Xuất khẩu nông sản: Thiếu bền vững nếu không tận dụng công nghệ cao

  1. Ngày đăng: 27-07-2024 10:58:31
  2. Lượt xem: 564
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 564 Lượt xem

(26/7/2024) Xuất khẩu nông sản: Thiếu bền vững nếu không tận dụng công nghệ cao

Để xuất khẩu nông sản bền vững, nước ta cần có nhiều chính sách khả thi và hiệu quả hơn về thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
xuat khau nong san  thieu ben vung neu khong tan dung cong nghe cao
Hình minh họa - Nguồn: IT

Doanh nghiệp không "đủ sức" ứng dụng công nghệ cao

Hiện, cả nước chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp trong nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước. Số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với số vốn dưới 5 tỷ đồng, chiếm dưới 65%.

Các hiệp định thương mại (FTA) đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản có thế mạnh của nước ta mở rộng và thâm nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu. Thực tế cho thấy, nhờ cam kết cắt giảm thuế quan từ các FTA mà xuất khẩu ngành hàng này đã ghi nhận những bước tiến nhảy vọt trong thời gian qua. Một trong những kết quả nổi bật có thể kể đến như hiện nay Việt Nam là nhà cung ứng các sản phẩm nông sản hàng đầu thế giới: Đứng thứ hai thế giới về cà phê, thứ nhất về hạt điều và hạt tiêu, và thứ ba về gạo…

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, mở rộng và thâm nhập sâu hơn thị trường vốn đã khó, nhưng giữ được thị trường trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ còn khó hơn nữa. "Để làm được điều đó, điều quan trong hàng đầu là sản phẩm xuất khẩu phải ngày càng nâng cao chất lượng hơn nữa, chế biến sâu hơn và đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu", ông Nam nhấn mạnh.

Theo bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương, thời gian qua, nông sản Việt rất nỗ lực chuyển dần từ xuất khẩu thô sang tăng tỉ lệ xuất khẩu tinh, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Song, đến nay phần lớn các mặt hàng này vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, hoặc sơ chế. Chúng ta có rất ít mặt hàng xuất khẩu tinh chế, mang lại giá trị kinh tế cao xứng với tiềm năng.

Đúng là cho đến nay, trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn có rất ít doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chỉ khoảng 1-2% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và trong số đó chỉ khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Khoảng gần 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tức là chiếm chỉ gần 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp.

Vì sao lại như vậy trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp chủ đạo?

xuat khau nong san  thieu ben vung neu khong tan dung cong nghe cao
Để ứng dụng công nghệ cao, cần có vốn đầu tư rất lớn

"Do quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ bé, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, nhiều hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trong nông nghiệp nước ta chưa có đủ điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao", ông Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lý giải.

Để ứng dụng công nghệ cao, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, công nghệ, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm…Đơn cử, để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, đào tạo người lao động…cần khoảng 140-150 tỷ đồng. Ngoài ra, 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng.

Trên thực tế ở nước ta hiện nay, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phát triển. Nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng được 55%-60% yêu cầu, hiệu quả đầu tư lại không cao.

Cần "bàn tay" chủ đạo của Nhà nước

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt hiện đang đối diện với nhiều thách thức. Đầu tiên phải kể đến việc năng suất của một số mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, tiêu, cá tra…đều đạt năng suất kỷ lục thế giới, trong khi nguồn lực tự nhiên suy giảm và đất canh tác khó có thể mở rộng hơn.

Chưa dừng lại ở đó, tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao; những tác động tiêu cực của xung đột thương mại, xung đột địa chính trị đã khiến cho chủ nghĩa bảo hộ quay lại khi các nền kinh tế đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều. 

Đặc biệt, thách thức còn đến khi phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu. Tại hầu hết thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ngày càng có thêm nhiều quy định mới về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường, tiêu biểu nhất quy định mới về chống phá rừng ở châu Âu...

Trong bối cảnh đó, để giải quyết bài toán một cách bền vững cho ngành Nông nghiệp, theo các chuyên gia, nông nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp là yếu tố then chốt và cũng là hướng đi tất yếu.

"Nước ta cần có nhiều chính sách khả thi hơn, hiệu quả hơn trong việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp để thông qua đó, nâng cao năng lực chế biến và tạo nền tảng cho doanh nghiệp nội có cơ hội tham gia sâu hơn, bền vững hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Cụ thể hóa hơn, theo ông Đặng Kim Sơn, nước ta cần hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Đồng thời, áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Bàn về vấn đề này, tại Diễn đàn Nông nghiệp 2024 "Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0" diễn ra ngày 23/7, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp. Đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị cho nền nông nghiệp bền vững./.

Kate Trần
Nguồn: VTV

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin