Để ngành điều phát triển bền vững: Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ

  1. Ngày đăng: 16-11-2018 08:10:30
  2. Lượt xem: 1.601
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 1601 Lượt xem

Hiện, ngành điều nước ta đang tồn tại nghịch lý: Doanh nghiệp chế biến phải nhập nguyên liệu với giá cao, xuất khẩu điều nhân với giá thấp, hàng trăm doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa...

Để ngành điều phát triển bền vững: Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ

(16/11/2018) Để ngành điều phát triển bền vững: Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ

 

Hiện, ngành điều nước ta đang tồn tại nghịch lý: Doanh nghiệp chế biến phải nhập nguyên liệu với giá cao, xuất khẩu điều nhân với giá thấp, hàng trăm doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa... Vậy, đâu là giải pháp cho ngành điều?
de nganh dieu phat trien ben vung  xay dung chuoi lien ket chat che
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện hàng trăm doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều phải tạm đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng.

Nghịch lý

Tính đến hết tháng 6/2018, kim ngạch xuất khẩu điều ước đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch nhập khẩu ước trên 750 triệu USD, giảm 40,7%. Mỹ vẫn là nước nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% thị phần, tiếp đó là Trung Quốc với 10% thị phần, còn lại là các thị trường khác.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều đang gặp khó khăn. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), năm nay giá nhập khẩu nguyên liệu điều tăng mạnh (trung bình trên 2.000 USD/tấn), dẫn đến các doanh nghiệp không dám nhập hàng. Chính việc thiếu hụt nguyên liệu chế biến đã khiến hơn 30% doanh nghiệp ngành này phải tạm thời đóng cửa.

Nghịch lý là, giá nguyên liệu tăng cao, nhưng giá điều nhân xuất khẩu lại giảm mạnh. Nhân điều loại cỡ trung bình có giá 4,1-4,15 USD/kg, trong khi cùng kỳ năm 2017, đạt 5,1-5,3 USD/kg. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước tăng công suất chế biến (trong 5 tháng đầu năm 2018, công suất chế biến tăng tới 25%), dẫn đến tình trạng tranh bán, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, nhà nhập khẩu bị ép phải mua với giá cao.

Một doanh nghiệp ở Bình Phước cho biết, theo kế hoạch năm 2018, công ty nhập hơn 1.000 tấn điều, nhưng mới nhập được 500 tấn thì phải dừng vì giá nguyên liệu tăng cao đột biến. Công ty ký hợp đồng mua với giá 37.000 đồng/kg, nhưng thời điểm này, giá điều nhập từ cảng cán mốc 50.000 đồng/kg.

Do công suất chế biến tăng, giá điều thô nhập khẩu về cao, trong khi doanh nghiệp lại thiếu vốn nên một số nhà máy đua nhau hạ giá bán nhân điều để có vốn quay vòng sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá điều nhân của Việt Nam giảm mạnh, trong khi nhu cầu của thị trường vẫn tương đối ổn định.

“Thủ phủ" Bình Phước hiện có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 nhà máy, cơ sở chế biến điều xuất khẩu, đến nay đã có khoảng 480 đơn vị buộc phải đóng cửa để chờ giá nguyên liệu giảm. Trong khi đó, ngành chế biến điều của Bình Phước đóng góp khoảng 51% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này, giải quyết việc làm cho 50.000 lao động mỗi năm.

Nhập khẩu 70% nguyên liệu

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, giải trình trong phiên thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Nguyên nhân trước tiên khiến ngành điều trong nước gặp khó là do nhập khẩu nguyên liệu tới 70%. Đó là một bất cập. Vì hạt điều là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD nhưng lại phải nhập khẩu nguyên liệu.

Thứ hai, năng suất cây điều mặc dù so với thế giới cao gấp đôi, nhưng so với cây trồng khác và so với yêu cầu người nông dân thì còn thấp. Chúng ta phải có trách nhiệm nâng cao năng suất hơn nữa, nếu không cây điều sẽ không còn chỗ đứng.

Thứ ba, ngành điều Việt Nam tự hào có khâu chế biến đi đầu thế giới về số lượng. Chúng ta hiện có 486 nhà máy chế biến, dẫn đầu thế giới về số lượng nhưng ra chuỗi giá trị sâu thì chúng ta chỉ có 20% nhà máy. Chỗ này chúng ta phải tập trung để cho giá trị dài hơn chứ không phải chỉ ra được hạt điều rang khô để đóng gói xuất khẩu trên thế giới như hiện nay.

Thứ tư, chưa tận dụng các phế liệu khác từ quả điều. Cây điều có đặc điểm là khối lượng sinh khối của quả điều lớn hơn nhiều so với lượng hạt. Vỏ hạt điều khi bóc ra có thể tận dụng tạo ra nhiều sản phẩm".

Còn Hiệp hội Điều Việt Nam khẳng định, hầu hết các doanh nghiệp đóng cửa là doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh kém, hoạt động tự phát nên gặp rủi ro khi thị trường biến động. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc Việt Nam phải chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, tránh phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu.

Giải pháp phát triển ngành điều bền vững

Mới đây, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam đề xuất và kêu gọi các ngân hàng thương mại đang tài trợ vốn cho ngành điều tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp ngành này, bằng việc xem xét tài trợ cho toàn ngành điều một “gói tín dụng" trị giá khoảng 800 triệu USD. Số vốn này thực sự cần thiết để các doanh nghiệp ngành điều trong nước có thể nhập khẩu khoảng 500.000 tấn hạt điều giá rẻ (khoảng 1.600 USD/tấn).

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Biện pháp căn cơ là phải chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước để ngành điều sản xuất bền vững.

“Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ bà con thực hiện câu lạc bộ điều 2 tấn để tiến hành thâm canh điều nâng cao năng suất, chất lượng vườn điều. Đặc biệt là làm sao để cho người dân có nhận thức chăm sóc, thâm canh vườn điều chứ không làm quảng canh. Thứ hai là tiến hành tái canh những vườn điều già cỗi", bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Phước cho biết.

Theo Đề án phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, để ngành điều phát triển bền vững, cần hội đủ các yếu tố thâm canh, trồng xen, cải tạo giống, chuyển giao kỹ thuật trồng điều cho nông dân, hình thành tổ chức sản xuất cho người trồng điều, đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu điều. Cùng với đó, đầu tư vào công nghệ và máy móc hiện đại để sản xuất thêm nhiều sản phẩm hạt điều giá trị gia tăng cao.

Cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ, từ tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đến ổn định đầu thu mua, chế biến và tổ chức phát triển thị trường, mà thị trường ở đây phải chú ý cả hai, đó là trong nước và nước ngoài.

Hiện, thị trường trong nước tiêu thụ hạt điều chưa tương xứng mà phải coi đây là thị trường tiềm năng, là một lợi thế để ổn định về mặt thương mại. Nếu quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài thì việc phát triển thị trường sẽ lệch lạc, không đầy đủ và cũng không hết chuỗi giá trị.

Các doanh nghiệp còn chủ quan dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu mà chưa có kế hoạch gắn sản xuất với xây dựng vùng nguyên liệu trong nước. Những khó khăn mà ngành điều đang đối mặt cũng là dịp để Hiệp hội Điều Việt Nam và các doanh nghiệp sớm có sự chấn chỉnh để tiếp tục khẳng định và duy trì vị thế là nhà chế biến - xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới.

Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng là phải hình thành được các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và các vùng nguyên liệu. Hiện nay, chỉ tính riêng ở Bình Phước, nhiều doanh nghiệp thành lập các hợp tác xã trồng điều sạch, điều organic để phục vụ cho xuất khẩu. Đây cũng là hướng đi nhằm phát huy thế mạnh về chất cho ngành điều.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Điều Việt Nam đang nỗ lực vận động doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, sản xuất sạch hơn, chế biến sâu hơn, phát triển mạnh hơn thị trường nội địa. Ngoài ra, xây dựng các nhà máy lớn, chú trọng đầu tư cho thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị hạt điều, định vị thương hiệu điều Việt Nam trên thế giới, đưa giá trị thương mại của toàn ngành lên khoảng 4 tỷ USD trong năm 2019.

P.V.

Nguồn: Kinh tế Nông thôn

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin