Xuất khẩu điều nhân, hồ tiêu, gia vị: Tăng trưởng nhưng nhiều nỗi lo

  1. Ngày đăng: 31-07-2023 14:46:24
  2. Lượt xem: 856
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 856 Lượt xem

(30/7/2023) Xuất khẩu điều nhân, hồ tiêu, gia vị: Tăng trưởng nhưng nhiều nỗi lo

Dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhưng các DN điều nhân, hồ tiêu, gia vị… lại không mấy vui khi mỗi chuyến hàng xuất cảng đều chứa đầy bất an về rủi ro trong thương mại quốc tế cũng như tình hình giá cả ngày một đi xuống.
xuat khau dieu nhan ho tieu gia vi  tang truong nhung nhieu noi lo
Doanh nghiệp chế biến điều nhân XK. Ảnh: N.H

"Bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm"

Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành đã xuất khẩu được trên 279.000 tấn điều nhân các loại, tăng trưởng 9,49% so với cùng kỳ năm 2022.

Số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cũng ghi nhận những con số tích cực về sản lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm nay. Trong đó, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu trong 6 tháng đã đạt tới 152,986 tấn, tăng trưởng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; quế xuất khẩu tăng trưởng 25,1%, đạt 43.186 tấn. Tương tự, nhiều loại gia vị khác cũng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao về sản lượng như hoa hồi đạt 7.443 tấn, tăng 85,7%; ớt đạt 6.958 tấn, tăng 108,4%; gừng nghệ và một số gia vị khác đạt 26.029 tấn, tăng trưởng 544%...

Dù lượng xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng tình trạng chung của các mặt hàng này gặp phải là tình trạng giá xuất khẩu giảm mạnh. Điển hình như giá xuất khẩu nhân điều bình quân trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 5.717 USD/ tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với hồ tiêu, giá xuất khẩu bình quân cũng rơi xuống mức 3.484 USD/tấn đối với tiêu đen và 5.011 USD/tấn đối với tiêu trắng, giảm lần lượt 879 USD và 1.070 USD. Giá xuất khẩu quế cũng giảm mạnh tới 737 USD so với cùng kỳ năm 2022, xuống mức chỉ 2.992 USD/tấn; giá hoa hồi giảm 9,6%...

Sự sụt giảm về giá đã khiến cho mức tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng của sản lượng. Thậm chí, kim ngạch xuất khẩu còn ghi nhận giảm 14,6% đối với hồ tiêu và giảm 9,6% đối với hoa hồi…

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) chia sẻ, kể từ sau dịch Covid-19, ngành điều luôn phải đối mặt với những biến động không thể dự đoán chính xác, khiến cho DN rất khó khăn trong việc hoạch định kế hoạch. Đặc biệt là sự mất cân đối giữa nhập khẩu điều thô và xuất khẩu điều nhân, khi giá điều thô ở mức cao nhưng giá điều nhân lại liên tục giảm. “Thậm chí người mua cũng lợi dụng thực tế này để cố ý không tăng giá. Bởi họ biết lượng điều thô tồn kho tại Việt Nam hoặc còn đang ở nước ngoài chưa chuyển về Việt Nam là rất lớn. Tâm lý người mua cho rằng nguồn cung quá dồi dào, nên không cần mua sớm" – ông Nhựt chia sẻ.

Trước tình hình đó, ngành điều phải vận dụng nhiều cách để tăng giá trị cho ngành. Trong đó có chính sách nội bộ, kêu gọi nhà máy đẩy mạnh chế biến sâu. Bởi hiện 95% lượng điều nhân xuất khẩu đều ở dạng thô, chỉ có 5% là chế biến sâu. Điều này khiến Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài cũng như mức giá của người mua hàng đưa ra. Tuy nhiên, cái khó của chế biến sâu hiện nay là có nguồn vốn mạnh, phải tìm hiểu rõ thị trường, nhu cầu, thị hiếu và khẩu vị thị trường đang hướng đến… Trong khi chính sách tín dụng của ngân hàng đang gần như bị đóng băng.

Trĩu nặng bất an

Ngoài những vấn đề bất cập kể trên, thời gian qua các DN ngành điều, hồ tiêu và gia vị còn phải đối mặt với rủi ro lừa đảo trong thương mại quốc tế. Chỉ trong vòng 2 năm gần đây, các vụ việc DN Việt Nam bị đối tác nước ngoài lừa đảo, đứng trước nguy cơ mất trắng lô hàng xuất khẩu liên tiếp xảy ra với những phương thức, thủ đoạn liên tục thay đổi khiến các DN không khỏi bất an. Các hiệp hội liên tục đưa ra những cảnh báo cho DN về việc tìm hiểu kỹ khách hàng, cân nhắc và tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa với giá thấp.

Ông Bạch Khánh Nhựt cho biết, hầu như các DN xuất khẩu đều có thâm niên nhiều năm trong nghề, đã giao dịch rất nhiều lô hàng và hầu hết đều an toàn. Do đó những sự cố xảy ra thời gian qua là điều không ai ngờ. “Qua các buổi làm việc, các ngân hàng, chuyên gia… đều khuyến cáo DN nên sử dụng phương thức thanh toán L/C để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc này chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, bất kỳ DN nào đặt yêu cầu mua bán với khách hàng bằng hình thức L/C đều lập tức bị khách hàng từ chối. Lý do, áp dụng hình thức L/C chỉ khi mua bán với số lượng rất ít, còn với số lượng lớn, phương thức L/C sẽ khiến DN phải `chôn’ tiền ở ngân hàng, trong khi nhu cầu vốn của DN thì luôn rất cao" – ông Nhựt cho biết.

Qua các vụ việc đã xảy ra thời gian qua, ông Nhựt cho biết, hầu như không có DN nào sử dụng phương thức L/C. Đặc biệt, khác với các vụ việc trước đây là DN xuất khẩu kết nối với người mua thông qua môi giới, trong vụ việc mới đây nhất xảy ra tại Dubai, DN Việt Nam đã kết nối trực tiếp với khách hàng này tại Hội chợ Gulfood Dubai hồi đầu năm nay và một lô hàng xuất khẩu vào tháng 4 đã được thực hiện thành công. Nhưng đến đơn hàng thứ 2 vào tháng 6 thì bất ngờ gặp sự cố.

Theo lãnh đạo VINACAS, Dubai là thị trường trung gian, đầu mối đưa hàng hoá đi châu Âu và châu Phi. Hội chợ Gulfood diễn ra hàng năm tại đây là một trong những hội chợ thực phẩm nổi tiếng nhất thế giới. Đây cũng là nơi gặp gỡ, tìm kiếm, tiếp xúc khách hàng rất hiệu quả của các DN từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, sự việc mà DN Việt Nam gặp phải vừa qua là rất hy hữu. Theo đó, VINACAS đã khuyến nghị các DN nên nhờ đại sứ quán ở các nước sở tại kiểm tra thông tin để xem mức độ uy tín của DN trước khi ký kết hợp đồng.

Nguyễn Hiền
Nguồn: Báo Hải Quan
 

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin