Bình Phước cần xây dựng Đề án phát triển cây điều trở thành cây trồng chủ lực
- Ngày đăng: 18-03-2021 15:12:06
- Lượt xem: 875
(17/3/2021) Bình Phước cần xây dựng Đề án phát triển cây điều trở thành cây trồng chủ lực
Với diện tích quy hoạch 150.000 ha, sản lượng đạt 3 tấn/ha thì hàng năm sản phẩm của cây điều có thể mang về hàng tỷ USD. Do vậy, Bình Phước cần xây dựng cụ thể Đề án phát triển cây điều trở thành cây trồng chủ lực.
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước ngày 17/3.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bình Phước là địa phương có diện tích lớn đất sản xuất nông nghiệp, với nhiều cây trồng chủ lực của cả nước như: điều, cao su, hồ tiêu… Do đó, tỉnh khẩn trương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung thế mạnh vào đất đai, nhất là các cây, con chủ lực để tạo sức bật cho ngành nông nghiệp.
Riêng cây điều, Bình Phước được xem là “thủ phủ" điều của cả nước, chiếm hơn 50% diện tích và 54% sản lượng hạt điều. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều với công suất trên 500.000 tấn/năm. Tuy nhiên, trong những năm qua việc tạo sức bật cho những cây trồng chủ lực này vẫn gặp nhiều khó khăn. Các vườn cây cao su, điều phần lớn già cỗi, năng suất thấp, đặc biệt thiếu nguồn lao động trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Bình Phước nhanh chóng rà soát lại quy hoạch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xác định cây, con chủ lực để phát huy lợi thế sẵn có của địa phương. Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Bình Phước chọn 5 giống điều tốt nhất, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh để thay thế các giống điều già cỗi, năng suất thấp và không đáp ứng yêu cầu hiện nay.
“Nếu làm tốt việc quy hoạch và phát triển đối với cây điều thì Bình Phước sớm có ngành điều hàng tỷ USD", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, mặc dù nhiều hộ gia đình trồng điều đạt năng suất từ 3 - 4 tấn/ha, nhưng tổng thể năng suất điều bình quân của tỉnh cũng chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha. Do vậy, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng năng suất điều bình quân lên 2 tấn/ha, nhất là chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.
Năm 2020, mặc dù tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, nhưng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh vẫn tăng 12,7%, đạt hơn 28.780 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,8 tỷ USD; trong đó, riêng hạt điều chiếm 35%, tăng 7,3% so với năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thăm vườn điều của một hộ nông dân Bình Phước.
Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Bình Phước là trên 457.000 ha; trong đó, cây hàng năm hơn 27.600 ha; cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả 429.800 ha; tổng đàn gia súc đạt trên 1 triệu con, đàn gia cầm hơn 7,5 triệu con.
Đến nay, tỉnh đã hình thành 7 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 2.264 ha. Đối với cây trồng chủ lực của tỉnh, cây cao su chiếm diện tích lớn nhất với 246.659 ha, cây điều 139.868 ha, hồ tiêu 15.900 ha, cây ăn quả các loại chiếm diện tích 12.300 ha.
Tin, ảnh: Sỹ Tuyên (TTXVN)
Nguồn: Báo Tin Tức/ TTXVNBài viết khác
- Cần xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về cây điều đầu dòng
- VINACAS GÓP Ý DỰ THẢO TIÊU CHUẨN MỚI VỀ CÂY ĐIỀU ĐẦU DÒNG VÀ VƯỜN ĐIỀU ĐẦU DÒNG
- Bình Phước: Phát huy lợi thế phát triển cây công nghiệp chủ lực
- Một nông dân sáng chế máy nông nghiệp ở Bình Phước nhờ ”học lỏm” khiến cả làng phục sát đất
- Bốn loại cây công nghiệp nào vừa được UBND tỉnh Bình Phước đưa vào kế hoạch phát triển đến năm 2030?
- ’Sự lựa chọn cuối cùng’ của nhà nông
- Diện tích cây điều ở Bình Phước đang ngày càng thu hẹp (Video clip)
- Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ vào Việt Nam
- Hệ lụy khi người nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng
- Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |