Đại biểu Quốc hội đề nghị gỡ khó cho điều nhập khẩu, cải thiện hạ tầng cho xuất khẩu
- Ngày đăng: 06-11-2024 11:22:01
- Lượt xem: 316
Đại biểu Quốc hội đề nghị gỡ khó cho điều nhập khẩu, cải thiện hạ tầng cho xuất khẩu
Đánh giá cao những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, song các đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng, nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu từ hồi phục xuất khẩu nên cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến giao thương, xuất nhập khẩu.Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Quy định phù hợp nhưng vẫn gây khó cho ngành điều
Tham gia thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo chương trình Kỳ họp thứ 8 tại phiên họp ngày 4/11/2024, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh), Phó Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam đã nêu một thực tế của ngành điều.
Đó là trong gần 2,9 triệu tấn điều thô nhập khẩu năm 2023 có đến trên 2,2 triệu tấn nhập từ các nước châu Phi. Hạt điều thô nhập khẩu từ các nước châu Phi để chế biến hàng xuất khẩu, sau khi kiểm dịch thực vật thì được đưa vào chế biến rồi xuất khẩu.
Tuy nhiên, nếu vì bất cứ lý do gì muốn chuyển điều thô hoặc điều nhân bán nội địa, dù xin nộp thuế và làm đầy đủ các nghĩa vụ tài chính cũng không được, nếu cố tình thực hiện có thể bị khởi tố về tội buôn lậu. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp bị khởi tố với tình trạng này.
Lý giải cho câu chuyện trên, đại biểu Trần Hữu Hậu cho hay, theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu phải có xuất xứ từ quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm, đáp ứng quy định của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đưa vào danh sách đăng ký xuất khẩu vào Việt Nam.
Trong khi đó, các nước châu Phi xuất khẩu điều thô cho Việt Nam đều chưa đăng ký, nên chưa được đưa vào danh sách, nên điều thô châu Phi và nhân điều sau chế biến không được tiêu thụ nội địa.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) đã nêu vướng mắc lớn của ngành điều. Ảnh: Quốc hội |
Khẳng định quy định này là phù hợp thông lệ quốc tế, song đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng chưa phù hợp và gây khó khăn cho ngành điều Việt Nam. Bởi điều thô nhập khẩu về phải qua kiểm định thì mới được đưa về nhà máy chế biến, nên về nguyên tắc là đã đáp ứng yêu cầu về bảo vệ thực vật của Việt Nam.
Đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Thủ tướng và các ngành hữu quan xem xét, vận dụng các quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư số 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa của Bộ Công Thương, để điều nhân được phép chuyển bán trong nước sau khi làm đầy đủ nghĩa vụ tài chính với điều thô nhập khẩu. |
Chính quy định này khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn và có nguy cơ phá sản do điều nhập tồn kho chất lượng ngày càng giảm, vốn bị đọng vẫn phải trả lãi cho ngân hàng, từ đó phải mang nợ xấu. Doanh nghiệp phải tìm cách để xử lý, dẫn đến vừa khó khăn cho doanh nghiệp, vừa phát sinh nhiều tiêu cực cũng như khó khăn trong quản lý, xử lý của các cơ quan hữu quan.
“Nhà nước thì mất đi khoản thuế nhập khẩu và đau xót hơn là mặc dù ngành Hải quan và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác thông cảm, cố gắng vận dụng các quy định và tình hình thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng trong nhiều trường hợp vẫn phải khởi tố, phạt tù", đại biểu Trần Hữu Hậu nêu.
Từ thực trạng này, đại biểu đề nghị cần phải thực hiện các giải pháp, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan đàm phán với các nước châu Phi để họ làm thủ tục đăng ký điều thô là sản phẩm thực vật được nhập khẩu vào Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội |
Đầu tư cơ sở hạ tầng cho xuất khẩu
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM), về xuất khẩu, trong 9 tháng tiếp tục tăng trưởng 15,4%. Tuy nhiên, tỷ trọng khu vực trong nước còn chiếm tỷ lệ thấp chỉ khoảng 28%, nên cần phải có chính sách để kết nối FDI với các doanh nghiệp trong nước có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp, dịch vụ phụ trợ công nghiệp vật liệu, phụ kiện. Đặc biệt cần quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt, nông sản, thủy sản. Đồng thời nên quan tâm đến việc xuất khẩu tại chỗ, qua về khuyến khích phát triển du lịch. |
Liên quan đến xuất khẩu, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao xuất khẩu tiếp tục là một trong các động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn cần trợ lực để phát huy hết tiềm năng cũng như tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng.
Theo đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang), Chính phủ cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, công nghệ chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp…
Chẳng hạn, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một số công trình giao thông quan trọng, như dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm nối Quốc lộ 91C đi cửa khẩu quốc tế Khánh Bình của tỉnh An Giang.
Theo đại biểu, nếu 2 dự án giao thông này và dự án cảng biển nước sâu Trần Đề hình thành trong tương lai thì các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ hưởng lợi rất nhiều trong việc vận chuyển và xuất khẩu hàng hóa đi các nước tiểu vùng sông Mê Kông và quốc tế.
Cùng với đó là dự án nâng cấp mở rộng đường tỉnh 950 thuộc tỉnh An Giang và đoạn kết nối quốc lộ 110 của tỉnh Kandal Vương quốc Campuchia, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đoạn ngắn nhất đến thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia.
Ngoài ra, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh, sự phục hồi kinh tế đến chủ yếu từ hồi phục xuất khẩu và nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới còn phức tạp, triển vọng kinh tế toàn cầu khó đoán định… nên cần phải có những giải pháp vĩ mô rõ nét hơn trong thời gian tới.
Trong đó, theo đại biểu Trần Thị Quỳnh (đoàn Nam Định), ngành Ngân hàng nên có các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành cần đẩy mạnh như nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến, xuất khẩu… cũng như nên tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, giữ ổn định tỷ giá đồng USD…
Hương DịuNguồn: Báo Hải Quan
Bài viết khác
- Doanh nghiệp ”xoay sở” giải quyết bài toán điều thô
- Doanh nghiệp ”xoay sở” giải quyết bài toán điều thô
- Đại biểu Quốc hội đề nghị gỡ quy định ”rất đúng” nhưng đang gây khó cho ngành điều
- [Infographic] 10 lưu ý quan trọng khi nhập khẩu hạt điều thô
- Hạt điều có nguồn gốc châu Phi mong được ’cởi trói’
- Doanh nghiệp nhập khẩu điều thô từ châu Phi gặp khó
- Vì sao cần gỡ nút thắt cho ngành điều?
- Kinh doanh điều thô nhập khẩu từ châu Phi, nhiều doanh nghiệp vướng vòng lao lý
- Nghị định 15 như ”chiếc gông” siết chặt hoạt động của ngành điều
- Điều thô nhập khẩu từ châu Phi khiến nhiều doanh nghiệp vướng vòng lao lý, bài toán khó chưa có lời giải
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |