niên vụ 2023-2024, do các vùng trồng cà phê lớn gặp hạn hán và sâu bệnh khiến sản lượng cà phê giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn, là mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Điều này được cho là mang lại lợi ích về giá nhưng về lâu dài sẽ gây hại cho thị phần cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Hay như ở một số cây công nghiệp lâu năm khác đang cho thấy tăng cả về sản lượng thu hoạch và giá bán. Cụ thể: Sản lượng hồ tiêu đạt 238,2 nghìn tấn, tăng 2,3% và giá bán tăng 44,06%; cao su đạt 410,7 nghìn tấn, tăng 2% và giá bán tăng 8,96%; chè đạt 522,9 nghìn tấn, tăng 2,4% và giá bán tăng 2,91%….
Thế nhưng, ở những loại cây trồng này lại đang chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Như với hồ tiêu đang đối mặt tình cảnh giảm diện tích, giảm sản lượng. Diện tích hồ tiêu cả nước hồi năm rồi đạt 115.000ha, giảm 4,2% so với năm 2022 và giảm 24,3% so với năm có diện tích cao nhất là năm 2017 khoảng 151.900 ha.
Nguyên nhân giảm chủ yếu do ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh hại và giá tăng mạnh của một số mặt hàng nông sản khác như sầu riêng, cà phê trong thời gian vừa qua. Không chỉ vậy, việc giữ tiêu chờ giá cao của nông dân đã dẫn đến thiếu hụt, không chỉ gây khó khăn cho các nhà XK mà còn ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành hồ tiêu.
Từ những vấn đề nêu trên để thấy ngành trồng trọt không được phép chủ quan dù cho có nhiều loại cây lâu năm trong nửa đầu năm có tín hiệu tốt về mặt “được giá".
Như lưu ý mới đây của Tổng cục Thống kê, sự phát triển quá nhanh, không theo định hướng và thiếu kiểm soát chất lượng sản phẩm vẫn là những điều mà người nông dân cần phải được lưu tâm.
Bên cạnh đó, việc phát triển ngành trồng trọt để đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi “được giá" cũng cần được giải quyết. Từ người nông dân, HTX cho đến các DN trong lĩnh vực này cần làm sao có được chiến lược phù hợp về chuỗi giá trị để hướng đến mục tiêu phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, gia tăng giá trị XK và giảm thiểu được những rủi ro, có tính bền vững cao.
Thế Vinh
Nguồn: VNBusiness
Bài viết khác
- Một nông dân sáng chế máy nông nghiệp ở Bình Phước nhờ ”học lỏm” khiến cả làng phục sát đất
- Bốn loại cây công nghiệp nào vừa được UBND tỉnh Bình Phước đưa vào kế hoạch phát triển đến năm 2030?
- ’Sự lựa chọn cuối cùng’ của nhà nông
- Diện tích cây điều ở Bình Phước đang ngày càng thu hẹp (Video clip)
- Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ vào Việt Nam
- Hệ lụy khi người nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng
- Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
- Hàng ngàn héc-ta cây trồng chết mòn vì nắng hạn
- Mô hình kinh tế hữu cơ cà phê - điều cho thu nhập cao
- Nông nghiệp: lợi nhuận không ‘đồng hành’ với kim ngạch xuất khẩu
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |