Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nông nghiệp luôn là ’mỏ vàng’
- Ngày đăng: 27-11-2020 14:48:19
- Lượt xem: 895
(14/11/2020) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nông nghiệp luôn là ’mỏ vàng’
Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp luôn là 'mỏ vàng’ và xuất khẩu nông sản của Việt Nam hoàn toàn có thể lọt vào tốp 10, thậm chí tốp 5 thế giới trong tương lai.
Khẳng định vai trò bệ đỡ
Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, mặc dù Việt Nam đã có những biện pháp khống chế hiệu quả nhưng ảnh hưởng của dịch đến kinh tế xã hội là không tránh khỏi.
Mặc dù vậy, nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong dịch bệnh. Điều này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẳng định nhiều lần trong các phát biểu, báo cáo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với nhân dân khi đến thăm “Vườn quả Bác Hồ" tại xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn. Ảnh: Thống Nhất.
Mới đây nhất, trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta phải giữ vững sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp là nền tảng, chỗ dựa trong dịch bệnh toàn cầu. Song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch, dịch vụ... Tiếp tục chú trọng phát triển nông thôn mới gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, văn hóa nông thôn…".
Cụ thể, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ. Cả nước có nhiều nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm với công nghệ hiện đại đi vào hoạt động, ngoài ra kinh tế hợp tác và doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh
“Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; sản xuất lúa gạo được mùa, được giá, đời sống người nông dân được cải thiện; an ninh lương thực được bảo đảm; năm 2020 xuất khẩu nông sản ước đạt 41 tỷ USD", người đứng đầu Chính phủ thông tin trước Quốc hội.
Trước đó, trong Hội nghị Chính phủ với địa phương đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra vào tháng 7, Thủ tướng cũng khẳng định quan điểm này, thời điểm đó Việt Nam đã trải qua 2,5 tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Khi đó, mặc dù chỉ số GDP bị ảnh hưởng nhưng Việt Nam vẫn có những điểm sáng như kinh tế vĩ mô ổn định, tạo nền tảng ổn định cho phục hồi kinh tế. CPI của Việt Nam giảm dần từ hơn 6% xuống 4%, tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm mang lại niềm tin cho người dân và các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
“Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, giá lợn liên tiếp giảm, mặc dù chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, 6 tháng đầu năm tăng trưởng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung của cả nước", Thủ tướng khẳng định.
Đến đầu tháng 10/2020, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao và khẳng định vai trò bệ đỡ nền kinh tế.
Trong Quý III, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II và là động lực cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Trong đó khu vực nông nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,93%, công nghiệp và xây dựng tăng 2,95% và dịch vụ tăng 2,75%.
Với mức tăng trưởng cao, khu vực nông nghiệp khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đồng thời duy trì đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh, an dân trong bối cảnh đại dịch.
“Mỏ vàng" nhưng cần khai thác hiệu quả.
Dù khẳng định vai trò bệ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp, nhưng Thủ tướng cũng lưu ý về các điểm chưa tốt của ngành mặc dù ông cho rằng đây chẳng khác gì một “mỏ vàng" và xuất khẩu nông sản của Việt Nam hoàn toàn có thể lọt vào tốp 10, thậm chí tốp 5 thế giới trong tương lai.
Về năm 2020, Thủ tướng cho rằng, ngành nông nghiệp đã phát triển ở giai đoạn cao, rất đáng mừng. Cơ bản trong năm nay, nông nghiệp được mùa, trúng giá, cả lúa gạo, thủy sản, trái cây, gỗ rừng trồng…, “có thể nói một nền nông nghiệp thắng lợi toàn diện".
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, hiện nay, nhiều nông sản của Việt Nam dù có thị phần xuất khẩu đứng đầu thế giới như cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, gạo… nhưng vẫn còn xuất thô nhiều, hàm lượng chế biến còn thấp. Đây là điểm yếu nhưng cũng là cơ hội nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam.
“Nông nghiệp luôn là mỏ vàng nhưng nếu không biết khai thác thì cũng sẽ cạn kiệt và kém hiệu quả. Vì vậy, cần chú trọng hồi phục hệ sinh thái, phát triển nông nghiệp phải gắn với các mục tiêu bảo vệ và phát huy hiệu quả, bền vững các tài nguyên nước, đất, tài nguyên rừng.
Đặc biệt là bảo vệ môi trường sống cho người dân như tinh thần và quan điểm kiến tạo phát triển của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay", điều này được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trong buổi đối thoại với nông dân vào tháng 9 vừa qua.
Thủ tướng bày tỏ, còn nhiều trăn trở mà Chính phủ, các bộ, ngành cần phải quan tâm xử lý, giải quyết, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân nâng cao thu nhập, phát triển bền vững và làm giàu.
Thủ tướng nhắc đến việc giải quyết vấn đề vốn cho nông dân, giải quyết vấn đề đất đai, nhất là đồng bào dân tộc, có đất sản xuất, có nước uống, có nhà ở là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Ngăn chặn có hiệu quả, kiên quyết những nông, lâm trường phát canh thu tô trong khi nông dân không có đất; giải quyết vấn đề môi trường sống, giải quyết vấn đề quy hoạch vùng sản xuất tốt hơn nữa.
Khi sản xuất lớn ở những vùng có điều kiện thì cần quan tâm công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị, chứ không phải là sớm nắng chiều mưa, được mùa rớt giá, được giá mất mùa.
Người dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Hậu.
Thủ tướng cũng lưu ý rằng, vấn đề xây dựng thương hiệu vẫn còn là một trong những hạn chế của nông nghiệp Việt Nam.
Việc đầu tư vào nông nghiệp khu vực miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn. Đặc biệt sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền cũng là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, những tác động từ bên ngoài đối với nền kinh tế trong nước ngày càng tăng khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với độ mở cao của nền kinh tế; nhiều sản phẩm hàng hóa của ta, trong đó các sản phẩm nông nghiệp phải cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà.
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch bệnh cũng là nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đến nền nông nghiệp và đời sống người nông dân Việt Nam.
Chia sẻ những khó khăn này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã và đang cố gắng tìm những thị trường xuất khẩu mới cho nông sản Việt Nam; quyết liệt chỉ đạo, xử lý vấn đề đầu vào cho các sản phẩm nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu giống, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thiệt hại cho nông dân. Chính vì thế, đến nay Việt Nam đã trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Tùng Đinh
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Bài viết khác
- Bình Phước: Phát huy lợi thế phát triển cây công nghiệp chủ lực
- Một nông dân sáng chế máy nông nghiệp ở Bình Phước nhờ ”học lỏm” khiến cả làng phục sát đất
- Bốn loại cây công nghiệp nào vừa được UBND tỉnh Bình Phước đưa vào kế hoạch phát triển đến năm 2030?
- ’Sự lựa chọn cuối cùng’ của nhà nông
- Diện tích cây điều ở Bình Phước đang ngày càng thu hẹp (Video clip)
- Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ vào Việt Nam
- Hệ lụy khi người nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng
- Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
- Ngành trồng trọt không nên chủ quan dù ‘được giá’
- Hàng ngàn héc-ta cây trồng chết mòn vì nắng hạn
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |