Bộ trưởng Công Thương: Cần sớm chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc

  1. Ngày đăng: 11-12-2023 09:57:26
  2. Lượt xem: 349
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 349 Lượt xem

(09/12/2023) Bộ trưởng Công Thương: Cần sớm chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc

Hàng Việt xuất sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, giá trị thấp, nên Bộ trưởng Công Thương đề nghị chuyển nhanh sang xuất chính ngạch.

Đây là một trong nhiều giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc, được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu tại cuộc họp ngày 9/12.

Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.

Theo báo cáo của Vụ thị trường châu Á – châu Phi, 10 tháng năm 2023, xuất nhập khẩu sang Trung Quốc đạt gần 139 tỷ USD, giảm 6% cùng kỳ. Trong đó, hàng xuất sang thị trường tỷ dân tăng hơn 5%, đạt 49,5 tỷ USD. Mức này tương đương 17% giá trị xuất khẩu của Việt Nam đi các nước. Hàng nhập từ Trung Quốc giảm 11%, đạt hơn 89 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam vẫn nhập siêu gần 40 tỷ USD từ thị trường này.

Tuy vậy, điểm nghẽn trong xuất khẩu với nước láng giềng được Bộ trưởng Công Thương chỉ ra, xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu theo đường tiểu ngạch, số lượng, chất lượng và giá đều thiếu ổn định. Hạ tầng biên giới hạn chế, nhất là hạ tầng thương mại thiếu, yếu.

"Cần hạn chế và đi tới "đoạn tuyệt" với hình thức sản xuất, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch", Bộ trưởng Diên nói, và đề nghị các địa phương quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo các đề án xuất khẩu chính ngạch.

bo truong cong thuong  can som cham dut xuat khau tieu ngach sang trung quoc

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị thúc đẩy kinh tế thương mại biên giới với Trung Quốc, ngày 9/12. Ảnh: Cấn Dũng

Khó khăn nữa được ông Diên chỉ ra, là việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại do thể chế của hai bên còn những điểm khác nhau. Các cửa khẩu chính, phụ vẫn hoạt động theo lối truyền thống.

Lào Cai - địa phương tiếp giáp và có nhiều cặp cửa khẩu với Trung Quốc. Theo đại diện tỉnh này, hàng Việt sang Trung Quốc gặp trở ngại về kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc bao bì, giấy chứng nhận với nông sản, thực phẩm.

Trái cây sang Trung Quốc hiện chủ yếu vận chuyển qua cửa khẩu đường bộ, chưa tận dụng tuyến đường sắt qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu. Hàng hóa chuyên chở bằng đường sắt qua Trung Quốc thấp, hơn 1.000 tấn mỗi ngày.

Để thúc đẩy hợp tác thương mại biên giới, đại diện tỉnh Lào Cai đề nghị đẩy nhanh ký hiệp định, nghị định thư xây cầu đường bộ giữa hai nước. Song song đó, Chính phủ sớm triển khai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435m) kết nối Hải Phòng, Lào Cai tới Côn Minh (Trung Quốc) để tăng năng lực vận chuyển hàng hóa.

Ở góc độ cơ quan quản lý thương mại, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các địa phương, bộ ngành cần chủ động tháo gỡ khó khăn, kiến nghị cấp có thẩm quyền các giải pháp, bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ, cung ứng phần lớn nguyên liệu cho các ngành sản xuất.

Chẳng hạn, các địa phương hoàn thiện quy hoạch tỉnh, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại thuộc biên giới, gồm hạ tầng thương mại truyền thống và thương mại số. Địa phương cũng cần dành nguồn lực, chính sách để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới, gồm chợ, trung tâm logistics, kho bãi.

Ông Diên cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch động thực vật cho nông sản và đàm phán cấp mới mã số nhập khẩu những hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh.

Với Bộ Tài chính, Bộ trưởng Diên đề nghị cơ quan này chỉ đạo ngành hải quan cùng các tỉnh biên giới xây dựng và áp dụng cửa khẩu thông minh, công nghệ trong quản lý các hoạt động thông qua xuất nhập khẩu.

Anh Minh
Nguồn: VNExpress

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin