Đồng Nai: Nông sản vẫn đóng vai trò chủ lực trong hội nhập
- Ngày đăng: 11-02-2020 12:22:04
- Lượt xem: 829
(10/2/2020) Đồng Nai: Nông sản vẫn đóng vai trò chủ lực trong hội nhập
Cao su, cà phê, điều, hồ tiêu… là những mặt hàng nông sản thế mạnh thuộc danh mục 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Đây cũng là nhóm cây chủ lực Đồng Nai sẽ tập trung phát triển trong Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế".
Nhiều nông dân vẫn giữ cây điều vì nông sản này không lo đầu ra do Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp chế biến. Trong ảnh: Vườn điều đạt năng suất cao ở xã An Viễn (huyện Trảng Bom) nhờ phương pháp ghép giống mới. Ảnh: B.Nguyên
Một trong những nội dung quan trọng của đề án trên là khuyến khích nông dân sản xuất an toàn, đạt chuẩn vào những thị trường khó tính và thu hút đầu tư chế biến sâu.
* Tính chuyện bền vững
Theo những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, tuy nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang tăng về sản lượng nhưng giá trị lại ngày càng giảm. Những hạn chế trong xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn là vấn đề chất lượng, xuất khẩu thô nên không làm chủ được thị trường dù các sản phẩm cà phê, tiêu, điều… đều chiếm thị phần lớn trên thị trường thế giới.
TS.Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp chỉ ra, tầm nhìn phát triển nông sản thế mạnh của Đồng Nai phải hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản sâu hàng đầu của Việt Nam. Qua đó, tỉnh phải thu hút được những doanh nghiệp chế biến hàng đầu về địa phương; trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng. |
Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (huyện Tân Phú) chỉ ra nghịch lý, nông dân sản xuất ra không bán được hàng nhưng doanh nghiệp lại thiếu tiêu, cà phê sạch để xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Hiện doanh nghiệp đang hợp tác với nông dân làm những cánh đồng tiêu, cà phê sạch ở nhiều tỉnh, thành. “Chúng tôi đã có những khách hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản… về tận cánh đồng khảo sát và đặt vấn đề bao tiêu. Có mở rộng được kênh xuất khẩu đầy tiềm năng trên hay không đều dựa vào người nông dân có thực sự thay đổi tập quán cũ để làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn" - bà Nhung nói.
Nhu cầu thị trường thay đổi đang thuyết phục nhiều nông dân chuyển hướng sản xuất. Ông Phạm Văn Năm, thành viên của Hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) chia sẻ, hiện nhiều xã viên đang chuyển hướng sang sản xuất tiêu sạch. Sản phẩm tiêu sạch đang được hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu cao hơn giá mặt bằng chung ngoài thị trường để xuất khẩu đi các thị trường khó tính với đầu ra ổn định hơn.
Nhiều cơ sở kinh doanh trong nước cũng chọn làm nông sản sạch để tìm được chỗ đứng trên thị trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Bà Trương Thị Diệu, chủ Cơ sở tiêu sạch Diệu Phú (TP.Long Khánh) chia sẻ, trong giai đoạn thị trường sản phẩm hồ tiêu cung vượt cầu, xuất khẩu gặp khó, cơ sở tập trung phát triển dòng tiêu sạch phân phối cho khách hàng mua lẻ tại thị trường nội địa. Tuy đây là thị trường ngách nhưng tiềm năng còn rất lớn và sự ủng hộ của người tiêu dùng với tiêu sạch đã khẳng định lựa chọn của cơ sở là đúng hướng.
* Đầu tư chế biến sâu
Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn của Đồng Nai đều đẩy mạnh đầu tư chế biến mặt hàng cà phê. Cụ thể, Nestlé Việt Nam vừa đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất viên nén NESCAFÉ Dolce Gusto với công suất 2.500 tấn cà phê/năm ở Khu công nghiệp Amata. Công ty cổ phần cà phê Tín Nghĩa cũng khánh thành nhà máy cà phê hòa tan 3.200 tấn thành phẩm/năm giai đoạn 1 ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3. Đây là tín hiệu vui cho những nông dân trồng cà phê tại Đồng Nai vì có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu cho dòng sản phẩm này ngay trên địa bàn tỉnh.
Cà phê, tiêu, điều được Đồng Nai xác định là 3 mặt hàng chủ lực được tỉnh tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu trong đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thu hút đầu tư chế biến sâu cũng là lời giải cho bài toán khó phát triển bền vững các cây trồng trên.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, nông dân trồng tiêu tại xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) nhận xét, chỉ cần thị trường Trung Quốc ngưng mua hàng là nhiều loại trái cây tươi rơi vào cảnh cần giải cứu, thậm chí nông dân đành đổ bỏ vì không có cách nào bảo quản. Trong khi đó, các loại cây công nghiệp như: tiêu, điều, cà phê… luôn có doanh nghiệp chế biến ngay tại địa phương thu mua. Khi giá bán quá thấp, nông dân có thể tự phơi khô cất vào kho chờ giá tăng lên.
Bà Trần Thị Diệu Cương, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Minh Nghĩa Thịnh (huyện Xuân Lộc) cho biết, khi thị trường xuất khẩu nhân điều gặp khó khăn, doanh nghiệp quay về thị trường nội địa, tập trung phát triển dòng sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều như: hạt điều rang muối, hạt điều rang mật ong…
Thảo Sương
Nguồn: Báo Đồng Nai
Bài viết khác
- VINACAS GÓP Ý DỰ THẢO TIÊU CHUẨN MỚI VỀ CÂY ĐIỀU ĐẦU DÒNG VÀ VƯỜN ĐIỀU ĐẦU DÒNG
- Bình Phước: Phát huy lợi thế phát triển cây công nghiệp chủ lực
- Một nông dân sáng chế máy nông nghiệp ở Bình Phước nhờ ”học lỏm” khiến cả làng phục sát đất
- Bốn loại cây công nghiệp nào vừa được UBND tỉnh Bình Phước đưa vào kế hoạch phát triển đến năm 2030?
- ’Sự lựa chọn cuối cùng’ của nhà nông
- Diện tích cây điều ở Bình Phước đang ngày càng thu hẹp (Video clip)
- Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ vào Việt Nam
- Hệ lụy khi người nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng
- Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
- Ngành trồng trọt không nên chủ quan dù ‘được giá’
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |