Bình Phước: Phát triển doanh nghiệp số: Lúc này hoặc không bao giờ!

  1. Ngày đăng: 08-10-2022 16:50:16
  2. Lượt xem: 607
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 607 Lượt xem

(04/10/2022) Bình Phước: Phát triển doanh nghiệp số: Lúc này hoặc không bao giờ!

Chuyển đổi số (CĐS) không phải chuyện cần hay không mà là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, Bình Phước đang phối hợp các chuyên gia, nhà khoa học, tập đoàn uy tín tăng cường triển khai các giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ trên địa bàn. Mục tiêu của tỉnh trong những năm tới là phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ, hiện đại, phát triển kinh tế năng động dựa trên khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao với kinh tế số chiếm 20% GRDP.

Kể câu chuyện riêng về sản phẩm nhờ số hóa

Đầu tư công nghệ để tinh giản công nhân, nâng cao năng lực xuất khẩu là hướng đi lâu dài của Công ty cổ phần công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng. Đưa máy móc hiện đại vào vận hành được xem là giải pháp tối ưu, giúp công ty giảm chi phí sản xuất. Từ năm 2019, công ty tập trung vào thị trường xuất khẩu, mỗi tháng xuất khẩu bình quân từ 20-30 container điều nhân trắng, rang muối đi thị trường Trung Quốc và các nước châu Âu. “Hiện công ty đã đăng ký nền tảng CĐS để số hóa từ bộ phận hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu nội bộ, dùng chữ ký số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, tiến tới số hóa toàn bộ hoạt động điều hành, sản xuất - kinh doanh của công ty, giảm tối đa công nhân lao động thủ công" - chị Đào Thị Kim Hòa, Giám đốc kinh doanh công ty cho biết.

binh phuoc  phat trien doanh nghiep so  luc nay hoac khong bao gio

Đưa máy móc hiện đại vào vận hành được xem là giải pháp tối ưu, giúp Công ty cổ phần công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng giảm nhân công và chi phí sản xuất

Trước đây, hầu hết DN điều truyền thống trên địa bàn tỉnh kinh doanh theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ hiện nay buộc các DN điều phải tối ưu hóa quy trình, đồng thời có những điều chỉnh kinh doanh để tiến tới nền tảng cao hơn. Ứng dụng công nghệ, tự động hóa, kết nối các khâu trong quy trình quản trị, sản xuất giúp DN vận hành bộ máy trôi chảy. Doanh thu liên tục tăng qua từng năm chính là lời giải cho quá trình chuyển đổi này. “Chúng tôi tìm kiếm khách hàng nhanh hơn, ký hợp đồng qua email với bất kỳ quốc gia nào, thanh toán cũng thực hiện trực tuyến giúp DN xoay dòng vốn nhanh hơn, tăng tính cạnh tranh trên thị trường" - chị Hòa chia sẻ thêm.

Còn đối với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, mục tiêu CĐS trong giai đoạn đầu là không tập trung ngay vào đầu tư công nghệ với chi phí lớn. Đối với hợp tác xã, khâu đầu tiên là liên kết những nông dân có cùng tư duy muốn thay đổi, chấp nhận cái mới để đầu tư từng phần, triển khai chung một nền tảng trong quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp cho thành viên hợp tác xã.

Khi tất cả sản phẩm được số hóa thì nhà nông sẽ kể được câu chuyện riêng về sản phẩm của mình. Điển hình như các sản phẩm: hạt điều, sầu riêng, bơ của Hợp tác xã đang tận dụng công nghệ để quảng bá, xây dựng được chuỗi giá trị riêng và có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Số hóa là bước đầu tiên để sản phẩm có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.

Anh NGUYỄN MINH HIẾU, Phó giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước

Hành trình không đơn độc

Theo kết quả đánh giá chỉ số CĐS - DTI của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố thì DTI Bình Phước đang đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, kinh tế số đứng thứ 14 cả nước. Bình Phước là một trong những địa phương có cộng đồng DN nhỏ và vừa lớn, đây là tiềm năng lớn cho việc phát triển kinh tế số. Vấn đề quan trọng là phải làm sao để DN nhận thức được xu hướng phát triển để thay đổi và thích ứng.

Anh Đào Trần Lanh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và giải pháp doanh nghiệp Bình Phước cho rằng: Với quy mô DN vừa và nhỏ thì CĐS không phải là điều quá khó, quan trọng là tiếp cận theo hướng nào để phù hợp nhất với nhu cầu của DN. DN chúng tôi đã thực hiện CĐS từ nhiều năm nay như: sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, các nền tảng bán hàng trực tuyến… và thấy không gặp bất kỳ rào cản nào.

binh phuoc  phat trien doanh nghiep so  luc nay hoac khong bao gio

Các sản phẩm hạt điều, sầu riêng, bơ của Hợp tác xã nông nghiệp số Bình Phước đang tận dụng công nghệ để quảng bá, xây dựng được chuỗi giá trị riêng trên thị trường

Từ thực tế cho thấy, đa số DN vừa và nhỏ tại tỉnh ứng dụng công nghệ để số hóa DN chưa thực sự tạo dấu ấn rõ nét. DN mới chỉ dừng ở mức tiếp thị, bán hàng trực tuyến, sử dụng phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, khai báo thuế, bảo hiểm trực tuyến, giao tiếp nội bộ qua các ứng dụng mạng xã hội…; chưa có nhiều DN ứng dụng công nghệ số để cải tiến, thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh theo phương thức mới tạo ra sự đột phá của một DN số.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Trưởng khoa Quản trị, Trưởng nhóm nghiên cứu quản trị chuyển đổi thông minh, Trường đại học RMIT Việt Nam phân tích: Thế giới thay đổi rất nhanh, nhiều DN chậm chuyển đổi phương thức vận hành đã phải ngậm ngùi chia tay thị trường. Nếu DN đợi đến lúc bức bách mới thay đổi thì đã chậm hoặc sẽ không bắt kịp. Vì vậy, DN phải nhận thức được yếu tố cấp bách và tầm quan trọng để CĐS, lúc này hoặc không bao giờ!".

 Không có công thức chung cho DN CĐS vì mỗi DN có nguồn lực khác nhau. Muốn CĐS thành công thì bộ máy điều hành của DN, đặc biệt là người đứng đầu phải thật sự quan tâm, xem đây là công cụ để thay đổi mô hình kinh doanh của DN mình. CĐS phải được dẫn dắt từ trên xuống và được “thông suốt" đến từng nhân viên. Lãnh đạo các cấp chính quyền và DN sẽ là người đóng vai trò tiên phong trong việc trau dồi kiến thức, ưu tiên nguồn lực, làm gương và truyền cảm hứng để mang lại kết quả thực chất. Mỗi DN CĐS sẽ có những cách tiếp cận riêng, tùy tài chính, nhân lực, công nghệ, dây chuyển sản xuất. Vì vậy, linh hoạt chính là cách để không nằm ngoài dòng chảy số này.

Phó giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN QUANG TRUNG, Trưởng khoa Quản trị, Trưởng nhóm nghiên cứu quản trị chuyển đổi thông minh, Trường đại học RMIT Việt Nam

Trong nỗ lực phát triển kinh tế số thì CĐS DN đang là vấn đề bức thiết được quan tâm. Bởi chỉ khi DN chủ động đổi mới công nghệ, hiện đại hóa quy trình sản xuất, thay đổi mô hình kinh doanh, số hóa trong vận hành, quản lý để chủ động tiếp cận thị trường thì DN mới có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh đang ngày càng gay gắt.

binh phuoc  phat trien doanh nghiep so  luc nay hoac khong bao gio

Ứng dụng công nghệ, kết nối các khâu trong quy trình quản trị, sản xuất với nhau giúp tăng tính cạnh tranh sản phẩm hạt điều của Công ty cổ phần công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam trên thị trường

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Để CĐS thành công là một việc không dễ. DN cần một quá trình thực hiện với kế hoạch, mục tiêu rõ ràng và phải trong tư thế luôn sẵn sàng cho sự thay đổi diễn ra liên tục và nhiều thách thức. Không để DN đơn độc, tỉnh đang đồng hành với DN bằng việc ban hành các chính sách hỗ trợ, kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học, DN hàng đầu về cung cấp giải pháp công nghệ giúp nâng cao sức cạnh tranh của DN và hình thành cộng đồng DN số trên địa bàn tỉnh".

Ngân Hà
Nguồn: Báo Bình Phước
 

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin