Nâng cao chất lượng sản phẩm điều sau chế biến: Bài toán khó chưa có lời giải
- Ngày đăng: 03-06-2016 11:37:34
- Lượt xem: 848
Việt Nam dẫn đầu thế giới xuất khẩu (XK) điều. Doanh nghiệp (DN) chế biến XK nhiều nhưng không mạnh
Nâng cao chất lượng sản phẩm điều sau chế biến: Bài toán khó chưa có lời giải
(03/06/2016) Nâng cao chất lượng sản phẩm điều sau chế biến: Bài toán khó chưa có lời giải
Việt Nam dẫn đầu thế giới xuất khẩu (XK) điều. Doanh nghiệp (DN) chế biến XK nhiều nhưng không mạnh, chủ yếu chế biến thô. Và hạt điều cũng như các nông sản XK chủ lực khác của Việt Nam chưa có thương hiệu và gặp rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để tồn tại và phát triển trong thế giới hội nhập, DN và các nhà lãnh đạo, ngành chức năng phải làm gì khi người tiêu dùng trên thế giới cũng như trong nước “nói đến hạt điều là nói đến Việt Nam"?
Đó cũng là mục đích yêu cầu của hội thảo nâng cao chất lượng sản phẩm điều sau chế biến tại các cơ sở công nghiệp nông thôn, do Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công thương tổ chức tại Bình Phước ngày 31-5. Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo các tỉnh Đông Nam bộ, Long An và Ninh Thuận cùng nhiều DN chế biến điều Bình Phước...
THIẾU NGUYÊN LIỆU TRONG NƯỚC
Năm 2015, Việt Nam giữ vững quốc gia XK điều nhân đứng đầu thế giới với kim ngạch cao nhất từ trước đến nay và điều nhân là một trong 7 nông - lâm - thủy sản XK đạt trên 1 tỷ USD của Việt Nam. Cụ thể: Năm 2015, kim ngạch XK ngành điều Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, trong đó nhân hạt điều chiếm 2,3 tỷ USD (330.000 tấn), tăng 20% so với năm 2014. Ngành điều Việt Nam 10 năm liên tục dẫn đầu thế giới, chiếm 50% tổng giá trị thương mại nhân hạt điều toàn cầu (5 tỷ USD). Hạt điều Việt Nam có mặt trên 80 quốc gia, lãnh thổ, trong đó Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 30% sản lượng, châu Âu 25% và Trung Quốc 15%. Ngành điều Việt Nam cũng tự hào đã sản xuất được máy móc, trang thiết bị hàng đầu thế giới nhưng giá thành rẻ nhất.
Chế biến hạt điều tại Công ty Vegetexco (Chơn Thành) - Ảnh: Hồng Cúc
Top đầu nhưng chưa bền vững, bởi ngành điều Việt Nam còn nghịch lý là nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 35%/tổng công suất chế biến (năm 2015, sản lượng trong nước khoảng 450.000 tấn và nhập nước ngoài 867.000 tấn). Hạt điều Việt Nam đã được thế giới công nhận là chất lượng hàng đầu về độ đồng đều kích cỡ và hương thơm nhưng nguyên liệu trong nước luôn tỷ lệ nghịch với công suất chế biến nên rất khó khăn cho xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Gần 95% sản lượng chế biến điều là XK, thị trường trong nước chỉ chiếm 5-7%/tổng sản lượng. Hạt điều Việt Nam được cả thế giới biết đến nhưng người Việt Nam chưa biết đến hạt điều, đặc biệt là về giá trị dinh dưỡng đối với sức khỏe.
Diện tích giai đoạn 2005-2008 cả nước có 450.000 ha nhưng đến nay chỉ còn 292.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 284.059 ha. Việt Nam cũng chưa sản xuất được giống điều có thể kháng cự với tác động của thời tiết.
DN NHIỀU NHƯNG KHÔNG MẠNH
Chế biến hạt điều nhân Việt Nam đã có 27 tuổi đời và các DN điều được xếp là tăng nhanh nhất nhưng chủ yếu DN tư nhân, trong đó quy mô vừa và nhỏ chiếm số đông. Năm 2015, cả nước có khoảng 465 DN chế biến điều với trên 1.000 cơ sở sản xuất, trong đó 46 nhà máy quy mô lớn, công suất chế biến tăng hằng năm (năm 2015 trên 1,3 triệu tấn điều thô, xếp thứ 2 sau Ấn Độ), tăng gấp 67 lần so với năm 1998. Riêng khu vực phía Nam có 347 DN với 497 cơ sở sản xuất, chiếm tỷ trọng 80% cả nước, tập trung ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.
Đại biểu tham quan sản phẩm điều của các DN trưng bày tại hội thảo
Chế biến sâu chiếm số nhỏ chỉ với 20 cơ sở, công suất 154.000 tấn/năm. Sản phẩm còn đơn điệu: Điều rang muối, điều chiên sơ, điều có gia vị, điều hỗn hợp, bánh kẹo điều... Chế biến dầu từ vỏ hạt điều có 26 cơ sở, công suất 80.000 tấn sản phẩm/năm và 5 cơ sở tinh luyện dầu vỏ hạt, công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm. DN điều đông nhưng cả nước mới chỉ có 30 DN đạt tiêu chuẩn HACCP. ISO 9001, IS0 14000 và ISO 22000, BRC. Đặc biệt, qua kiểm tra đánh giá cho thấy, số lượng DN xếp loại C còn chiếm phần lớn.
Ông Phạm Văn Công, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng: Hạn chế của DN điều chủ yếu do yếu tố con người (năng lực quản trị của chủ DN). Do đó, đa phần cơ sở chế biến điều đầu tư chưa bài bản, đồng bộ và mắc các lỗi dễ khắc phục như bố trí dụng cụ rửa tay, nắm bắt kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều cơ sở chưa sắp xếp khoa học dây chuyền thiết bị, kho nguyên liệu và thành phẩm (yếu tố sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định ISO và HACCP).
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Tại hội thảo, nhiều DN điều Bình Phước mong muốn sản xuất điều sạch, sản phẩm có thương hiệu để mở rộng giao thương, XK sẽ có lợi thế lớn sau khi nước ta ký Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, thị trường chung các nước ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU... Vinacas kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, lãnh đạo các tỉnh và DN nâng cao năng lực quản trị để có giải pháp đồng bộ mang tính đột phá, góp phần gia tăng chất lượng và sản lượng nguyên liệu điều thô trong nước. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chỉ đạo DN xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các tỉnh chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung (cánh đồng lớn). Trên 90% DN điều vừa và nhỏ nên nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN điều... Có chính sách hỗ trợ người trồng yên tâm gắn bó với cây điều...
Bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cho rằng: Giải pháp để phát triển bền vững trong thế giới hội nhập là phải tăng năng suất, sản lượng nguyên liệu trong nước để giảm phụ thuộc nhập khẩu. An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là vấn đề trọng tâm DN điều quan tâm hàng đầu để thị trường chấp nhận trong hoàn cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt. Chính quyền và Sở Công thương phải rà soát DN trong cấp phép kinh doanh (đóng cửa cơ sở yếu kém, đồng thời hướng dẫn, tập huấn nâng cao trình độ quản lý của DN). Bộ Công thương sẽ đề xuất Chính phủ hỗ trợ công tác khuyến công ở các tỉnh trọng điểm sản xuất, chế biến điều. DN sản xuất phải theo đúng quy trình từ nguyên liệu đến chế biến, bao bì bảo quản...
Phương Hà
Nguồn: Báo Bình Phước
Bài viết khác
- Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển: Lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang Thụy Điển
- Châu Âu áp dụng quy định mới nhằm giảm thiểu rác thải nhựa
- Thủ tướng: Phát triển ngành Halal vừa là ’cơ hội vàng’, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
- Áp lực ’phải vừa xanh, vừa chuyển đổi số’ của doanh nghiệp
- Phòng ngừa cháy nổ từ sớm, từ xa
- Xuất khẩu nông sản: Thiếu bền vững nếu không tận dụng công nghệ cao
- Để sản phẩm khoa học công nghệ trong nông nghiệp không chỉ “nằm trên giấy”
- Xuất khẩu hạt điều 5 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Lâm Đồng: Kiểm tra 152.150 m2 diện tích kho chứa nông sản
- Lấy lại uy tín hạt điều Việt Nam
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |