Tranh chấp thương mại quốc tế doanh nghiệp nên thông qua hiệp hội và cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài

  1. Ngày đăng: 12-07-2024 13:41:17
  2. Lượt xem: 309
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 309 Lượt xem

(10/7/2024) Tranh chấp thương mại quốc tế doanh nghiệp nên thông qua hiệp hội và cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài

Có nhiều tranh chấp về chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp cần nghiêm túc xem lại mình vì vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, ông Trần Việt Anh, PCT Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết.
tranh chap thuong mai quoc te doanh nghiep nen thong qua hiep hoi va co quan dai dien cua viet nam tai nuoc ngoai

 

Hình minh họa - Nguồn: IT

Xin ông cho biết các tranh chấp về thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài trong thời gian qua như thế nào?

Ông Trần Việt Anh: Các tranh chấp về ngoại thương, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK), chủ yếu tập trung vào xuất khẩu. Những tranh chấp này đa phần liên quan đến chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng, và sự không trung thực của bên bán hoặc bên mua. Sự không trung thực thường xảy ra, khi khách hàng muốn hủy đơn hàng và viện lý do liên quan đến quy định của nước mình để gây khó khăn cho người bán.

Một tranh chấp khác thường gặp là do thất thoát hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ cảng nước bán đến cảng nước mua, dẫn đến việc đối tác từ chối nhận hàng và yêu cầu bồi thường. Một tranh chấp phổ biến nữa là hàng hóa đã được lấy ra khỏi cảng nhưng chứng từ gốc vẫn còn ở người bán, chưa được gửi đi.

Những nội dung tranh chấp này không mới, nhưng trong nhiều năm qua vẫn thường xảy ra do doanh nghiệp chưa am hiểu về vấn đề này. Một khó khăn lớn là gần như tất cả những tranh chấp đó không được đưa ra tòa án quốc tế vì chi phí pháp lý quốc tế quá cao và rủi ro lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Vậy doanh nghiệp cần làm gì để hạn chế rủi ro pháp lý khi thực hiện hoạt động XNK, thưa ông?

Ông Trần Việt Anh: Trước tiên, doanh nghiệp cần tìm hiểu và xác định rõ đối tác trong các hoạt động liên quan đến XNK của mình, như logistics và ngân hàng. Doanh nghiệp không cần hiểu rõ về pháp lý đối ngoại hay thư tín dụng (LC), mà nên thông qua ngân hàng. Tất cả chứng từ thanh toán, đặt cọc... cần được thực hiện qua ngân hàng. Hiện nay, nhiều người Việt Nam mua bán với nước ngoài thường làm việc trực tiếp với đối tác, có thể chỉ đặt một ít tiền cọc rồi giao hàng luôn; sau đó, gửi thẳng bộ chứng từ hoặc ra lệnh cho đối tác nhận hàng mà không thực hiện qua ngân hàng.

Điều quan trọng là lựa chọn hãng tàu. Hiện nay, nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam đang gửi hàng qua các đại lý nhỏ, với chỉ 1-2 nhân viên, nhưng họ thực chất là nhân viên của các hãng tàu lớn làm việc bên ngoài. Vì vậy, nên chọn các hãng tàu lớn, có uy tín để đảm bảo không mất uy tín và thương hiệu chỉ vì 1-2 container hàng hóa.

Một lưu ý nữa là về đối tác. Đối tác rất quan trọng, đặc biệt khi là đối tác ban đầu, cần có những thỏa thuận và cam kết chặt chẽ. Chúng ta cần thăm dò và biết rõ đối tác như thế nào. Đặc biệt, với đối tác ban đầu, pháp lý không quan trọng bằng thanh toán; cần đảm bảo nhận đủ tiền khi khách hàng lấy hàng. Khi khách hàng là đối tác truyền thống, đã làm ăn với nhau 10-20 năm, hầu như các thủ tục pháp lý không cần thiết, có thể thanh toán bằng LC 60 ngày hoặc TT 100 ngày mà không cần chứng từ gì cả, đó là sự tin cậy. Do đó, việc xây dựng đội ngũ đối tác nước ngoài ổn định, bền vững và truyền thống là điều quan trọng nhất.
tranh chap thuong mai quoc te doanh nghiep nen thong qua hiep hoi va co quan dai dien cua viet nam tai nuoc ngoai
Vậy nếu doanh nghiệp vướng vào một vài tranh chấp thương mại, lời khuyên của ông là gì?

Ông Trần Việt Anh: Khi bị vướng vào tranh chấp thương mại, doanh nghiệp cần làm việc lại với đối tác tín dụng và ngân hàng của mình để hiểu rõ tại sao tranh chấp xảy ra mà phía ngân hàng không biết. Tốt nhất, doanh nghiệp nên thông qua hiệp hội doanh nghiệp của mình. Ví dụ, nếu doanh nghiệp xuất khẩu điều bị thất thoát hàng hóa, Hiệp hội Điều nên lên tiếng và làm việc với đại diện Việt Nam ở khu vực xảy ra vụ việc. Đồng thời, doanh nghiệp cần tập hợp những người có rủi ro tương tự để xem xét khả năng tiến hành các biện pháp pháp lý.

Tuy nhiên, theo tôi biết, việc tiến hành pháp lý với đối tác nước ngoài rất khó khăn và chi phí tài chính có thể gấp nhiều lần giá trị lô hàng. Đặc biệt, pháp lý của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, trong khi đối tác nước ngoài luôn có văn phòng luật sư chuyên nghiệp. Chúng ta thường không có luật sư, đến khi xảy ra vấn đề mới bắt đầu làm hồ sơ từ đầu. Do đó, doanh nghiệp nên thông qua hiệp hội và cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài. Quan trọng là phải hiểu rõ đối tác và thị trường, nhà xuất khẩu phải đánh giá đầy đủ rủi ro. Thực tế, có những vùng mà các nhà xuất khẩu Việt Nam không muốn làm ăn vì rủi ro rất cao, nhưng cũng có những thị trường văn minh, rất ít khi xảy ra tranh chấp.

Trong thời gian qua, có nhiều tranh chấp về chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp cần nghiêm túc xem lại mình vì vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Với các tranh chấp về tài chính, doanh nghiệp cần có bộ phận pháp lý, hiểu biết về luật quốc tế và kinh nghiệm xử lý các tranh chấp quốc tế tại nước sở tại.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ.

Bình Anh
Nguồn: TCĐT Doanh nghiệp Hội nhập

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin