ATTP - Cuộc chiến không khoan nhượng - Trách nhiệm không phải là ”Quả bóng”
- Ngày đăng: 19-08-2024 14:39:01
- Lượt xem: 96
(18/8/2024) ATTP - Cuộc chiến không khoan nhượng - Trách nhiệm không phải là ”Quả bóng”
Công tác an toàn thực phẩm (ATTP) tuy đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần phát triển đất nước, nhưng câu chuyện bất cập trong phân vai quản lý được xới lên khá nhiều tại các nghị trường. Bởi vậy, Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường, bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới yêu cầu đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, ATTP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị và sớm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất một đầu mối quản lý ATTP.
Luật ATTP quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ATTP", “Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ATTP"; “Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về ATTP"; “Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về ATTP trong phạm vi địa phương".
Trong những năm qua, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm ATTP trong tình hình mới, góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế...
Xác định an ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe Nhân dân và chất lượng giống nòi dân tộc. Để bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới, ngày 21/10/2022, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường, bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, ATTP; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, ATTP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Có thể nói, vấn đề ATTP đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Công tác thông tin, giáo dục và truyền thông được tập trung đẩy mạnh và có hiệu quả. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, giúp ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm ATTP. Nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vùng nguyên liệu an toàn đã được chứng nhận, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp an toàn được hình thành và nhân rộng; nhiều cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm được chứng nhận quốc tế.
Sản phẩm thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, Việt Nam có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ). Rõ ràng, sản phẩm thực phẩm chiếm ưu thế trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề ATTP cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Đó là tình trạng ngộ độc thực phẩm còn diễn biến rất phức tạp, tỷ lệ tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, ô nhiễm vi sinh vật đáng báo động. Vi phạm ATTP, nhất là đối với các cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố trên khắp cả nước là mối lo lớn của người dân, cộng đồng. Ngoài ra, thực phẩm nhập lậu khó kiểm soát, gây bức xúc dư luận xã hội. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao…
Để vượt qua những thách thức trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần đầu tư thêm nhân lực và vật lực cho công tác quản lý, nâng cấp về hệ thống kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để có thể làm tốt hơn nữa công tác quản lý ATTP. Bảo đảm ATTP hiện nay không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia, mà còn là vấn đề chung của nhân loại. Công tác bảo đảm ATTP tại Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới với những yêu cầu mới trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Thứ trướng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, an ninh ATTP cần đặt lên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay, bởi đây là vấn đề rất hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, chất lượng giống nòi dân tộc và ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế nước nhà. Thứ trướng Bộ Y tế đề nghị các địa phương, các bộ, ngành tăng cường thanh, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định về ATTP. Khi phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng. “Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn" - Thứ trướng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong công tác bảo đảm ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các cơ quan, công ty, trường học, đơn vị.
Có thể nói, cuộc chiến với thực phẩm bẩn đã và đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong từng mâm cơm gia đình, từng bữa ăn học đường, từng hàng quán bên ngoài phường phố. Người dân, nhà quản lý kêu gọi lương tri của người sản xuất, kinh doanh, nhưng như vậy chưa đủ, mà cần xử lý thật mạnh tay và truy cứu trách nhiệm trước pháp luật với các đối tượng xem thường sức khỏe, tính mạng của người dân với hình phạt đủ sức răn đe.
Về phía cơ sở thực hiện, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó trưởng Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng, Luật ATTP được thông qua từ năm 2010, sau 14 năm thực hiện, đến nay, Luật có nhiều bất cập. “Là những người trực tiếp quản lý cơ sở trên địa bàn, chúng tôi thấy rằng, các thông tư hướng dẫn của 3 ngành vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo. Tuy nhiên, chúng ta cần đánh giá, sửa đổi thông tư, nghị định sao cho sát với thực tế hiện nay, từ đó mới từng bước sửa đổi Luật" – bà Xuân Thu nói.
PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế góp ý các giải pháp quản lý tốt hơn lĩnh vực này. Trước hết, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước, trong đó, xây dựng hệ thống quản lý về ATTP chuyên trách từ T.Ư đến cơ sở. Cùng với đó, các cơ quan chức năng ban hành quy chế hoạt động, thống nhất phối hợp trong quản lý và phân cấp quản lý ATTP giữa các bộ, ngành, và địa phương, tránh chồng chéo. Ông Trần Đáng cũng cho rằng, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật ATTP để phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quy hoạch và phát triển hệ thống kiểm nghiệm ATTP; chuẩn hóa phòng xét nghiệm theo GLP và ISO/IEC 17025; nghiên cứu sản xuất thiết bị xét nghiệm nhanh và trang bị cho các tuyến, đơn vị thanh kiểm tra, tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực ATTP…
Đề cập đến công tác quản lý ATTP, đại diện Cục ATTP cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế như kinh doanh online, văn phòng ảo, quảng cáo xuyên biên giới. Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhưng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người dân là trên hết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật như Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật…
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, góp ý về chương trình xây dựng pháp luật năm 2025, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) cho biết, Quốc hội khóa XIV đã có giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016. Qua giám sát đã nhận diện nhiều tồn tại, hạn chế và có đề xuất 3 nhóm giải pháp khắc phục cũng như có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, và 3 bộ chủ quản (Y tế, Công Thương, NN&PTNT) cùng các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong tổ chức thực pháp luật về ATTP. Đại biểu Trần Thị Thanh Lam nhấn mạnh: “Nhìn thẳng vào vấn đề có thể nói công tác ATTP hiện nay chỉ quản lý phần ngọn, chưa quản lý nội dung này từ gốc, khi xảy ra hậu quả các ngành chức năng mới vào cuộc".
Cũng theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Luật ATTP được ban hành từ năm 2010, đến nay đã hơn 14 thực hiện, nhưng bất cập, hạn chế cần phải được khắc phục nhằm phù hợp với tình hình thực tế. Đối chiếu với Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5-11-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị về đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, trong đó Luật ATTP đề nghị trình Quốc hội năm 2022 nhưng đến nay Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2025 và điều chỉnh 2024 chưa thấy có nội dung này. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung việc sửa đổi Luật ATTP vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian sớm nhất.
Về phía Bộ Y tế, được Chính phủ giao đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Luật ATTP. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đang lấy ý kiến để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật, mục đích cuối cùng đạt hiệu quả tối ưu trong quản lý, là coi trọng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Mặc dù công tác đảm bảo an ninh, ATTP đã đạt được nhiều kết quả nhưng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là cách quản lý hiện nay chưa thống nhất và đồng bộ. Chính phủ giao Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng (đã phân cấp cho địa phương 4 nhóm), Bộ NN&PTNT quản lý 19 nhóm, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hệ thống tổ chức và quản lý ATTP trong cả nước chưa thống nhất về mô mình. Ở trung ương thì có Cục ATTP. Ở các tỉnh, một số tỉnh thí điểm Ban Quản lý ATTP như Bắc Ninh, Đà Nẵng, riêng TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm thành lập Sở ATTP. Còn các tỉnh khác thì có Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm. Ngay quản lý y tế cấp huyện, có tỉnh giao Sở Y tế, có tỉnh giao UBND huyện. Qua khảo sát thực tế, có tỉnh giao một nửa cho UBND huyện quản lý, một nửa là Sở Y tế quản lý.
“Mỗi nơi mỗi kiểu gây khó khăn trong quản lý ngay tại địa phương. Ví dụ như mô hình "ban quản lý an toàn thực phẩm" hiện không có trong danh sách các cơ quan quản lý nhà nước, không thể ra quyết định xử phạt hành chính với cơ sở vi phạm ATTP. Hậu kiểm mà không phạt được, vai trò vì thế cũng giảm" – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Để quản lý tốt ATTP, các chuyên gia, nhà quản lý đều đều chung quan điểm, một trong những giải pháp quan trọng là cần sớm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ trung ương tới địa phương và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, ATTP.
Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho rằng, cần quán triệt triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; Hướng dẫn số 82-HD/BTGTTW ngày 2/12/2022 về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư; Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 2/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW. Trong đó có nội dung đặc biệt quan trọng là xây dựng một đầu mối thống nhất về ATTP từ trung ương đến địa phương.
Vừa qua, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Sở ATTP - một đơn vị hành chính cấp sở phụ trách công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Trước khi chính thức thành lập Sở ATTP, TP Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, kết hợp lực lượng từ 3 sở (Y tế, Công Thương, NN&PTNT) từ năm 2017 cùng với Đà Nẵng Bắc Ninh.
Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở ATTP Đà Nẵng. Như vậy, Đà Nẵng sẽ là địa phương thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh được Quốc hội chấp thuận việc thành lập Sở ATTP.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng cho rằng, nếu Đà Nẵng thành lập Sở ATTP là triển khai chủ trương của Đảng về việc thống nhất một đầu mối quản lý ATTP được chỉ ra trong Chỉ thị 17 của Ban Bí thư. Theo ông Hải, khi Sở được thành lập sẽ giúp việc quản lý thực phẩm xuyên suốt trong chuỗi cung ứng hàng hóa, từ trang trại tới bàn ăn, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về ATTP.
"Tuy nhiên, khi thay đổi mô hình quản lý theo hướng thống nhất một đầu mối, lồng ghép an ninh, ATTP thành nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các bộ, ngành, đơn vị thì chúng ta cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin thông qua cơ chế một cửa quốc gia, hệ thống thông tin hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành để công tác bảo đảm an ninh, ATTP đạt hiệu quả", đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương nêu.
Việc xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước chỉ một đầu mối được kỳ vọng tạo đột phá trong khâu quản lý, kiểm soát thực phẩm. Tuy vậy, dù bộ máy thế nào cũng không phải cây đũa thần sẽ giải quyết vấn nạn về thực phẩm bẩn. Điều đó còn phụ thuộc sự vào cuộc trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành liên quan và ý thức của người tiêu dùng. Đặc biệt, các cấp ủy, cơ quan quản lý ngành trong hệ thống hành chính nhà nước phải luôn xác định việc quán triệt những chủ trương, định hướng về bảo đảm ATTP là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Nguồn: Kinh tế Đô thị
Bài viết khác
- Khẩn trương xem xét miễn giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại do bão Yagi
- Cần “cởi trói” cho điều châu Phi được tiêu thụ nội địa
- Cộng đồng doanh nghiệp hoang mang trước dự thảo Nghị định số 09 của Bộ Y tế
- Doanh nghiệp bất an với quy định thêm i-ốt và kẽm
- Gỡ khó cho doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều từ châu Phi
- Bộ trưởng Công Thương: Cần sớm chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc
- Vá lỗ hổng trong chứng nhận hữu cơ
- Điều nhân được đề nghị đưa ra khỏi danh mục kiểm dịch thực vật
- Đề xuất phương án ban hành thuế carbon tại Việt Nam
- Doanh nghiệp kiệt quệ vì bị ’giam’ tiền thuế GTGT: Làm nhiều, vốn bị ’giam’ nhiều
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |