Đồng Nai: Giàu nhờ cây điều ghép
- Ngày đăng: 03-03-2018 15:24:16
- Lượt xem: 3.196
(03/03/2015) Nhóm phụ trách Dự án ghép cải tạo vườn điều do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tài trợ vừa tổ chức hướng dẫn nông dân xã An Viễn (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) nâng cao kỹ thuật ghép nhằm tăng năng suất, chất lượng hạt điều.
Đồng Nai: Giàu nhờ cây điều ghép
(03/03/2015) Nhóm phụ trách Dự án ghép cải tạo vườn điều do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tài trợ vừa tổ chức hướng dẫn nông dân xã An Viễn (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) nâng cao kỹ thuật ghép nhằm tăng năng suất, chất lượng hạt điều.
Ngay sau tết, vườn điều ghép của ông Vũ Duy Trang đã cho trái đỏ cây
Tại đây, nhiều nông dân khẳng định nhờ cây điều ghép gia đình họ đã có cuộc sống sung túc…
Giống điều ghép M1, M2
Dự án ghép cải tạo vườn điều được Vinacas tài trợ thực hiện ở một số vùng trồng điều trọng điểm phía Nam, trong đó có mô hình tại xã An Viễn nói trên. Tại hộ ông Vũ Duy Trang (ấp 2, xã An Viễn), 1,5 ha điều ghép của gia đình ông trồng từ năm 2.000 đang cho trái đỏ cây. Ông Trang dự kiến vụ này thu 5 tấn hạt, với giá bán lên tới 28 triệu đ/tấn, ước tính gia đình ông “bỏ túi" khoảng 110 triệu đ, sau khi đã trừ chi phí khoảng 30 triệu.
Ông Trang quê gốc Thanh Hóa, từ năm 1986 được điều động đóng quân tại đây và khi giải ngũ ông đã đưa vợ con vào gắn bó luôn với vùng đất này.
Ông Trang cho biết, năng suất điều ghép tại vườn nhà ông (giống điều ghép M1 và M2) cho năng suất rất đều. Vào những năm thời tiết không thuận, nhiều hộ trồng giống điều hạt chỉ cho thu vài tạ/ha, thì vườn nhà ông vẫn cho thu tới 2,5 tấn/ha. Điều khác biệt nữa là điều ghép thường cho thu hoạch sớm, vào đầu vụ giá bán thường cao hơn lúc thu hoạch rộ nên nông dân cũng có lợi.
“So với giống điều hạt cho năng suất thất thường, năm được năm mất, thì rõ ràng điều ghép cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn", ông Trang nói.
Giống điều ghép M1 và M2 này ông Trang mua tại nhà ông Hoàng Văn Minh (ấp 5, xã An Viễn) cách đây gần 20 năm. Theo ông Minh, năm 1996 ông tìm mua giống điều ghép tại nhà kỹ sư Nguyễn Văn Đẩu (hiện là chuyên gia cây điều của Vinacas).
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều vườn điều của nông dân xảy ra tình trạng năm được mùa, năm mất mùa là do thiếu đầu tư phân, thuốc. Khi nông dân thấy vụ trước được mùa rồi thì chủ quan không đầu tư phân, thuốc để dưỡng vườn khiến cây bị kiệt sức dẫn đến mất mùa vụ sau. Vì thế, nông dân cần luôn thực hiện việc chăm sóc, đầu tư đều đặn trước, trong và sau mỗi vụ điều. |
Sau khi trồng thử nghiệm chưa đầy 2 năm, toàn bộ diện tích điều ghép của ông Minh đã cho thu hoạch hạt to, chắc, tỷ lệ nhân thu hồi cao. Sau 7 năm trồng, năng suất luôn đạt trên 3 tấn/ha. Sau khi nhân giống thành công, các giống điều này được đặt tên là M1, M2, M3, M4 và M5 (tức là lấy tên ông Minh để đặt và sau này chỉ tập trung phát triển giống M1, M2).
Nhờ kinh doanh giống, gia đình ông Minh không chỉ xóa nghèo mà đã vươn lên làm giàu, xây nhà cửa, vật dụng gia đình hiện đại, cho cái cái học hành đến nơi chốn. Ông Minh còn khoe: “Tôi mới mua 3 ha đất tại Long Thành cũng từ tiền kinh doanh giống điều ghép này".
Nâng cao kỹ thuật
Đến thời điểm này, khi cây cao su đang thất thế vì giá bán giảm tới 70% thì cây điều được nông dân đặc biệt coi trọng vì giá bán liên tục đi lên, thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, hoàn toàn không lo vấn đề đầu ra (điểm thuận lợi không cây trồng nào có được).
Cây cao su đầu tư lớn, rủi ro cao, công chăm sóc nhiều, giá cả lúc trên trời lúc lại xuống vực; còn cây điều thì ngược lại đầu tư ít, rủi ro thấp, ít công chăm sóc, giá cả ngày càng tốt lên. Vì thế, bà con ở đây giờ bảo chặt điều thì 100% không có suy nghĩ đó!
Kỹ sư Phạm Văn Đẩu, chuyên gia về cây điều của Vinacas, phụ trách hướng dẫn cách ghép cho nông dân tại xã An Viễn cho biết, bà con nông dân khi tiến hành ghép cần chú ý kỹ thuật cắt ghép: Chỉ thực hiện một lần cắt dao để đảm bảo không bị cong vênh và chỉ đủ chạm vào phần tượng tầng của cây, không cắt vào lõi cây. Về dây buộc ghép, phải dùng dây ni lông chắc, quấn nhiều vòng và nhiều lần để phần tượng tầng của cây ghép và chồi ghép dính vào nhau thật chặt mới đảm bảo chồi ghép sống và phát triển.
Về chăm sóc, theo các chuyên gia, trước đây do giá thấp, năng suất kém nên bà con nông dân chưa quan tâm đến chăm sóc, cải tạo vườn điều; việc bón phân hầu hết chưa cân đối, chưa đủ liều lượng. Giai đoạn cần bón, cần phun để cho cây bung bông hoặc thời kỳ dưỡng bông rất cần thiết sử dụng phân bón lá.
Đất canh tác nhiều năm thì thành phần khoáng vi lượng trong đất thường cạn kiệt, phải được bổ sung đầy đủ bằng bón phân để giúp cây đạt năng suất cao hơn. Tối thiểu nhất trong 1 năm cây điều phải được bón phân 2 lần để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây ra hoa, kết trái.
THÀNH NGỌC
NGUỒN: BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Bài viết khác
- Cần xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về cây điều đầu dòng
- VINACAS GÓP Ý DỰ THẢO TIÊU CHUẨN MỚI VỀ CÂY ĐIỀU ĐẦU DÒNG VÀ VƯỜN ĐIỀU ĐẦU DÒNG
- Bình Phước: Phát huy lợi thế phát triển cây công nghiệp chủ lực
- Một nông dân sáng chế máy nông nghiệp ở Bình Phước nhờ ”học lỏm” khiến cả làng phục sát đất
- Bốn loại cây công nghiệp nào vừa được UBND tỉnh Bình Phước đưa vào kế hoạch phát triển đến năm 2030?
- ’Sự lựa chọn cuối cùng’ của nhà nông
- Diện tích cây điều ở Bình Phước đang ngày càng thu hẹp (Video clip)
- Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ vào Việt Nam
- Hệ lụy khi người nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng
- Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |