Phê duyệt dự án trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều

  1. Ngày đăng: 18-05-2023 11:35:05
  2. Lượt xem: 496
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 496 Lượt xem

(16/5/2023) Phê duyệt dự án trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều

 Ngày 16/5, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 775/QĐ-UBND phê duyệt dự án trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều giai đoạn 2023-2025.
phe duyet du an trong xen canh chan nuoi duoi tan dieu
Hình minh họa - Nguồn: TTXVN

Tính đến nay, Bình Phước là tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước. Sau 15 năm thực hiện dự án Quy hoạch ngành điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006-2020 theo Quyết định số 31/2008/QD-UBND ngày 08/7/2008 của UBND tỉnh, năng suất và sản lượng điều của tỉnh liên tục tăng qua các năm. Năm 2017, diện tích điều khoảng 134.302ha, năng suất 0,73 tấn/ha, sản lượng 96.813 tấn. Đến năm 2021, diện tích đạt 141.595ha, năng suất 1,49 tấn/ha. Năm 2022, diện tích 151.892ha, năng suất 1,15 tấn/ha, sản lượng 170.358 tấn. Cây điều là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.
 
Tuy nhiên, việc phát triển ngành điều còn một số nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều diện tích điều trồng chưa theo quy hoạch, vẫn mang tính tự phát, phân tán. Tỷ lệ hộ canh tác điều quảng canh bằng các giống điều cũ khá phổ biến, số hộ trồng điều thâm canh chưa nhiều. Vì thế, hiệu quả kinh tế từ cây điều mang lại chưa cao. Đa số cây điều được trồng độc canh, năng suất còn hạn chế, tỷ lệ thiệt hại, rủi ro cao khi dịch bệnh phát sinh hoặc khi có biến động về giá thị trường. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chủ yếu thực hiện ở một số ít vùng trồng tập trung. Đa số người trồng điều và các nhà máy chế biến chưa ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán và thiếu chủ động nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn. Bên cạnh đó, những năm gần đây, thời tiết bất thường khiến mưa trái mùa, lốc xoáy xảy ra, các loại sâu bệnh phát sinh gây hại khiến năng suất, chất lượng sản phẩm giảm sút. Hiệu quả kinh tế từ cây điều mang lại chưa cao và có sự chệnh lệch lớn giữa các địa phương. Mặt khác, cây điều trên địa bàn tỉnh khó cạnh tranh với một số cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái...

Để cải thiện hiệu quả sản xuất từ cây điều, việc trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán là một giải pháp thích hợp giúp tận dụng khoảng trống bên dưới tán điều; tăng thu nhập trên cùng một diện tích, giúp tăng khả năng cạnh tranh với những cây trồng khác, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, giảm rủi ro do biến động giá cả và dịch hại so với hệ thống trồng độc canh... Việc xây dựng Dự án trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều là cần thiết, giúp cải thiện kinh tế cho nông dân trồng điều, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, dự án phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích xen canh/đa canh dưới tán điều toàn tỉnh là 10.000ha như Nghị quyết số 11/NQ-TU đã đề ra. Trong đó, huyện Bù Đăng 8.000ha, huyện Bù Gia Mập 1.000ha, các huyện, thị xã, thành phố còn lại 1.000ha. Các loại cây trồng xác định trồng xen canh/đa canh dưới tán điều gồm: Cà phê, ca cao, cây dược liệu; các loại vật nuôi dưới tán điều: Gà, vịt, dê.

Đến năm 2030, nâng diện tích xen canh/đa canh dưới tán điều toàn tỉnh lên 5.000ha, tương ứng lũy kế là 15.000ha. Trong đó, huyện Bù Đăng 10.000ha, huyện Bù Gia Mập 3.000ha, các huyện, thị xã, thành phố còn lại 2.000ha. Các loại cây trồng xác định trồng xen canh/đa canh dưới tán điều gồm: Cà phê, ca cao, cây dược liệu; các loại vật nuôi dưới tán điều: Gà, vịt, dê.

Dự án tập trung vào đối tượng là các tổ chức, cá nhân trồng xen canh/đa canh, chăn nuôi dưới tán điều. Cùng với đó, thực hiện triển khai tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách; nguồn lồng ghép với các chương trình, dự án đã được giao trong năm (nguồn vốn người dân, doanh nghiệp tham gia và nguồn vận động, tài trợ hợp pháp khác theo quy định).

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai dự án này trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện các chương trình, nội dung dự án theo quy định; xây dựng các mô hình xen canh, chăn nuôi dưới tán điều, mô hình liên kết sản xuất để phát triển bền vững; tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện./.

T.T.
Nguồn: Báo Bình Phước

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin