Cần “cởi trói” cho điều châu Phi được tiêu thụ nội địa

  1. Ngày đăng: 14-08-2024 21:51:55
  2. Lượt xem: 247
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 247 Lượt xem

(11/8/2024) Cần “cởi trói” cho điều châu Phi được tiêu thụ nội địa

Việc cho phép điều có nguồn gốc từ các nước Châu Phi nhập khẩu và tiêu thụ vào Việt Nam sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu cho các DN điều, đồng thời mang lại thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

 

can  ??coi troi ?? cho dieu chau phi duoc tieu thu noi dia
Nghị định 15 tạo ra nhiều rủi ro cho các DN điều. Ảnh: N.H

Vướng quy định

Qua rà soát tình hình xuất nhập khẩu của các DN điều, Cục Hải quan Bình Phước nhận thấy một số bất cập. Theo quy định, điều thô nhập khẩu về để tiêu thụ trong nước phải hoàn thành kiểm tra an toàn thực phẩm. Cụ thể, theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, hạt điều và các sản phẩm chế biến từ hạt điều (trừ bảnh, mứt, kẹo có chứa hạt điều do Bộ Công Thương quản lý) thuộc đối tượng kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, do các nước châu Phi không nằm trong "Danh sách các nước đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam" được công khai trên trang website của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn nên hạt điều có nguồn gốc từ châu Phi không đáp ứng việc tiêu thụ nội địa, chuyển mục đích sử dụng do không được cơ quan kiểm tra chuyên ngành cấp giấy chứng nhận kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.

Trong thực tế hoạt động gia công, chế biến điều tại Bình Phước thời gian qua, từ quá trình quản lý nhà nước về Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước nhận thấy rất ít DN có cả chuỗi hoạt động nhập khẩu – chế biến – xuất khẩu thành phẩm mà chủ yếu là người nhập khẩu có bạn hàng từ Châu Phi nhập khẩu chế biến và thuê gia công bóc tách. Người sản xuất chế biến chỉ thực hiện khâu chế biến (hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều quy mô nhỏ và vừa), trong khi người nhập khẩu ngoài việc bán các sản phẩm do mình chế biến còn mua điều trên thị trường trôi nổi (bản chất cũng có nguồn gốc nhập khẩu Châu Phi) đã chế biến rồi xuất khẩu.

Thực tế kể trên cho thấy công tác quản lý hoạt động này rất khó khăn, dẫn tới nhiều DN bán điều nhập khẩu theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu đã bị xử lý hình sự. Ngoài 9 vụ việc do Cục Hải quan tỉnh Bình Phước khởi tố từ năm 2022 đến nay, còn có các vụ việc do các cơ quan khác khởi tố.

Từ góc độ DN, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Long Sơn chia sẻ, đây cũng chính là trăn trở rất lớn của ngành điều trong nhiều năm qua. “Nhiều DN trong quá trình kinh doanh bị kẹt dòng tiền, cần bán hàng vào nội địa để quay vòng vốn, nhưng quy định tại Nghị định 15 đã khiến nhiều DN bị rơi vào vòng lao lý. Thậm chí, trong quá trình sản xuất, có những sản phẩm có quy cách không đạt yêu cầu của đối tác để xuất khẩu, nhưng nếu bán vào nội địa, DN cũng bị vướng vào quy định này. Điều này càng khiến biên lợi nhuận của DN bị thu hẹp" – ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, quy định hiện hành của Nghị định 15 như sợi dây trói buộc các DN điều nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi chỉ được phép sản xuất để xuất khẩu. Mọi hành vi bán vào nội địa, dù là vì lý do gì cũng là vi phạm pháp luật. Vào năm 2023, Hiệp hội Điều Bình Phước cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước về vấn đề này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.

Cần sớm tháo gỡ

Từ thực tế bất cập như trên, Cục Hải quan Bình Phước cho rằng, cần sớm tháo gỡ vướng mắc nêu trên để các DN chế biến có nguyên liệu sản xuất và các doanh nghiệp không vi phạm pháp luật đồng thời Hải quan thu được ngân sách cho nhà nước. Cụ thể, cần cho phép điều có nguồn gốc từ các nước Châu Phi nhập khẩu và tiêu thụ vào Việt Nam. Việc nhập khẩu quy định chính sách thuế suất áp dụng sao cho phù hợp để bảo vệ ngành trồng trọt điều của Việt Nam. Đồng thời, quản lý chất lượng điều khi xuất khẩu đảm bảo về an toàn thực phẩm theo quy định về hàng hóa là lương thực thực phẩm khi xuất khẩu, vì mặt hàng điều qua chế biến đã chuyển đổi thành điều có xuất xứ Việt Nam, góp phần đảm bảo thương hiệu điều Bình Phước.

Theo thông tin từ Cục Hải quan Bình Phước, tính từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã tiến hành khởi tố 9 vụ án liên quan hến hành vi buôn lậu điều của các DN. Cụ thể, các trường hợp bị khởi tố đều là DN nhập khẩu điều nguyên liệu từ châu Phi theo loại hình sản xuất xuất khẩu, sau đó chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không thực hiện khai báo Hải quan. Hành vi này của các DN đã phạm vào tội “buôn lậu" theo quy định tại Điều 188 Bộ Luật hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Hải quan mới đây, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước đã báo cáo về vấn đề này. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Bình Phước báo cáo Lãnh đạo tỉnh Bình Phước để cùng tháo gỡ. Do đó, mới đây, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Hiệp hội điều Bình Phước làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cơ quan tham mưu ban hành có ý kiến đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 15/2018/ND-CP để điều từ các nước châu Phi được nhập khẩu vào Việt Nam làm nguyên liệu, tháo gỡ khó khăn về thiếu nguyên liệu cho ngành chế biến điều Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trao đổi với Tạp chí Hải quan, ông Vũ Thái Sơn rất ủng hộ kiến nghị của Cục Hải quan Bình Phước. Nếu vướng mắc này được tháo gỡ sẽ là sự hỗ trợ rất lớn cho các DN điều, đặc biệt là các DN đang trong giai đoạn khó khăn. Ông Sơn hy vọng kiến nghị của Cục Hải quan Bình Phước sẽ góp thêm tiếng nói để thúc đẩy các cơ quan cấp trên sớm nghiên cứu, sửa đổi để hỗ trợ các DN.

Nguyễn Hiền
Nguồn: Báo Hải Quan

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin