Hạt điều có nguồn gốc châu Phi mong được ’cởi trói’
- Ngày đăng: 31-10-2024 09:52:36
- Lượt xem: 449
(30/10/2024) Hạt điều có nguồn gốc châu Phi mong được ’cởi trói’
Hạt điều có nguồn gốc từ châu Phi hiện chỉ được xuất khẩu, không được tiêu thụ nội địa. Điều này đang gây khó cho doanh nghiệp điều khi xuất khẩu khó khăn.
Không được chuyển bán nội địa khi xuất khẩu gặp khó
Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều, với lượng xuất khẩu luôn có xu hướng tăng lên. Năm 2023, lượng điều nhân xuất khẩu đã đạt mức kỷ lục là 644 nghìn tấn, trị giá 3,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, để trở thành ngành hàng tỷ đô và chiếm phần lớn điều nhân xuất khẩu trên thế giới, từ lâu, ngành điều Việt Nam đã buộc phải nhập khẩu điều thô, do sản lượng điều trong nước không đủ cho chế biến xuất khẩu. Lượng điều thô nhập khẩu mỗi năm đã lên tới hàng triệu tấn, phần lớn là điều thô châu Phi. Năm 2023, đã có gần 2,9 triệu tấn điều thô nhập khẩu về Việt Nam, trong đó có hơn 2,2 triệu tấn là từ châu Phi.
Điều thô nhập khẩu từ châu Phi. Ảnh: Sơn Trang.
Có thể nói, điều thô nhập khẩu đã đóng vai trò rất quan trọng để mỗi năm ngành điều mang về hơn 3 tỷ USD về xuất khẩu suốt từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, một quy định trong Nghị định 15/2018/NĐ-CP (Nghị định 15) quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm, đang gây ra những khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp sử dụng điều thô nhập khẩu từ châu Phi.
Tại Tọa đàm tham vấn “Nhận diện các khó khăn, vướng mắc và tìm kiếm giải pháp tạo thuận lợi thương mại cho ngành điều", ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), cho biết, xuất khẩu điều không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trước đây, mỗi khi xuất khẩu điều gặp khó khăn, với các lô điều nhân được chế biến từ điều thô châu Phi, doanh nghiệp đều có thể chuyển tiêu thụ nội địa khi khai báo lại hải quan và đóng thuế.
Nhưng từ khi có Nghị định 15, doanh nghiệp sử dụng điều thô nhập khẩu từ châu Phi chỉ có một con đường duy nhất là chế biến xuất khẩu. Kể cả khi đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn, không bán được hàng cho các nhà nhập khẩu nước ngoài, doanh nghiệp cũng không được chuyển tiêu thụ nội địa.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), vướng mắc nói trên liên quan đến quy định tại điểm a, khoản 1, điều 14 của Nghị định 15. Theo đó, sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu phải có xuất xứ từ quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đáp ứng quy định của Việt Nam, làm thủ tục đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xen xét, đưa vào danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.
Sản xuất điều nhân tại một nhà máy ở Đồng Nai. Ảnh: Sơn Trang.
Ông Nhựt cho rằng, quy định này là đúng để có hàng rào kỹ thuật, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) với những sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Nhưng với ngành điều, quy định này lại đang gây ra khó khăn lớn do các nước châu Phi xuất khẩu điều thô sang Việt Nam chưa nằm trong “Danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam".
Vì vậy, mặc dù điều thô châu Phi nhập khẩu về đều phải qua kiểm dịch mới được đưa vào chế biến nhưng dù với bất cứ lý do gì cũng không được chuyển bán nội địa, mà bắt buộc phải xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp vi phạm, có thể bị khép vào tội buôn lậu. Trong thời gian qua, đã có không ít doanh nghiệp, doanh nhân bị khởi tố, phải vào vòng lao lý vì vi phạm quy định này.
Cục Hải quan Bình Phước cũng xác nhận, các nước sản xuất và xuất khẩu điều thô ở châu Phi chưa nằm trong “Danh sách các nước đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam" được công bố trên Website của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), nên không được cấp giấy chứng nhận kiểm tra nhà nước về ATTP khi nhập khẩu. Do đó, mặt hàng điều thô nhập khẩu từ các nước châu Phi chỉ được phép làm thủ tục theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp bị khởi tố
Cũng theo Cục Hải quan Bình Phước, trong quá trình sản xuất kinh doanh, vì một số lý do khách quan, doanh nghiệp điều không thể xuất khẩu được sản phẩm nên có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng tiêu thụ nội địa. Nhưng theo Nghị định 15, doanh nghiệp không được chuyển tiêu thụ nội địa đối với nguyên liệu nhập khẩu là hạt điều thô từ các nước châu Phi. Thời gian qua, đã phát sinh nhiều vụ khởi tố về tội buôn lậu đối với doanh nghiệp điều do có hành vi tự ý chuyển tiêu thụ nội địa đối với điều nhập khẩu theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu.
Năm 2023, lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục là 644 nghìn tấn, trị giá 3,6 tỷ USD.
Về việc có những doanh nghiệp, doanh nhân ngành điều đã bị khởi tố do tự ý chuyển tiêu thụ nội địa đối với hạt điều có nguồn gốc nhập khẩu từ châu Phi, một số doanh nhân ngành điều cho biết, khi đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn, hàng bị tồn đọng lâu ngày sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí như lãi suất ngân hàng…
Mặt khác, khi ngân hàng thấy doanh nghiệp nhập khẩu điều thô về để chế biến xuất khẩu mà mãi không bán được hàng, thì sẽ không cho vay nữa. Trước tình thế không xuất khẩu được mà lại không thể chuyển tiêu thụ nội địa, nhiều doanh nghiệp đã đánh liều bán “chui" hạt điều có nguồn gốc nhập khẩu từ châu Phi cho các doanh nghiệp khác.
Đề nghị “cởi trói" cho doanh nghiệp điều
Thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp điều liên quan tới điều thô nhập khẩu từ châu Phi, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước đã có công văn về việc tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng điều gửi UBND tỉnh Bình Phước, Tổng cục Hải quan và Đoàn Kiểm tra Công tác phòng chống tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trong công văn, Cục Hải quan Bình Phước đề xuất: Cho phép hạt điều có nguồn gốc từ các nước châu Phi được tiêu thụ tại Việt Nam và có thể nghiên cứu, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ ngành trồng điều trong nước.
Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Lê Trọng Thêm cho rằng, nếu chờ sửa Nghị định 15, sẽ phải mất rất nhiều thời gian để tập hợp ý kiến của nhiều bên liên quan. Do đó, ông Thêm đề xuất cơ chế quản lý dòng hàng, tức là cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng lô hàng hạt điều có nguồn gốc nhập khẩu từ châu Phi cho doanh nghiệp khác.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cũng đặt câu hỏi: “Tại sao không tạo điều kiện để những khi không xuất khẩu được, doanh nghiệp điều có thể làm lại lời khai, đóng thuế cho điều thô nhập khẩu từ châu Phi để chuyển tiêu thụ nội địa và bán lô hàng đó cho doanh nghiệp khác?".
"Doanh nghiệp vì bị “trói" bởi Nghị định 15 nên không thể chuyển tiêu thụ trong nước với hạt điều có nguồn gốc nhập khẩu từ châu Phi những khi xuất khẩu gặp khó, trong khi Nhà nước lại chịu áp lực về bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo hộ sản xuất của nông dân. Vì vậy, VINACAS cần nghiên cứu, xây dựng đề án về điều nguyên liệu với những số liệu, phân tích cụ thể và đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét mở rộng ra 3 nước châu Phi cung cấp điều thô lớn nhất cho ngành điều Việt Nam". (ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI). |
Sơn Trang
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Bài viết khác
- Doanh nghiệp ”xoay sở” giải quyết bài toán điều thô
- Doanh nghiệp ”xoay sở” giải quyết bài toán điều thô
- Đại biểu Quốc hội đề nghị gỡ khó cho điều nhập khẩu, cải thiện hạ tầng cho xuất khẩu
- Đại biểu Quốc hội đề nghị gỡ quy định ”rất đúng” nhưng đang gây khó cho ngành điều
- [Infographic] 10 lưu ý quan trọng khi nhập khẩu hạt điều thô
- Doanh nghiệp nhập khẩu điều thô từ châu Phi gặp khó
- Vì sao cần gỡ nút thắt cho ngành điều?
- Kinh doanh điều thô nhập khẩu từ châu Phi, nhiều doanh nghiệp vướng vòng lao lý
- Nghị định 15 như ”chiếc gông” siết chặt hoạt động của ngành điều
- Điều thô nhập khẩu từ châu Phi khiến nhiều doanh nghiệp vướng vòng lao lý, bài toán khó chưa có lời giải
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |