Bị ’tuýt còi’, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu gặp khó
- Ngày đăng: 08-10-2020 16:29:24
- Lượt xem: 1.083
(07/10/2020) Bị ’tuýt còi’, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu gặp khó
Thời gian gần đây, đã có một số lô hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam bị trả về do vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đây là mối lo lớn đối với ngành nông nghiệp.
Mới đây, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Thái Lan đã ban hành các quy định điều chỉnh việc giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhập khẩu nông sản tươi của Việt Nam. Dẫn đến đã có một số đơn hàng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Thái Lan bị trả lại do vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước này.
Vượt qua rào cản kỹ thuật là bài toán mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải giải quyết. |
Bị trả về vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, không chỉ Thái Lan, vừa qua Campuchia đã trả lại lô hồ tiêu của Việt Nam. Họ test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu, phát hiện vượt ngưỡng nên đã trả lại.
Cùng với đó, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo, thị trường Trung Quốc cũng đang ngày càng siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm. Đặc biệt, ngay với thị trường châu Âu, mặc dù được giảm thuế theo Hiệp định EVFTA nhưng hàng rào kỹ thuật rất khắt khe.
Trước thực trạng trên, ông Dương cho biết sau khi nhận được thông tin về các lô hàng vi phạm, Bộ NN&PTNT đã truy xuất tới tận địa phương và doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu lô hàng đó. Qua kiểm tra nhận thấy nhiều khi doanh nghiệp không đủ đơn hàng nên có lấy thêm một lượng ít nguồn hàng bên ngoài. Dẫn tới, khi xuất khẩu, sản phẩm bị đối tác phát hiện nên trả về.
Để chấn chỉnh điều này, Bộ NN&PTNT khuyến nghị đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ giống, vật tư sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tới chế biến.
Đặc biệt là xây dựng, quản lý chặt mã số vùng trồng theo công nghệ số hóa. Đơn cử, một mã số cấp phép với diện tính bao nhiêu, sản xuất được bao nhiêu sản lượng, nếu vượt quá số lượng này chắc chắn là lấy thêm bên ngoài. Cơ quan chức năng sẽ chặn lô hàng này ngay tại cửa khẩu.
Làm ăn phải bài bản
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, từ khi EVFTA có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU ghi nhận tăng trưởng rõ rệt. Tổng trị giá xuất khẩu từ ngày 1/8 đến nay đạt trên 766 triệu USD. So với tháng 7/2020, trị giá xuất khẩu sang EU trong tháng 8/2020 và tháng 9/2020 lần lượt tăng 11,5% và 32,4%. Đơn hàng hiện nay khá nhiều.
Như vậy, cơ hội để triển khai EVFTA là lớn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý với những thị trường khó tính thì việc giữ được, tăng trưởng tốt sẽ là bài toán rất khó khăn. "Điều này đòi hỏi quản lý xuyên suốt từ giống, vật tư đầu vào, quy trình canh tác đến chế biến thì chúng ta mới trụ vững được", ông Tiến nhấn mạnh.
Hơn ai hết doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất yêu cầu từ thị trường. Với kinh nghiệm xuất khẩu cà phê, hồ tiêu sang thị trường châu Âu, ông Nguyễn Tiến Dũng, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 (Đăk Lăk) cho biết, thị trường châu Âu đòi hỏi chất lượng rất cao. Muốn đáp ứng được thì doanh nghiệp phải xây dựng một vùng nguyên liệu làm sao đạt các tiêu chuẩn mà phía họ yêu cầu. Đặc biệt là kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
"Cùng với việc đưa ra các cảnh báo giúp các địa phương, doanh nghiệp và người dân thay đổi thói quen sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, công ty đã liên kết chặt chẽ với hàng trăm hộ nông dân, hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất cà phê, hồ tiêu đáp ứng theo yêu cầu thị trường và thu mua sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường châu Âu . Do vậy, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thì các rào cản kỹ thuật, những đòi hỏi đặt ra từ thị trường châu Âu đã không còn là vấn đề quá khó với doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phân tích nhiều sản phẩm nông sản như gạo, hạt điều, tôm, rau quả, gỗ... đang có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu, các ngành hàng này không nên chạy theo số lượng mà cần đi sâu vào chất lượng.
Đơn cử, hạt điều và cà phê dù chưa hết chu kỳ giảm của thế giới nhưng qua diễn biến dịch COVID-19, ngay cả khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề là Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Đức lại là những nước nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam.
Với mặt hàng tôm, bằng biện pháp tái cơ cấu quyết liệt cho thấy không phải nhờ đại dịch mới tăng trưởng vượt bậc mà chúng ta đã làm tốt khâu truy xuất nguồn gốc. Đến nay, tôm Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới... Hay với mặt hàng chanh leo Việt Nam tại thị trường EU đã cạnh tranh tốt với "người khổng lồ" là Ecuador.
"Điều này cho thấy thị trường luôn có nhu cầu rất lớn, nếu nông sản Việt Nam sản xuất bài bản chắc chắn sẽ "ăn sâu, bám rễ tốt", ông Toản lưu ý.
Lê Thúy
Nguồn: Doanh nghiệp & Hội nhập
Bài viết khác
- Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển: Lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang Thụy Điển
- Châu Âu áp dụng quy định mới nhằm giảm thiểu rác thải nhựa
- Thủ tướng: Phát triển ngành Halal vừa là ’cơ hội vàng’, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
- Áp lực ’phải vừa xanh, vừa chuyển đổi số’ của doanh nghiệp
- Phòng ngừa cháy nổ từ sớm, từ xa
- Xuất khẩu nông sản: Thiếu bền vững nếu không tận dụng công nghệ cao
- Để sản phẩm khoa học công nghệ trong nông nghiệp không chỉ “nằm trên giấy”
- Xuất khẩu hạt điều 5 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Lâm Đồng: Kiểm tra 152.150 m2 diện tích kho chứa nông sản
- Lấy lại uy tín hạt điều Việt Nam
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |