Ngành điều Việt Nam cần hướng đi mới

  1. Ngày đăng: 08-11-2023 10:50:23
  2. Lượt xem: 1.237
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 1237 Lượt xem

(07/11/2023) Ngành điều Việt Nam cần hướng đi mới

Với sự phát triển công nghệ hiện nay, hạt điều Việt Nam đang bị cạnh tranh với các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguyên liệu điều thô như Bờ Biển Ngà.
nganh dieu viet nam can huong di moi
Người dân thu hoạch điều đầu vụ tại xã Đức Hạnh, Bù Gia Mập, Bình Phước. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Chế biến và xuất khẩu hạt điều Việt Nam là một trong những ngành hàng thuộc "câu lạc bộ xuất khẩu nông sản tỷ đô la". Đây cũng là ngành hàng chiếm lĩnh thị trường trên thế giới so với các quốc gia kinh doanh cùng loại.

Tuy nhiên, với sự phát triển công nghệ hiện nay, hạt điều Việt Nam đang bị cạnh tranh với các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguyên liệu điều thô như Bờ Biển Ngà.

Do đó, các chuyên gia ngành điều Việt Nam, cũng như Hiệp hội Điều Việt Nam đã phải đặt ra hướng đi mới cho ngành điều, là chú trọng chất lượng chế biến và đa dạng sản phẩm điều chế biến để tăng lợi thế cạnh tranh.
Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), đến thời điểm hiện tại, việc giữ được chất lượng sản phẩm hạt điều xuất khẩu là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều cũng như ngành điều Việt Nam, bởi nhiều lợi thế trước đây không còn nữa do áp lực cạnh tranh từ các nước châu Phi đang mỗi ngày một lớn hơn.

Hiện vấn đề chất lượng trở thành vấn đề lớn của ngành chế biến hạt điều Việt Nam khi vừa qua, Hiệp hội Điều Việt Nam nhận văn bản cảnh báo về chất lượng từ 2 hiệp hội ở Mỹ và châu Âu, cùng một số khách hàng lớn về việc chất lượng hạt điều Việt Nam đang có xu hướng đi xuống; trong đó, những chỉ tiêu bị cảnh báo là sâu mọt sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất lạ…

 Từ thủ phủ điều Việt Nam, tỉnh Bình Phước cũng ghi nhận sự sụt giảm chất lượng và khuyến cáo người trồng điều chú ý hơn đến các vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu xử lý, sơ chế.

Theo ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Lệ, qua thực tiễn người tiêu dùng đánh giá cũng như sự công nhận của thị trường thế giới, hạt điều Bình Phước có ưu thế vượt trội về chất lượng so với điều nhập khẩu và được đánh giá là ngon nhất thế giới. Hạt điều Bình Phước có đặc điểm chắc, mẩy, cuống hạt phình to, bề mặt vỏ cứng sáng, mịn, bóng; lắc hạt ít kêu hoặc không kêu; số lượng không lớn hơn 200 hạt/kg, khối lượng hạt từ 5 - 6g/hạt.

Riêng hạt điều rang muối Bình Phước có đặc điểm khi tách đôi nhân hạt đều thấy khe hở ở giữa nhỏ, không có muối đọng. Hàm lượng chất béo không nhỏ hơn 43%, hàm lượng carbohydrat lớn hơn 23%. Hàm lượng chất béo và hàm lượng carbohydrate cao lý giải cho đặc điểm hạt điều rang muối Bình Phước có vị ngọt, thơm, béo ngậy.

Để có nguồn nguyên liệu sạch, từ năm 2012, Công ty TNHH Mỹ Lệ đã liên kết với các hợp tác xã cùng nông dân trồng điều và bao tiêu sản phẩm. Ngoài việc hỗ trợ nông dân cây giống, công ty xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây điều hữu cơ và phát sổ nhật ký ghi chép cho nông dân để truy xuất nguồn hạt điều. Nhờ đó, đến nay doanh nghiệp đã có hàng trăm ha điều nguyên liệu đảm bảo các điều kiện khắt khe về chất lượng.

Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện nguồn nguyên liệu điều thô trong nước chỉ mới đáp ứng được 30% công suất sản xuất của các nhà máy chế biến điều Việt Nam. Số lượng còn lại vẫn phải nhập khẩu từ các quốc gia khác nên việc quản lý chất lượng hạt điều nguyên liệu phục vụ cho chế biến phải được thực hiện nghiêm ngặt, mới có thể giữ vững thị trường, cũng như giữ được giá trị và thương hiệu hạt điều Việt Nam.

Năm 2023, Hiệp hội Điều Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu hạt điều đạt 3,1 tỷ USD, tăng 20 triệu USD so với năm 2022. Thế nhưng, cũng chính vì cảnh báo về chất lượng này, ngành điều Việt Nam cần phải chuyển mạnh sang chế biến sâu với những sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu khác nhau của “người tiêu dùng cuối cùng".

"Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến điều cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, để có nguồn nguyên liệu chưa ổn định. Qua đó, giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh cho điều chế biến xuất khẩu của nước ta", ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ.

Theo thống kê Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành điều ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Hiệp hội Điều Việt Nam đánh giá, trong các thị trường nhập khẩu hạt điều Việt Nam thì thị trường Trung Quốc đã chi tiền gấp đôi để nhập khẩu hạt điều Việt Nam so với năm 2022. Điều này khiến cho thị trường Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu hạt điều Việt Nam lớn nhất trong các thị trường, với mức tăng trưởng 42,3%, với kim ngạch xuất khẩu hạt điều của nước ta sang thị trường này lên tới 433,8 triệu USD.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Điều Việt Namcũng đưa ra dự báo, trong 2 tháng cuối năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ nhích lên nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng phục vụ tiêu dùng các dịp lễ cuối năm. Với kết quả xuất khẩu tăng trưởng cao, gần như chắc chắn xuất khẩu điều cả năm sẽ vượt mục tiêu 3,1 tỷ USD đề ra từ đầu năm, dự báo có thể đạt 3,3 tỷ USD.

Trinh Hoàng Nhan/ TTXVN
Nguồn: B-News/ TTXVN

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin