Phòng ngừa cháy nổ từ sớm, từ xa

  1. Ngày đăng: 04-10-2024 13:45:20
  2. Lượt xem: 204
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 204 Lượt xem

(04/10/2024) Phòng ngừa cháy nổ từ sớm, từ xa

Bình Phước là địa phương có số lượng doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến hạt điều lớn nhất cả nước với hơn 500 DN, cơ sở lớn, nhỏ. Do đặc thù của ngành nghề sản xuất, nguy cơ cháy tại các DN, cơ sở chế biến điều rất cao, thiệt hại thường rất nặng nề nếu không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hiệu quả. Vì vậy, việc nâng cao ý thức PCCC ngay từ cơ sở, không để các vụ cháy lớn xảy ra đang được lực lượng chức năng hết sức chú trọng, đặc biệt là công tác hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn lao động, PCCC, cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao

Lò hơi công nghiệp là thiết bị quan trọng không thể thiếu trong quá trình gia công hạt điều. Tùy tính chất của cơ sở, lò hơi sẽ có công suất khác nhau. Nhưng nếu không được vận hành, bảo quản đúng cách, tuân thủ các quy định về an toàn PCCC thì những nguy cơ, sự cố về lò hơi có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Vụ cháy xảy ra ở Công ty TNHH LC Buffalo, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú vừa qua là bài học đắt giá đòi hỏi các cơ sở chế biến, gia công điều phải quan tâm hơn đến nguy cơ cháy từ các lò hơi, lò sấy và bồn chứa nhựa hạt điều…

phong ngua chay no tu som tu xa

Tổ phòng cháy, chữa cháy Công ty TNHH Sentai Industry, huyện Đồng Phú kiểm tra hệ thống bơm nước phục vụ chữa cháy của doanh nghiệp

Ông Đỗ Hữu Cường, quản lý một cơ sở chế biến hạt điều ở xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú cho biết, trong quá trình vận hành lò hơi, cơ sở thường xuyên có người túc trực để thăm nước, đầu bơm. Nước và đầu bơm phải hoạt động tốt thì lò hơi mới vận hành an toàn. Theo nguyên tắc vận hành, lò hơi cần được bảo dưỡng đúng thời gian quy định. Hơn nữa, trong quá trình sử dụng, người vận hành phải được đào tạo và có giấy phép vận hành lò hơi; đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm định theo yêu cầu của thiết bị áp lực do cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên, với các cơ sở gia công điều nhỏ và vừa, vấn đề này gần như bị bỏ ngỏ.

Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, số lượng máy móc hiện đại, tiên tiến trong chế biến hạt điều ngày càng được các cơ sở sử dụng nhiều hơn. Đi cùng với đó là nguồn điện công suất lớn phục vụ vận hành số máy móc này. Vì vậy, chỉ cần sự cố chập điện nhỏ, nhất là khi xảy ra vào ban đêm, công tác PCCC gần như không kịp trở tay. “Nếu sự cố cháy xảy ra ban ngày thì còn có thể hô hoán công nhân tham gia chữa cháy, khắc phục phần nào. Chúng tôi sợ nhất là xảy ra cháy vào ban đêm, khi cơ sở không có người, việc chữa cháy rất khó khăn" - ông Nguyễn Văn Đẳng, chủ một cơ sở sản xuất điều ở xã Thuận Lợi chia sẻ.

Thượng tá Nguyễn Thọ Bài, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết: “DN phải ý thức kiểm tra các biện pháp PCCC của cơ sở mình, qua đó nhận thấy những thiếu sót còn tồn tại và có biện pháp khắc phục. Khi cơ sở báo lên cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, lực lượng PCCC có biện pháp, giải pháp để hướng dẫn khắc phục. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai mô hình kết nối giữa cán bộ kiểm tra với DN thông qua Zalo để nhắc nhở về các quy định mới cũng như tuyên truyền mô hình hay và những điều kiện PCCC".

Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy phần lớn là do chập điện. Có thể chập trên hệ thống điện và chập ở thiết bị sản xuất. Chập điện là nguyên nhân khách quan, song nó cũng xuất phát từ ý thức con người, từ thiết kế hệ thống, vận hành hệ thống. Vì vậy, DN phải chủ động PCCC và việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, DN trong công tác PCCC là đặc biệt quan trọng.

Thượng tá NGUYỄN THỌ BÀI, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh

Nâng cao ý thức phòng cháy

Thực tế cho thấy, các vụ cháy xảy ra ở cơ sở sản xuất, chế biến nông sản đều gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Ông Đẳng chia sẻ: “Các DN lớn còn có thể khôi phục lại sản xuất, chứ những cơ sở chế biến điều quy mô hộ gia đình thì chỉ cần một vụ cháy xảy ra là tiêu tan hết. Bởi bao nhiêu vốn liếng đều nằm ở đó. Từ máy móc, thiết bị đến nguyên liệu sản xuất". Ông Đẳng cho hay, ông thường xuyên nhắc nhở công nhân không được hút thuốc lá ở nơi làm việc, tuân thủ các quy định về PCCC để đảm bảo an toàn cho cơ sở cũng như chính bản thân người lao động.

phong ngua chay no tu som tu xa

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền cho công nhân

Phòng cháy không chỉ là vấn đề của chủ cơ sở mà rộng hơn, đó còn là của người lao động - những người trực tiếp sản xuất hằng ngày bên trong cơ sở. Vì vậy, nâng cao ý thức người lao động tại các cơ sở này là rất quan trọng. “Lực lượng cảnh sát PCCC thường xuyên đến tuyên truyền, phát tờ rơi nhắc nhở về nguy cơ cháy, nổ và biện pháp phòng tránh. Những khu vực nào liên quan tới điện, lửa thì phải cẩn thận, cách ly các vật dụng dễ cháy. Vấn đề này công ty thường xuyên nhắc nhở nên anh chị em công nhân đều rất lưu tâm" - chị Hoàng Thị Tuyết, nhân viên Công ty TNHH Sentai Industry, huyện Đồng Phú chia sẻ.

Mới đây, Bình Phước đã công khai danh sách 65 cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn PCCC. Trong đó, có 31 cơ sở chế biến hạt điều và ép dầu điều. Đây là một trong những việc làm cụ thể nhằm nâng cao ý thức người dân, đồng thời cảnh báo những cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa chú ý đến công tác PCCC trên địa bàn.

Đảm bảo công tác chữa cháy

Theo quy định, các cơ sở chế biến công nghiệp có mặt sàn từ 500m2 trở lên đều phải lắp đặt hệ thống báo cháy. Khi có sự cố cháy xảy ra, các đầu báo cháy sẽ truyền tín hiệu về trung tâm báo cháy để xử lý các bước tiếp theo. Dù đã có hệ thống báo cháy nhưng theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, DN vẫn phải kiểm tra các hệ thống này thường xuyên, tránh tình trạng hệ thống báo cháy gặp lỗi, có thể ảnh hưởng đến công tác phòng cháy của DN.

“Với các hệ thống báo cháy, DN phải kiểm tra định kỳ hằng tháng xem tín hiệu có báo lỗi, bình ắc-quy có hoạt động hay không. Bởi đây là khâu đầu tiên quyết định trong chữa cháy. Khi xác định được vị trí khởi điểm đám cháy cũng như kịp thời phát hiện trong “thời gian vàng", lực lượng chữa cháy ở cơ sở mới có thể nhanh chóng dập tắt đám cháy, giảm thiểu thiệt hại cho DN" - Thiếu tá Nguyễn Đình Tâm, Phó đội trưởng Đội công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh chia sẻ.

phong ngua chay no tu som tu xa

Lực lượng chức năng hướng dẫn kỹ năng chữa cháy cho Tổ phòng cháy, chữa cháy của Công ty TNHH Sentai Industry, huyện Đồng Phú

Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ" trong công tác chữa cháy, kỹ năng của lực lượng tham gia chữa cháy của cơ sở, DN hết sức quan trọng. Bởi họ là những người xử lý sự cố cháy đầu tiên và có trách nhiệm dập lửa, cứu hộ, sơ tán công nhân tại cơ sở. “Tổ phòng cháy của công ty tôi thường xuyên được tập huấn các kỹ năng cơ bản và diễn tập một số tình huống trong thực tế. Chúng tôi hoàn toàn có thể xử lý bước đầu, khống chế đám cháy" - anh Nguyễn Thế Tài, Tổ trưởng Tổ PCCC, Công ty TNHH Sentai Industry, huyện Đồng Phú tự tin.

Chế biến hạt điều là ngành nghề sản xuất công nghiệp đặc trưng, rất dễ xảy ra cháy, nổ. Do đó, cơ quan chức năng lưu ý, DN phải chủ động thực hiện nghiêm các quy định về PCCC từ khi bắt đầu xây dựng cơ sở cho đến quá trình lao động, sản xuất. Có như vậy, công tác PCCC mới thực sự mang lại hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho DN khi sự cố xảy ra. “Công tác PCCC trước tiên thuộc về DN. Từ khi bắt đầu xây dựng, DN phải thực hiện nghiêm các quy định về PCCC từ hồ sơ thiết kế xây dựng cơ sở đến thẩm duyệt, nghiệm thu. Và đây cũng là vấn đề chúng tôi đang tăng cường siết chặt để bảo đảm DN tuân thủ các quy định PCCC ngay từ bước đầu" - Thượng tá Nguyễn Thọ Bài khẳng định.

Thu Thảo
Nguồn: Bình Phước TV

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin