Tổng thống Trump hoãn thời hạn áp thuế: Hàng nông sản được xuất khẩu bình thường, tin tưởng vào sự ứng biến của doanh nghiệp
- Ngày đăng: 11-04-2025 15:43:46
- Lượt xem: 287
(10/4/2025) Tổng thống Trump hoãn thời hạn áp thuế: Hàng nông sản được xuất khẩu bình thường, tin tưởng vào sự ứng biến của doanh nghiệp
"Việc được hoãn thời hạn áp thuế có thể được xem là tín hiệu đáng mừng, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra xem xét, điều chỉnh kế hoạch nuôi, thu mua và sản lượng xuất khẩu", ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam trao đổi với Dân Việt về quyết định hoãn thời gian áp thuế trong 90 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hình minh họa - Nguồn: IT
"Tin tưởng vào sự ứng biến của doanh nghiệp"
Đó là câu trả lời của ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khi trao đổi với PV Dân Việt về những thay đổi chóng mặt trong chính sách thuế đối ứng của Chính quyền Mỹ.
"Mỹ là thị trường quan trọng của sản phẩm cá tra Việt Nam và được xem như "chứng chỉ" để cá tra Việt Nam có thêm uy tín đi sang các thị trường khác. Trong các giai đoạn của nền kinh tế, các doanh nghiệp xuất khẩu đều nhanh chóng xây dựng được chiến lược riêng. Ngặt một nỗi, hiện nay cả thế giới đều bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của ông Trump thì việc tìm thị trường mới để thay thế hoặc giảm bớt tỷ trọng ở thị trường cũ không phải điều dễ dàng, cần rất nhiều thời gian" - ông Quốc nói.

Trung bình 2-3 năm gần đây, thị trường Mỹ chi từ 1,6 - 23, tỷ USD để nhập khẩu cá tra, tôm của Việt Nam. Ảnh: Trần Đáng
Trước mắt, việc được hoãn thời hạn áp thuế có thể được xem là tín hiệu đáng mừng, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra xem xét, điều chỉnh kế hoạch nuôi, thu mua và sản lượng xuất khẩu. Về lâu dài, nếu tình hình này không được giải quyết sớm thì sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch lâu dài của doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang rất thận trọng vì không biết diễn biến thị trường sẽ ra sao, mọi thứ vẫn phải trông chờ vào việc thương thảo của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Mỹ", ông Quốc nói.
Cũng theo ông Quốc, nếu sau 90 ngày chính quyền Mỹ vẫn giữ mức thuế 46% thì ông khẳng định: "Không thể nào làm ăn nổi! Doanh nghiệp sẽ phải chịu gánh nặng về chi phí vận chuyển, thuế quan, nhân công,... Nhiều người nghĩ nếu Mỹ áp thuế cao thì đi tìm thị trường khác bán hàng, nhưng đó chỉ là lí thuyết. Bởi không riêng gì Việt Nam, hàng chục nước khác cũng đang bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế đó".

Nông dân ĐBSCL nuôi cá tra xuất khẩu. Ảnh: Trần Đáng
Ông Quốc cho biết, không phải bây giờ doanh nghiệp cá tra mới nghĩ tới bài toán đa dạng thị trường mà trước đây, châu Âu cũng được xem là thị trường chủ lực. Tuy nhiên, sau những "cú sốc" cá tra Việt bị bôi bẩn ở EU, đưa rào cản thị thực làm khó dễ, giá giảm mạnh... thì EU không còn là "mảnh đất" màu mỡ.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, theo thống kê 2-3 năm nay, thị trường Mỹ chi khoảng 1,6 - 2,3 tỷ USD/năm để mua các sản phẩm cá tra, tôm của Việt Nam.
"Có thể nói, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói riêng và lĩnh vực thuỷ sản nói chung của chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm trên thị trường quốc tế. Họ rất giỏi chiến đấu với những đợt khó khăn do bị kiện chống bán phá giá, những cú sốc về rào cản thương mại, dịch Covid..., nên tôi tin tưởng vào sự ứng biến của họ trong giai đoạn mới. Cùng với sự thiện chí của Chính phủ Việt Nam, tôi tin rằng việc đàm phán sẽ thành công" - ông Quốc bày tỏ.
Hàng hoá nông sản lại được xuất khẩu bình thường, doanh nghiệp phấn khởi
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T - doanh nghiệp xuất khẩu trái cây số 1 của Việt Nam tại thị trường Mỹ cho biết: "3h sáng nay, tôi nhận được các cuộc gọi điện của phía đối tác Mỹ thông báo về việc hoãn thuế đối ứng trong vòng 90 ngày. Hàng hoá theo đó lại được xuất khẩu bình thường. Vui lắm, phấn khởi lắm. Chúng ta có 90 ngày xuất khẩu tốt trở lại, rồi lại hy vọng sau 90 ngày sẽ có những thoả thuận hợp lý và có lợi cho cả hai bên".
Ông Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết: Lúc đầu, khách hàng đối tác bên Mỹ đã giảm khoảng 40% đơn hàng để cầm chừng, thăm dò thị trường xem sức tiêu thụ của người dân Mỹ như thế nào, sợ giá tăng lên cao chưa được chấp nhận. Nhưng đến hôm nay đã được nối lại và đi đúng theo hợp đồng thoả thuận từ trước.
"Chúng tôi đang xuất khẩu rất nhiều trái cây sang Mỹ như: Bưởi, sầu riêng, nhãn, dừa, thanh long, xoài… Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của Vina T&T tại thị trường Mỹ chiếm khoảng 58%, doanh thu từ thị trường này năm ngoái đạt khoảng 96 triệu USD", ông Tùng tiết lộ.
Trước đó, các mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thường chịu mức thuế từ 0-5%.
"Thế nên, những ngày vừa qua, theo yêu cầu của phía đối tác, doanh nghiệp cũng đã phải đẩy nhanh các lô hàng xuất khẩu sang Mỹ để tránh thuế 10% trước ngày 5/4. Chúng tôi cũng ngồi với phía đối tác Mỹ đàm phán lại nhằm giảm một phần lợi nhuận của 2 bên để bù đắp vào phần thuế tăng", ông Tùng cho hay.
Tổng Giám đốc Vina T&T cũng cho biết, họ đang tích cực tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu khác. "Chúng tôi nhắm tới thị trường Trung Quốc, Nhật, Hàn, Canada, Trung Đông, thị trường Halal", ông Tùng nói.
Minh HuệNguồn: Báo Dân Việt
Bài viết khác
- Sẽ ký 4 thỏa thuận trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc
- Đề xuất Mỹ miễn trừ thuế đối với thủy sản, điều, cà phê, tiêu
- Trước nguy cơ Mỹ áp thuế 46%, chủ tịch một ngành hàng nông sản đã sang Mỹ để đàm phán trực tiếp với đối tác
- Mỹ áp thuế 46%: Bộ Công Thương khuyên DN ’không bỏ trứng vào một giỏ’
- Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có thể chịu thiệt hại vì thuế đối ứng của Mỹ
- Ngành điều Việt Nam: Tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo sản lượng điều toàn cầu trong năm 2025
- Việt Nam là nguồn cung một loại hạt lớn nhất cho Mỹ, trong khi Campuchia tham vọng là nước xuất khẩu điều hàng đầu
- Không vội vàng mua hạt điều thô
- Châu Phi trên hành trình tự chủ và đổi mới: Cơ hội chuyển mình và triển vọng trong hợp tác với Việt Nam
- Chỉ 2 tháng vung 10.700 tỷ gom mua, một loại hạt từ châu Phi tràn về Việt Nam
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |