10 dấu ấn nổi bật của ngành Nông nghiệp - PTNT năm 2024
- Ngày đăng: 02-01-2025 17:09:37
- Lượt xem: 156
(01/1/2025) 10 dấu ấn nổi bật của ngành Nông nghiệp - PTNT năm 2024
Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và cơn bão số 3 (Siêu bão Yagi) tàn phá ở các tỉnh miền Bắc, tuy nhiên ngành Nông nghiệp - PTNT với tinh thần "kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", cùng với nỗ lực vượt khó đương đầu với mọi thử thách, thích ứng với mọi thay đổi, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.Những thành tựu nổi bật của Nông nghiệp - PTNT trong năm 2024 không chỉ khẳng định vai trò trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội quốc gia mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và sẵn sàng phát huy lợi thế để cùng với đất nước bước vào kỉ nguyên mới.
Dưới đây là 10 dấu ấn nổi bật của ngành Nông nghiệp - PTNT do Báo Nông nghiệp Việt Nam bình chọn.
Năm 2024 công tác xây dựng thể chế, chính sách tiếp tục được ngành Nông nghiệp - PTNT xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng.
Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt thực hiện ngay từ khi lập, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch, năm 2024 Bộ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành 11 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định, ban hành theo thẩm quyền 25 Thông tư (đạt 100% kế hoạch).
Điển hình, Bộ Nông nghiệp - PTNT đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về lâm nghiệp; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ Logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030"; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; Đề án “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và PTNT đến năm 2025 định hướng năm 2030"; Dự thảo Kế hoạch hành động thích ứng với quy định của Luật Chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR); Thực hiện nghiêm các giải pháp chống khai thác IUU, đặc biệt là triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp - PTNT tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; trình ban hành và tổ chức thực hiện 3 Quy hoạch ngành cấp Quốc gia lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, nâng tổng số Quy hoạch ngành lĩnh vực nông nghiệp đã được phê duyệt lên 4 gồm: Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi; Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch hệ thống cảng cá khu neo tránh trú bão cho tàu cá; Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia.
Nhờ tư duy sáng tạo, linh hoạt, đổi mới và đột phá về thể chế, ngành Nông nghiệp - PTNT đã vượt khó thu hút thêm 1.500 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên khoảng 17.300, tăng 7,5% so với năm 2023. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục gia tăng đầu tư vào nông nghiệp.
Năm 2024, tiếp tục nhất quán trong chuyển đổi tư duy và hành động từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, đa ngành, đa lĩnh vực và nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội.
Nhờ đó cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp - PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai , mưa bão, dịch bệnh. Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.
Điển hình như chỉ đạo linh hoạt chuyển đổi khoảng 116 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Giúp giá trị 1 ha đất trồng trọt năm 2024 ước đạt 127 triệu đồng, tăng 7,4 % so với năm 2023.
Chủ động, linh hoạt điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, điều chỉnh lịch sản xuất giúp các địa phương sẵn sàng ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên. Điển hình là chỉ đạo áp dụng thành công quy trình rải vụ cho hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 đến 2 lần tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Hay chỉ đạo nâng cao năng suất, chất lượng rừng, chú trọng quản lý giống, trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh giúp tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát đạt 85-90%.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã được nhân rộng: Mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái nguyên; mô hình trang trại sinh thái khép kín ứng dụng công nghệ cao Phước An ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk; mô hình chuỗi giá trị nuôi ngao ở Nam Định; mô hình nuôi tôm sinh thái, hữu cơ ở Cà Mau, Bạc Liêu; mô hình trồng rong kết hợp với du lịch tại Khánh Hoà, Quảng Ninh...
Với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng với nhất quán trong chuyển đổi tư duy và hành động từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, đa ngành, đa lĩnh vực và nỗ lực đoàn kết vượt khó của toàn ngành, ngành nông nghiệp năm qua tiếp tục đà tăng trưởng hơn 3,3%.
Ấn tượng nổi bật nhất là tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản toàn ngành Nông nghiệp - PTNT ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD (tăng 18,7% so với năm 2023), xuất siêu đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD (tăng 46,8% so với năm 2023). Trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 32,8 tỷ USD (tăng 22,4%); chăn nuôi 533,6 triệu USD (tăng 6,5%); lâm sản chính 17,28 tỷ USD (tăng 19,4%); thủy sản 10,07 tỷ USD (tăng 12,2%).
Nông nghiệp năm 2024 cũng chứng kiến 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ 16,2 tỷ USD (tăng 20,3%); Rau quả 7,12 tỷ USD (tăng 27,1%); Gạo 5,75 tỷ USD (tăng 23% với lượng 9,18 triệu tấn, tăng 12,9%); Cà phê 5,48 tỷ USD (tăng 29,1% với lượng 1,32 triệu tấn); Hạt điều 4,38 tỷ USD (tăng 20,2% với lượng 729,5 nghìn tấn, tăng 13,3%); Tôm 3,86 tỷ USD (tăng 14%); Cao su 3,46 tỷ USD (tăng 19,6% với lượng 2,03 triệu tấn, giảm 5,2%).
Đặc biệt kỷ lục xuất siêu 17,9 tỷ USD của ngành Nông nghiệp - PTNT có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế trong một năm nhiều khó khăn (xuất siêu cả nước ước khoảng 25 tỷ USD).
Năm 2024, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, dị thường gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng… Theo thống kê tác động của thiên tai đã gây tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 87.400 tỷ đồng, cao gấp 9,38 lần so với năm 2023 và gấp 4,19 lần trung bình 10 năm 2014-2023). Trong đó ngành Nông nghiệp – PTNT là một trong những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Chủ động ứng phó, bằng tinh thần xuyên suốt sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, ngành Nông nghiệp - PTNT đã nỗ lực thực hiện hiện nhiệm vụ kép “vừa ứng phó biến động thiên tai vừa tổ chức sản xuất", bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến thiên tai, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia chỉ đạo kịp thời khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân..
Đặc biệt siêu Bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho 26 tỉnh, thành phố phía Bắc. Bộ Nông nghiệp - PTNT đã kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, Công điện chỉ đạo ứng phó với Bão; khẩn trương triển khai Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 và tham mưu Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 và số 108/CĐ-TTg ngày 18/10/2024 về tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.
Tham mưu tổ chức nhiều đoàn công tác của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Bộ kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão tại các tỉnh bị thiệt hại, ảnh hưởng; tham mưu Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm vào ngày 28/9/2024 .
Trong một năm thiên tai tác động đặc biệt lớn, ngành Nông nghiệp - PTNT đã chủ động nâng cao năng lực phòng, chống và tham mưu Chính phủ ban hành các Công điện, Chỉ thị, Chỉ đạo chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên; chỉ đạo các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt triển khai phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu năm 2024 , xây dựng phương án và triển khai bảo vệ 299 công trình trọng điểm.
Mặc dù thời tiết bất lợi (nắng nóng, hạn mặn… do Elnino), nhưng Bộ Nông nghiệp - PTNT đã quyết liệt, chủ động chỉ đạo đồng bộ các giải pháp từ sớm, từ xa; do đó đã hạn chế được tối đa thiệt hại trên các cây trồng chủ lực. Kịp thời phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Triển khai Đề án, Bộ Nông nghiệp - PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm Trưởng ban, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, đại diện WB, đại diện lãnh đạo 12 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2024, Đề án đã được triển khai mạnh mẽ 12 địa phương và đạt được những được kết quả tích cực. Các mô hình thí điểm của Vụ lúa Hè Thu năm 2024 đã cho kết quả rất tốt: giảm 20-30% chi phí vật tư đầu vào, tăng 10% năng suất, tăng 20-25% thu nhập, giảm từ 5-6 tấn CO2 trên một ha, đặc biệt tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc. Đề án đang ngày càng lan tỏa với mục tiêu giúp người trồng lúa có cuộc sống tốt đẹp hơn, môi trường trong sạch hơn và đóng góp vào nỗ lực chung của toàn thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu.
Đề án là "luồng gió mới", thể hiện quyết tâm mới của Chính phủ trong việc từng bước hiện đại hoá ngành sản xuất lúa gạo của cả nước. Không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 1,5 triệu người nông dân, mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về “0" theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Cùng với sự dịch chuyển tư duy xanh - hành động xanh - nông nghiệp xanh hiện hữu trong tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, Nông nghiệp Việt Nam không chỉ nhất quán chủ trương xây dựng nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh của Chính phủ Việt Nam.
Năm 2024 ghi dấu hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Nông nghiệp - PTNT được tăng cường hợp tác song phương, đa phương và khu vực thông qua các hoạt động, tổ chức hội nghị, hội đàm trực tiếp và trực tuyến với các đối tác quốc tế để triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương lĩnh vực nông nghiệp (đã ký kết 21 Bản ghi nhớ cấp Bộ và cấp Chính phủ). Tổ chức 20 đoàn ra (trong đó 11 đoàn tháp tùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước); tổ chức tiếp đón và làm việc với 49 đoàn vào để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản, kết nối doanh nghiệp, phát triển thị trường.
Đồng thời, tăng cường thu hút và quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài; vận động các Tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ song phương, đa phương tài trợ cho ngành từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, FAO, UNDP, WWF, WB, ADB…
Trong khuôn khổ Đối tác Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), Bộ Nông nghiệp - PTNT đã thúc đẩy hợp tác công tư trên các chuỗi giá trị ngành hàng, thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm để thúc đẩy chia sẻ các công nghệ mới, các mô hình sản xuất xanh và bền vững giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các tổ nhóm nông dân, hợp tác xã, giữa các nhà khoa học...
Đặc biệt năm 2024, trong bối cảnh thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn, ngành Nông nghiệp - PTNT đã nỗ lực xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường mới, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường xuất khẩu. Nhờ đó thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm.
Phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại cung cấp thông tin thị trường, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật, Nga, Braxin... Tập trung khai thác các thị trường còn nhiều tiềm năng như thị trường thực phẩm Halal, Trung Đông, Châu Phi...
Nhờ đó, nông sản Việt Nam tính đến năm 2024 đã hiện hữu tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ thể hiện những sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác đàm phán mở cửa thị trường và nhanh chóng tổ chức sản xuất để thích ứng với yêu cầu của những thị trường khó tính nhất.
Năm 2024, vốn đầu tư công ngành Nông nghiệp - PTNT được quản lý chặt chẽ; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp, số công trình lớn được hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu lực, hiệu quả đầu tư.
Bộ Nông nghiệp - PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phân bổ vốn ngay sau khi được giao và đúng quy định với tổng số vốn năm 2024 sau 2 lần giao là 11.668,8 tỷ đồng. Phối hợp chặt chẽ trình Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc những vấn đề vượt thẩm quyền, nhờ đó, tỷ lệ giải ngân của Bộ Nông nghiệp - PTNT luôn đạt ở mức cao, ước cả năm đạt trên 98% (Nếu chưa tính số vốn 2.500 tỷ đồng được bổ sung tháng 11/2024, tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt trên 115%.).
Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn nhưng có nhiều dự án đầu tư công triển khai vượt tiến độ như: Cống âu Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang: Hoàn thành công trình chính kịp phục vụ chống hạn mặn mùa khô 2024; các công trình kè chống sạt lở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vượt tiến độ 2-4 tháng…
Cùng với các nguồn lực khác và kết quả đầu tư của các giai đoạn trước, năm trước; hệ thống hạ tầng nông nghiệp nông thôn, nhất là các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, ngăn mặn, chống sạt lở, sụt lún, ứng phó biến đổi khí hậu, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng phục vụ sản xuất giống, cơ sở nghiên cứu, đào tạo... được đầu tư, đưa vào sử dụng đã giúp tăng mức đảm bảo tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế tác động do hạn hán, biến đổi khí hậu gây ra.
Với quan điểm xuyên suốt lấy người dân làm trung tâm, năm 2024 phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" đã thực sự đi vào cuộc sống, thu hút được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Tính đến cuối năm 2024 cả nước có khoảng 78,7% xã đạt chuẩn Nông thôn mới trong đó 2.225 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 602 xã so với năm 2023) và 532 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 274 xã), bình quân cả nước đạt 17,5 tiêu chí/xã (tăng 0,6 tiêu chí); lần đầu tiên có 15 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Cả nước có trên 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023) trong đó 73,2% sản phẩm 3 sao, 23,5% sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao; có 8.086 chủ thể OCOP, trong đó có 32,7% là HTX, 24,1% là doanh nghiệp nhỏ, 42,7% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác…
Năm 2024 chứng kiến lần đầu tiên Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương phối hợp đồng tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vào cuối tháng 9 với chủ đề “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon", lễ hội được tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc.
Nhằm chào mừng kết quả tốt đẹp trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và cuộc gặp cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; nhân sự kiện Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ NN-PTNT Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Sự kiện đặc biệt quan trọng này cũng sẽ là tiền đề, kinh nghiệm để tổ chức các lễ hội chuyên ngành thường xuyên hơn và không chỉ ở Bắc Kinh, mà còn ở các địa phương khác của Trung Quốc nhằm kết nối, mở rộng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường tỷ dân.
Thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18 và 19/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), năm 2024 Bộ Nông nghiệp - PTNT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo:
(1) Sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ: Kết quả đã sắp xếp, tổ chức lại 7 đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ thành 3 đơn vị (giảm 4 đơn vị); đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc các Cục thuộc Bộ; nghiên cứu xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ngành; xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ…
(2) Bộ Nông nghiệp - PTNT đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đề án/phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện hợp nhất Bộ theo định hướng, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
P.V.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Tags
tin ngành điều tin nganh dieu 10 dấu ấn nổi bật của ngành Nông nghiệp PTNT năm 2024 10 dau an noi bat cua nganh nong nghiep ptnt nam 2024
Bài viết khác
- VINACAS Chào Năm Mới 2025!
- Cà phê, điều cùng đạt những cột mốc mới về xuất khẩu
- Maersk: Tết Nguyên đán, tranh chấp lao động và tắc nghẽn cảng thách thức thị trường vận tải châu Âu năm 2025
- Xuất khẩu nông lâm thủy sản có nhiều cơ hội và dư địa tăng trưởng trong năm 2025
- Xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng hơn 50%
- [Infographic] Top 10 thị trường và doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân hàng đầu Việt Nam tháng 11/2024
- Xuất nhập khẩu Việt Nam bứt phá: 800 tỷ USD trong tầm tay!
- Mỹ liên tục chốt đơn sản vật đắt đỏ của Việt Nam: thống trị cả thế giới 2 thập kỷ, 90 quốc gia nhanh chân săn lùng
- Nhiều nông sản xuất khẩu về đích sớm
- Campuchia phê duyệt thành lập trung tâm công nghiệp hạt điều
Bảng giá điều
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mã | Mua | CK | Bán |
Đăng ký nhận bản tin