Nâng tầm thương hiệu quốc gia
- Ngày đăng: 02-01-2022 09:18:05
- Lượt xem: 1.245
(01/1/2021) Nâng tầm thương hiệu quốc gia
Bất chấp dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng 33 trong danh sách top 100 thương hiệu mạnh thế giới, tăng khoảng 21,69% so với năm 2020, từ 319 tỉ USD lên tới 388 tỉ USD.

Xoài cát Việt Nam tại siêu thị Nhật Bản - Ảnh: TTXVN
Tại hội nghị quảng bá sản phẩm Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao lần 31 tháng 12-2021, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết trong nền kinh tế hiện đại, thương hiệu sản phẩm của quốc gia nào chiếm được thị trường quốc tế càng lớn thì thương hiệu quốc gia ngày càng nâng tầm. Do đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của Việt Nam là vấn đề rất quan trọng.
Gạo Việt như ST25 vừa qua đã tăng tỉ lệ tiêu thụ vì chúng ta đã tạo được tiếng vang, tạo thương hiệu, đi đâu người ta cũng biết gạo Việt. Do đó, câu chuyện quảng bá phải lên tầm quốc gia mới tốt được, khi sản phẩm nhiều người biết thì sức tiêu thụ, khả năng tiếp cận thị trường sẽ tăng lên.
TS Hoàng Xuân Bình
Nông dân cũng phải qua đào tạo
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại sứ Việt Nam tại Nhật Vũ Hồng Nam cho biết người Nhật rất thích hải sản và trái cây ở những nước nhiệt đới như Việt Nam, do đó nhu cầu mua nông sản Việt Nam ở Nhật rất lớn.
"Một số mặt hàng nông sản Việt Nam tiêu biểu được người Nhật yêu thích là cà phê, xoài và chuối, những thứ mà họ đã nhập ở nước khác nhưng về mặt chất lượng thì của Việt Nam ngon hơn. Điều và hạt tiêu của Việt Nam cũng rất được ưa chuộng ở Nhật. Còn hải sản có tôm, tôm nước lợ là những mặt hàng Nhật rất thiếu mà họ lại sử dụng rất nhiều trong các món ăn" - ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và trong các khuôn khổ thương mại này, hàng nông sản của ta luôn được ưu tiên, nên về mặt thuế quan không có cản trở gì. Cái chúng ta vướng nhất bây giờ là sự khác nhau về hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất nông sản.
Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng để thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản Việt Nam đi các nước, chúng ta phải đào tạo người nông dân, cũng như phải có trình độ phát triển nông nghiệp tăng cao, cao ở chỗ từ cây giống, công nghệ, chủng loại...
Ngoài ra, người nông dân phải tiếp cận những thông tin về yêu cầu của các thị trường nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam, để họ nỗ lực đạt được trình độ sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nông nghiệp, hóa học...
"Người nông dân Việt Nam không chỉ xuất khẩu những thứ vừa trồng, mà còn phải xử lý, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, thêm giá trị gia tăng vào để biến các mặt hàng nông sản thành thương hiệu của Việt Nam" - ông Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, tân đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung cho biết mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Israel khoảng 1,5 tỉ USD các mặt hàng, trong đó nông sản chiếm khoảng 100 triệu USD. Mặt hàng của Việt Nam chủ yếu là hạt tiêu, hạt điều, cà phê và một số mặt hàng thủy hải sản khác. "Đây là những mặt hàng mang tính hỗ trợ Israel và được người dân Israel rất ưa chuộng" - ông Trung nói với Tuổi Trẻ.
Theo đại sứ Trung, thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) theo tiêu chuẩn Halal (đáp ứng các tiêu chuẩn của đạo Hồi) là một thị trường rất lớn và đầy tiềm năng cho Việt Nam. "Việt Nam đã thành lập trung tâm về Halal. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tham gia sẽ giúp đỡ tư vấn cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất. Một khi các doanh nghiệp Việt Nam làm tốt, đáp ứng được các tiêu chuẩn của Halal thì hàng hóa Việt Nam sẽ gây ấn tượng tốt trong khu vực Trung Đông và châu Phi" - đại sứ Trung tự tin.
Câu chuyện bán hạt điều nguyên vỏ
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Nam - chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) - cho rằng để xuất khẩu thành công ở thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt phải hiểu thị trường và mang đến châu Âu những sản phẩm "thuần Việt", đừng sao chép của người khác.
Ông Nam kể với Tuổi Trẻ rằng trong số những doanh nghiệp bán hàng Việt Nam sang Pháp, ông ấn tượng với một doanh nghiệp chuyên bán nông sản (hạt điều) bởi họ đi theo một con đường riêng, một cách tiếp cận đặc biệt nên họ đã thành công.
Theo ông Nam, ở Pháp có đủ loại thương hiệu hạt điều của nhiều nước, nhưng doanh nghiệp Việt Nam bán được, thậm chí bán giá cao qua kênh bán hàng trực tuyến vì họ hiểu được thị trường. Thay vì bán điều bóc vỏ, doanh nghiệp này bán điều để nguyên vỏ kèm dụng cụ bóc vỏ. Đằng sau hạt điều còn nguyên vỏ này là một câu chuyện nhân văn khi doanh nghiệp kể về sự vất vả của những người phụ nữ bóc vỏ, do đó việc tự bóc vỏ là một hành động có ý nghĩa rất lớn, tôn trọng sức lao động con người. Nhiều người mua hàng vì câu chuyện, không đơn thuần chỉ là mua sản phẩm.
Ông Nam kể thêm doanh nghiệp này chia sẻ 5% doanh thu để phục vụ các hoạt động xã hội ở Việt Nam, điều này đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Không những thế, doanh nghiệp còn đóng gói, làm bao bì, thiết kế tại Pháp để phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của người Pháp.
"Hiểu thị trường là một điều hết sức quan trọng, trong đó các doanh nghiệp cần phải học hỏi, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, văn hóa và thị hiếu tiêu dùng" - ông Nam nhấn mạnh.
TS Hoàng Xuân Bình - chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan - cho biết chúng ta có nhiều cơ hội để xuất khẩu nhiều hơn nữa vào châu Âu, tận dụng lợi thế thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Theo ông Bình, hiện một số nông sản Việt Nam như chè, cà phê, hàng sấy khô, đông lạnh, pha chế nước uống... đang phát triển mạnh ở châu Âu, có những thương hiệu riêng, thương hiệu ngách không phụ thuộc vào quốc tế.
"Người châu Âu quan tâm thực phẩm liên quan đến sức khỏe, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe sau khi nhiễm COVID-19 nên nếu chúng ta làm tốt thì hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa. Do đó, khi có một khu công nghiệp nhỏ cho các nhà máy Việt Nam sang đây lắp ráp, pha chế, sản xuất đầu cuối, đóng gói thì chúng ta sẽ có một "Việt Nam ngay tại châu Âu", để người ta đến xem, tìm hiểu, đặt hàng, cấp chứng chỉ..." - ông Bình nói với Tuổi Trẻ.
QUỲNH TRUNG - NGỌC HIỂN
Nguồn: Báo Tuổi trẻBài viết khác
- Nếu Mỹ áp thuế 20%, xuất khẩu nông lâm thủy sản ảnh hưởng thế nào?
- Sáu tháng đầu năm: Ngành nông nghiệp trên đà phục hồi và tăng trưởng
- Tỉnh nào trồng điều - chăn nuôi - đô thị sân bay, cảng biển và “tham vọng” thành cái nôi xuất khẩu toàn cầu
- Xuất khẩu hạt điều Việt Nam: Thách thức thuế quan Mỹ và cơ hội từ giá điều thô giảm
- Lượng mua tăng đột biến, Trung Quốc vươn lên thành thị trường mua nhiều nhất một loại hạt cực bổ dưỡng của Việt Nam
- Việt Nam ký thỏa thuận nhập gần 3 tỷ USD nông sản Mỹ
- Người Trung Quốc thừa nhận ’ăn đứt’ hàng nội, ’sản vật trời ban’ của Việt Nam được săn lùng với giá đắt đỏ, xuất khẩu bỏ xa cả thế giới
- 7 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt tỷ USD trong 5 tháng đầu năm
- Nông sản Việt trước thách thức thuế đối ứng: Hạt điều còn nhiều dư địa ngoài thị trường Hoa Kỳ
- Việt Nam nhập khẩu hơn 1 triệu tấn hạt điều trong 4 tháng đầu năm 2025
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |