‘Nghẽn’ dòng tiền, xuất khẩu khó chồng khó
- Ngày đăng: 27-04-2023 15:26:56
- Lượt xem: 589
(27/4/2023) ‘Nghẽn’ dòng tiền, xuất khẩu khó chồng khó
Nghẽn dòng tiền, 'khát’ vốn rẻ đang là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp phải. Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng với thời hạn, mức vay và lãi suất hợp lý để duy trì sản xuất kinh doanh.
Gạo đang là mặt hàng có tín hiệu xuất khẩu (XK) khá khả quan trong năm nay. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), XK gạo từ ngày 1/1 - 15/4 đạt 2,3 triệu tấn, trị giá 1,25 tỷ USD, tăng 33,70% về lượng và tăng 44,55% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, một trong những khó khăn nổi cộm nhất mà các doanh nghiệp (DN) XK gạo phản ánh là không có tiền mua gạo.
Không có tiền thu mua nguyên liệu
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hầu như các thương nhân đều đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động. Trong khi đó, thị trường thương mại lúa gạo trong những năm gần đây đầy biến động, thậm chí nguồn cung trong nước tại một số thời điểm bị mất cân đối và do đó, hạn mức tín dụng thấp làm cho tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng đáng kể.
Vốn tín dụng đang là vấn đề được nhiều DN xuất khẩu gạo quan tâm. |
Tại những thời điểm thu hoạch chính vụ (tháng 2, 3, 4, 7, 8, 10 hàng năm), công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhân XK gạo. Với đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc duy trì mức dự trữ lưu thông 5% theo quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP cũng gây áp lực khá lớn lên các thương nhân XK gạo.
Với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, từ quý III/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1-2,8% lên 3-3,3% và thậm chí đến 4,5% (DN thủy sản thường vay USD). Và hiện tại đều đang ở mức cao 4,2-4,9% trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất - XK.
“Điểm quan ngại nữa là việc “siết tín dụng", hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó. Việc này khiến DN khó khăn khi chi phí tài chính tăng cao, không chủ động được việc thu mua nguyên liệu (tôm, cá...) cho bà con nông-ngư dân trong giai đoạn hiện nay", ông Nam phản ánh.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Tổng Giám đốc CTCP gỗ Việt Âu Mỹ, đầu ra khó khăn, DN còn gặp thêm nhiều khó khăn vì dòng tiền tắc nghẽn, các ngân hàng giải ngân chậm, lãi suất cao. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có chính sách giảm lãi suất và khuyến khích cho vay với lãi suất thấp với những DN có hoạt động kinh doanh đang dần phục hồi.
Kiến nghị giảm thêm lãi suất cho vay
Đại diện VFA – Chủ tịch Nguyễn Ngọc Nam kiến nghị, Chính phủ và NHNN cần có cơ chế ưu đãi, chính sách đặc thù hỗ trợ về vốn cho các thương nhân kinh doanh XK gạo nhằm tạo điều kiện cho thương nhân có thêm nguồn lực tài chính để thu mua tạm trữ, góp phần ổn định giá lúa đầu ra cho bà con nông dân trong thời gian thu hoạch chính vụ, đồng thời góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh cho cộng đồng DN.
Trong đó, cần tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ, đồng thời tiếp tục hướng dẫn các thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp một cách hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ các thương nhân thu mua tạm trữ kịp thời, ổn định sản xuất.
“Tăng cường các chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm. Chính sách này có thể chỉ cần áp dụng trong những khoảng thời gian thu hoạch mùa vụ cao điểm và phải dựa trên kết quả thẩm định năng lực và lịch sử kinh doanh của từng DN một để có những chương trình tài trợ phù hợp cho từng đối tượng/nhóm đối tượng riêng", ông Nam đề xuất.
Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam kiến nghị NHNN xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho DN XK. Rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp để tránh việc người dân phải vay vốn lãi suất vô cùng cao từ bên ngoài do không tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng.
Đồng thời, các DN thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý I-II/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm XK của 6 tháng đầu năm để các DN có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho XK ở các quý tiếp theo trong năm 2023.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), vấn đề tiếp cận vốn của DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các DN nhỏ và vừa gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tài chính chính thức. Những khó khăn trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu thời gian vừa qua đã làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận vốn của các DN thông qua các kênh này. Trong khi đó, tiếp cận tín dụng của ngân hàng dù đã có những nỗ lực của Chính phủ, NHNN, song chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của DN.
Bà Minh dẫn dụ, việc triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh còn khá chậm so với nhu cầu. Nguyên nhân một phần do DN còn ngần ngại về việc thanh tra, kiểm tra sau khi nhận hỗ trợ lãi suất, và một phần do quy định điều kiện hỗ trợ là “có khả năng phục hồi" còn chưa rõ ràng.
Trong bối cảnh này, bà Minh cho rằng Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho DN. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực để tạo động lực cho người dân bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điểm quan trọng là các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho DN cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với DN cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Ông Nguyễn Hồng Diên Bộ trưởng Bộ Công Thương Bộ Công Thương mong muốn NHNN khẩn trương có giải pháp, chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh (nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm); ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nghiên cứu để có các chính sách về khoanh, giãn, hoãn và giảm nợ cho các DN, nhất là các DN sản xuất, XK để không chỉ cứu đơn hàng mà còn cứu cả thị trường. Ông Cao Tiến Đoan Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa DN luôn xác định “tiền là máu, nếu DN thiếu tiền ví như cơ thể thiếu máu". Điều này cũng đồng nghĩa với việc DN thiếu vốn sẽ kéo lùi sự tăng trưởng, thậm chí dẫn đến DN phải ngừng hoạt động. Vì vậy, Hiệp hội bày tỏ mong muốn, Chính phủ có những giải pháp giúp DN tiếp cận được nguồn vốn một cách nhanh chóng, vừa an toàn và hiệu quả trong thời gian tới. Ông Mạc Quốc Anh Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội Trong thực tế, DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn là kênh chính và quan trọng đối với khu vực DN này. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tình hình hoạt động và khả năng chi trả của DN. Từ đó, khuyến khích các TCTD liên kết, tạo nên một hệ thống dữ liệu về DN nhỏ và vừa, cũng như minh bạch các tiêu chí cần thiết về tiếp cận tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích đối với các TCTD thực hiện hiệu quả hỗ trợ tín dụng cho DN nhỏ và vừa. |
Lê Thúy
Nguồn: VNBusiness
Bài viết khác
- Nhà xây 600 triệu, vừa trả nợ xong thì đổ do mưa bão số 3
- Campuchia đứng đầu trong các nước cung cấp hạt điều cho Việt Nam
- Đình công tại bờ Đông Hoa Kỳ có thể làm gián đoạn vận tải toàn cầu
- VINACAS và các doanh nghiệp ngành điều tặng 170 triệu đồng vùng mưa lũ tại Yên Bái
- Giá hạt điều xuất khẩu liên tục tăng trở lại
- Không phải gạo, loại ’hạt vàng’ này của Việt Nam được gần 1/2 thế giới chốt đơn: Mỹ, Trung Quốc mạnh tay săn lùng, giá lên đỉnh từ đầu năm
- Xuất khẩu hạt điều kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng
- Thị trường nông sản Ấn Độ đang chờ doanh nghiệp Việt Nam
- Hiệp hội Điều Việt Nam nêu lý do chưa mua bán mạnh với Guinea-Bissau
- Mỹ chi hàng trăm triệu USD mua một loại hạt của Việt Nam, giá trung bình tới 5.566 USD/tấn
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |