Góc nhìn: Thoát lừa trong gang tấc

  1. Ngày đăng: 10-03-2022 10:26:15
  2. Lượt xem: 1.824
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 1824 Lượt xem

(10/3/2022) Góc nhìn: Thoát lừa trong gang tấc

Nguy cơ một số hội viên Hiệp hội Điều Việt Nam có thể bị lừa mất trắng 100 containers điều nhân đang là hồi chuông cảnh báo cạm bẫy với nhiều doanh nghiệp "làm ăn trên biển lớn".

L.T.S: Từ một câu chuyện thật xảy ra năm 2015, Chủ tịch Phúc Sinh Group Phan Minh Thông đã viết lại trường hợp suýt bị lừa và cách "thoát lừa" của mình, nhằm chia sẻ thêm các kinh nghiệm làm ăn, kinh doanh trong môi trường hội nhập nhưng tồn tại nhiều khác biệt, đa dạng.
goc nhin  thoat lua trong gang tac
Kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2021 đạt kỷ lục 3,64 tỉ USD. Ảnh: Hạt điều xuất khẩu (nguồn: IT)

Kohn, Đức một ngày tháng Mười.

Buổi sáng, chúng tôi đến tham dự hội chợ Anuga. Sẵn sàng cho ngày tất bật, chúng tôi dậy sớm ra xe lửa và lên đường. Hôm nay là ngày đầu tiên của hội chợ, mọi thứ phải sẵn sàng, từ hàng hóa, catalogue, chuận bị nói như thế nào với khách và đặc biệt tinh thần lên cao để bắt đầu cho một ngày tiếp xúc khách. Sau một vài khách viếng thăm, chúng tôi đón một vị khách từ châu Âu, nhìn rất lịch sự với cặp táp màu đen, giống như người Đông Âu:

- Xin chào, ông có khỏe không?

- Tôi khỏe, anh thế nào?

- Tôi cũng khỏe và chúng tôi có thể giúp gì được anh?

Tôi xin được giới thiệu tên tôi là Mike Tyson. Công ty của chúng tôi tên là Varna và chúng tôi đến từ Bulgari. Tôi muốn quan tâm đến tiêu đen của Việt Nam. Hàng năm chúng tôi nhập một số lượng lớn và chúng tôi đi tìm các nhà cung cấp mà có thế cung cấp được một lượng tiêu lớn ổn định.

- Vậy hả, đấy là thế mạnh của chúng tôi! Chúng tôi đã vượt rất nhiều quãng đường để mang hạt tiêu đến đây triển lãm.

Và chúng tôi đã rất hào hứng giới thiệu cho vị khách đến từ Bulgari này về tiêu đen của Việt Nam. Sau khi xem xét mọi thứ từ các loại và quy cách của hạt tiêu, nhà máy đến giá cả, chúng tôi chia tay và hẹn khi kết thúc hội chợ sẽ liên lạc và làm ăn với nhau.

Cũng như mọi vị khách, chúng tôi lưu name card của anh này và ghi rõ nhu cầu của từng khách rồi tiếp tục làm những công việc của mình.

Anuga là một hội chợ về thực phẩm và đồ uống lớn nhất hành tinh. Một hội chợ có 8 khu lớn. Lớn đến nỗi bạn đi thăm 5 ngày cũng không đi hết hay nói cách khác, bạn luôn có cơ hội lạc đường khi ra khỏi gian hàng của bạn. Chúng tôi tiếp cả 100 khách một ngày, 5 người làm việc liên tục từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều và thậm chí còn không ăn trưa. Khách từ mọi miền khác nhau trên thế giới quan tâm đến gia vị và cà phê của Việt Nam. Cũng tại nơi đây, chúng tôi gặp gỡ các khách hàng cũ của mình hai năm một lần nếu họ không qua thăm tôi và tôi không bay qua nước họ.

Có nhiều vị khách, chúng tôi trao đổi với nhau nhiều thứ từ sức khỏe, kinh doanh buôn bán và nếu rất thân thiết thì cả về gia đình và con cái. Và có vài cuộc nói chuyện khi vị khách ra về với kết thúc:

- À chúng ta có lịch ăn tối. Tôi đã đặt chỗ ăn tối ở địa điểm gần sông ở Colonne, bên ông có 5 người phải không?

- Hẹn gặp lại tối nhé!

Hội chợ là nơi gặp gỡ khách hàng cũ và làm quen, xây dựng mối quan hệ khách hàng mới, và cứ thế hai năm một lần, Anuga là nơi mọi người hẹn nhau gặp gỡ buôn bán rồi chia tay.

Sau 5 ngày kết thúc hội chợ, chúng tôi bay về Việt Nam. Khi về đến Sài Gòn, chúng tôi liền bắt tay họp và phân công người phụ trách các khách hàng và bắt đầu tiếp cận từng khách một.

Tôi có một danh sách dày cần gửi email và chào hàng, một tuần làm việc liên tục với các khách hàng khi tôi hỏi thăm và giao dịch đều có trả lời. Cuối tuần có một vị khách mà tôi chưa giao dịch tới gửi cho tôi một email và một bản fax yêu cầu chào giá hạt tiêu với số lượng lớn. Họ muốn mua 50 container hạt tiêu. Wow! Sao lớn quá vậy? Đơn đặt hàng cũng ghi rõ chi tiết loại hàng, quy cách và đặc biệt hơn nữa họ yêu cầu giao ngay.

- Alô chào Mike Tyson. Tôi nhận được email và fax của ông hỏi về tiêu.

- Xin chào, ông là Thông đúng không? Ừ đúng, tôi cần mua tiêu.

- Đơn đặt hàng lớn quá vậy? Ông muốn mua những 50 container hạt tiêu cơ à? Mà khi nào cần giao vậy?

- Đúng chúng tôi cần lượng hàng lớn, và giao ngay.

- Ông đã mua tiêu ở Việt Nam chưa?

- Chưa, đây là lần đầu.

- Vậy hả? - Tôi đã rất ngạc nhiên. Đơn hàng có vẻ nóng hổi, mua 50 container mà một lần giao hàng. Đơn hàng quá lớn đối với ngành tiêu lại đòi giao ngay, sao mà có thể làm được! Hiện giờ là tháng mười một rồi. Vụ tiêu chính từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm. Chúng tôi kiểm tra và tìm hàng từ nhà cung cấp, đối tác và cuối cùng chúng tôi tìm ra 30 container hàng.

- Chào Mike, hiện giờ rất khó tìm ra lượng hạt tiêu với số lượng lớn, 30 container là nhiều nhất rồi.

- Oh, chúng tôi cần 50 container, ông cố gắng tìm được không? - Ông ta cố thuyết phục tôi.

- Thông, chúng tôi cần số lượng lớn này theo đơn hàng của Liên Hợp Quốc, ông cố tìm nhé!

Tôi thấy họ tha thiết nên cố tìm, hơn nữa chúng tôi là nhà kinh doanh xuất khẩu mà, phải bán để có tiền hoạt động trang trải kinh doanh chứ! Sau năm ngày liên tục tìm kiếm...

- Chào Mike, khỏe không? Tôi có tin vui đây, tôi tìm ra được 37 container, đây là số lượng nhiều nhất rồi không thể hơn nữa. Và giá 6,400/tấn cnf Var.

- Vậy hả Thông? Không tìm hơn được nữa sao? Sao giá mắc quá vậy?

- Giá này tốt rồi, hiện tại cước tàu cũng không rẻ đâu!

- Thôi lấy 6,200 USD/tấn đi.

- Không được đâu, giá tiêu bây giờ đắt lắm, giá cuối là 6,300 USD/tấn.

Sau một hồi trao đổi và đàm phán, khách hàng chấp nhận giá đó. Tuy nhiên đến khi đàm phán điều kiện thanh toán thì bắt đầu có nhiều vấn đề nảy sinh. Chúng tôi yêu cầu thanh toán 20% trước và phần còn lại thì fax chứng từ xuất khẩu cho họ, họ sẽ thanh toán cho chúng tôi. Nhưng họ không chịu, họ nói là CAD 100% tại ngân hàng họ, điều này quá rủi ro và chúng tôi, với lô hàng đến 3.263 triệu đô-la, gần 53 tỷ, không dễ gật đầu khi tôi chỉ gặp họ có một lần duy nhất ở hội chợ mà thôi. Trong trường hợp này, với kinh nghiệm của tôi hiện nay là sẽ bay đến gặp họ và nói chuyện, tuy nhiên thời điểm đó là năm 2007, tôi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và Công ty mới 5 tuổi.

- Xin chào Mike, đơn đặt hàng lớn quá! Chúng tôi cần thanh toán trước khi giao hàng.

- Chào Thông, chúng tôi ở châu Âu và toàn thanh toán nhờ thu qua ngân hàng 100% thôi.

- Không được Mike, nếu chúng tôi không nhận trước được ít nhất 10% thì chúng tôi không thể làm được. Xin lỗi nhưng tôi phải từ chối nếu không nhận được ít nhất 10% và phần còn lại thanh toán qua bộ chứng từ fax. Bây giờ gom hàng rất khó, mà có lượng tiền mặt lớn như vậy đâu có dễ, Mike. Tôi phải vay ngân hàng, mà ngân hàng xem hợp đồng không có điều khoản trả trước họ không cho vay đâu.

- Thông, để tôi đàm phán với ban lãnh đạo công ty Varna nhé.

Và hai ngày sau:

- Thông, chúng tôi đồng ý thanh toán trước 10%, gửi cho tôi chi tiết ngân hàng nhé, để chúng tôi thanh toán.

- Tốt, để tôi nói với văn phòng tôi gửi cho ông.

Tôi hỏi nhân viên bên Varna họ ký hợp đồng và khi được xác nhận đã ký, tôi hướng dẫn gửi cho họ chi tiết ngân hàng để họ chuyển tiền ứng trước.

Chúng tôi vô cùng vui mừng nhận được tiền ứng của họ và giờ là lúc chuẩn bị lô hàng khổng lồ này. Tiền họ đã ứng 10% và phần còn lại họ kiên quyết thanh toán nhờ thu qua ngân hàng của họ. Nhờ thu qua ngân hàng của họ không phải là ý kiến không hay: Nếu họ có tiền thanh toán thì ngân hàng sẽ giao bộ chứng từ còn không thanh toán thì ngân hàng vẫn giữ bộ chứng từ, đó là phương thức nhờ thu. Chúng tôi liên hệ đi liên hệ lại với ngân hàng hỏi xem mức độ an toàn của việc thanh toán, ngân hàng nói là nếu ngân hàng nhờ thu tốt thì khá an toàn. Chúng tôi yên tâm với bước đầu và bắt đầu thu mua 37 container hạt tiêu. Làm với nhà cung cấp nông dân, phải trả họ đầy đủ tiền trước mới có hàng.

Tuy nhiên khi đã đồng ý với phương thức thanh toán, chúng tôi nhận được cuộc gọi, với nội dung sau màn chào hỏi:

- Thông, chúng tôi muốn mua tiêu về Varna, Bulgari nhưng thanh toán lại về Thổ Nhĩ Kỳ.

- Sao vậy?

- Ừ khách của tôi có tiền tại Thổ Nhĩ Kỳ và muốn thanh toán tại đấy. Không sao đâu Thông, tôi mua các mặt hàng khác cũng như vậy mà. Cứ yên tâm đi.

- Để tôi kiểm tra xem nhé.

Chúng tôi liên hệ với ngân hàng và ngân hàng nói không sao cả, thanh toán ở đâu cũng vậy miễn ngân hàng thanh toán tốt.

Thế là chúng tôi đồng ý, hàng được mua theo điều kiện CIF đến Varna và ngân hàng nhờ thu và thanh toán ở Thổ Nhĩ Kỳ. Với ít kinh nghiệm, chúng tôi không để ý đến chi tiết này và thực sự điều này đẩy chúng tôi đối mặt với sự nguy hiểm rất lớn về sau.
goc nhin  thoat lua trong gang tac
Tác giả Phan Minh Thông (nguồn: IT)

Ngân hàng mà chúng tôi dùng dịch vụ là Vietcombank (VCB), họ đã cảnh báo chúng tôi rằng đây là giao dịch lớn và yêu cầu bên mua cung cấp tên ngân hàng, chúng tôi làm theo và tên ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ khá nổi tiếng, có thứ hạng cao, an toàn. Thế là chúng tôi xác nhận và làm hợp đồng mua bán. Bán 37 container tiêu đen với giá 6.300 USD/tấn, đây là hợp đồng lớn nhất với chúng tôi thời điểm đó. Lớn về số lượng và lớn về giao hàng một lần.

- Alô Thông, hàng giao chưa?

- Giao rồi Mike.

- Thế chứng từ xong chưa?

- Chúng tôi đang làm.

- Khi có số vận đơn gửi chứng từ nhớ báo cho tôi biết nhé.

- Được. Khi nào có số vận đơn, chúng tôi sẽ thông báo.

Vài ngày sau, điện thoại đổ chuông.

- Chào Thông, có số vận đơn chưa?

- Chưa có Mike ơi.

- Sao lâu quá vậy?

- Khi nào có, tôi sẽ gửi nhanh cho ông.

Và hôm sau lại như vậy. Khách hàng luôn hối thúc chúng tôi cho số vận đơn. Chúng tôi cảm thấy có điều gì khả nghi. Sao mà họ hỏi số vận đơn nhiều vậy? Có vấn đề gì không nhỉ? 37 container hàng có một bộ chứng từ, mất thì mất hết hàng luôn? Khách mà có bộ chứng từ trong tay, họ có thể lấy hàng. Mình phải cẩn thận, tôi tự nhủ.

Mike lại gọi và tôi chỉ nói được là ngân hàng đang kiểm tra chứng từ vì lô hàng lớn quá, để chúng tôi kiểm tra với ngân hàng, khi có số, chúng tôi sẽ thông báo.

Ngoài vấn đề về linh cảm, tôi có đọc ở đâu đó về sự lừa đảo nếu có số phát chuyển nhanh. Cho nên để chắc chắn, chúng tôi họp nhân viên lại và thông báo các bộ phận liên quan “các anh chị không được phép thông báo số vận đơn cho khách hàng" và chỉ có tôi được thông báo mà thôi.

Chúng tôi gửi chứng từ nhờ thu qua VCB và họ dùng dịch vụ DHL để gửi chứng từ tới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ.

Ba ngày sau, DHL thông báo: Bên ngân hàng nhờ thu Thổ Nhĩ Kỳ nói là họ không có khách nào tên là Varna và bộ chứng từ với giá trị quá lớn, họ không muốn xử lý.

- Mike, ngân hàng nói là họ không có khách hàng nào tên Varna.

- Vậy sao, chắc họ nhầm đấy. Để chúng tôi kiểm tra lại.

- Thông, bảo DHL quay lại đi, có người ở ngân hàng đợi đấy, và cho tôi số vận đơn đi Thông!

- Mike, ngân hàng cũng không cho tôi số vận đơn. - Tôi trả lời đại khái với Mike để tôi kiểm tra với ngân hàng bên tôi xem.

Tôi họp ngay Công ty và nhắc lại: Các anh chị không một ai đưa số vận đơn cho khách nhé! Tôi cảm thấy rủi ro và lo sợ nữa. Lô hàng quá lớn với chúng tôi, tôi nghĩ nhanh nếu mà có thể chia lô này làm 5 bộ thì hay biết mấy!

- Thông, có số vận đơn chưa?

- Chưa có Mike.

- Thôi được, đây là tên ngân hàng khác nhé.

- Được rồi Mike, tôi sẽ bảo ngân hàng bên tôi.

Chúng tôi nhờ VCB kiểm tra và thông báo ngân hàng này tốt. Thế là chúng tôi yêu cầu VCB gửi chứng từ đến ngân hàng này. Trong lúc đó, tôi liên tục nhận được email, fax và điện thoại gọi hỏi về số DHL. Chúng tôi chỉ trả lời rằng chúng tôi kiểm tra với ngân hàng và sẽ thông báo sau. Tuy nhiên trong lúc này, tôi linh cảm là khách hàng không đàng hoàng và hai ngày sau, VCB nhận được một điện từ ngân hàng mới của Thổ Nhĩ Kỳ, họ nhận được bộ chứng từ và họ thấy Varna không phải khách của họ cũng như họ cảm thấy có sự lừa đảo nên gửi trả lại bộ chứng từ. Chúng tôi nhận điện từ ngân hàng mà lòng vô cùng lo lắng.

Một ngày sau, chứng từ về tới Sài Gòn. Cầm trên tay bộ chứng từ mà tôi vẫn còn đầy cảm giác lo sợ xen lẫn vui mừng! Kinh doanh là thế. Hãng tàu thông báo tàu đã cập cảng Varna, Bulgari. Hàng sẽ được dỡ ra và xếp tại cảng Varna.

- Alô Thông hả? Mike đây. Nghe nói chứng từ đã về Việt Nam rồi hả? Tôi nghe ngân hàng nói là họ chuyển trả chứng từ về Việt Nam rồi.
Trong nháy mắt, tôi bình tĩnh lạ kỳ.

- Mike, để tôi xem nhé, rồi tôi trả lời. Nhưng mà sao cả hai ngân hàng đều nói là Varna không phải khách của họ?

Đầu kia một chút bối rối - Để tôi kiểm tra lại… rồi điện thoại vang lên tiến tút tút, không ai nghe máy nữa.

Khi nhận chứng từ, chúng tôi cảm nhận đây là vụ lừa đảo, thật hú hồn. Bước tiếp theo chúng tôi phải làm là chuyên chở 37 container này ra khỏi cảng Varna, Bulragi. Bạn biết đấy, công ty chúng tôi mới thành lập 5 năm. Đây là số tiền lớn và gần như tiền hàng là chúng tôi đi vay. Cũng năm 2007 xảy ra khủng hoảng toàn cầu và giá cả nhiều thứ trong ngành của tôi cũng như các ngành khác có giá giảm rất sâu. Bất động sản giảm rất nhiều và gần như rất ít người mua. Và sự việc này lại xảy ra cùng lúc với khủng hoảng làm mọi thứ cứ nháo nhào lên. Tôi nghĩ mình phải rất bình tĩnh.

Chuông điên thoại reo:

-Alô?

-Tôi là Mike Tyson, cho tôi gặp ông Thông!

-Tôi đây, ông muốn tôi giúp gì?

Các ông đã nhận lại chứng từ lô hàng rồi đúng không?

Chứng từ lô hàng à? Hôm nay là ngày nghỉ, khi nào hết nghỉ tôi sẽ kiểm tra ngân hàng và trả lời.

Ngày hôm sau:

-Alô, Ông đã nhận chứng từ chưa?

Hôm nay Việt Nam vẫn nghỉ lễ, tôi liên hệ với ông sau.

30 phút sau:

-Alô Thông hả, tôi kiểm tra rồi, hiện tại Việt Nam không có kỳ nghỉ lễ.

Và tiếp tục nhiều cuộc điện thoại nữa mà tôi biết là họ nhận thấy chúng tôi đã cầm bộ chứng từ gốc. Số tiền mà sau khi trừ đặt cọc cũng hơn 2,9 triệu đô-la và là số tiền lớn, sự khủng hoảng làm cho mọi người càng lo sợ hơn. Tôi nhìn thấy xung quanh có rất nhiều doanh nghiệp ra đời và tràn đầy niềm vui năm 2005, 2006, cho đến năm 2007 bắt đầu rất khó khăn và đỉnh điểm là năm 2008. Khủng hoảng đã càn quét và rất nhiều người đã mất hết tất cả những gì họ gầy dựng trong nhiều năm trời, có người phải vào bệnh viện vì không chịu nổi áp lực đó. Nhìn họ mất hết, tôi sợ hãi. Họ đau buồn, gầm rú, kiệt quệ và xơ xác!

Cùng năm đó, gần nhà một anh bạn của tôi có công ty môi giới bất động và hàng sáng chúng tôi thường trao đổi cùng nhau.

-Dạo này công việc của em thế nào? Còn anh chán quá, mất mát hết rồi em ơi! Bao nhiêu năm làm việc cày cuốc… Anh xơ xác, tan nát và trống rỗng!

-Em cũng đang dính vào một vụ khó, em đang cố bình tĩnh giải quyết! Em chỉ có hai việc, ngủ được và khi làm việc thật bình tĩnh sáng suốt xử lý công việc. Em có lô hàng lớn cần phải chở ra khỏi cảng Varna. - Và tôi kể cho anh nghe câu chuyện của mình.

Trời, thế em có ngủ được không? Ồ, em vẫn ngủ được, chỉ là dậy hơi sớm hơn một chút mà thôi.

Nghĩ lại tôi thấy anh nói đúng. Nếu tôi bị lừa thì sao? Thì sao à? Tôi chả còn gì, mất hết, bao nhiêu năm gầy dựng, nhà cửa bán hết mà khủng hoảng thì bất động sản được bao nhiêu cơ chứ!

Tôi cố không nghĩ chiều hướng xấu đó, cố suy nghĩ lạc quan hơn. Vì nghĩ quá thì chỉ mệt và không giải quyết được gì.

Ở văn phòng, chúng tôi tìm cách chuyển hàng về. Hãng ZIM Line chuyên chở cho chúng tôi thì nói, hàng đã dỡ để tại cảng Varna, phải có một công ty làm thủ tục trở về, mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Đúng là chúng ta liên tục học trong cuộc sống và chúng ta học từ sai lầm. Nhưng có sai lầm lớn quá sẽ dìm chúng ta chìm xuống, có thể kết thúc một công ty và kết thúc một con người luôn!

Trong lúc khó khăn, tôi nghĩ mình không được cuống và phải suy nghĩ tỉnh táo, vì các quyết định sai lầm có thể làm mất mát nhiều thứ. Các hàng tàu thì chỉ chuyên chở và không giỏi trong việc điều phối như các hãng logistics. Thay vì dùng hãng tàu, tôi quyết định dùng Logistics. Chúng tôi liên hệ với một hãng Logistics rất lớn của châu Âu lúc đó là Damco. Damco là Công ty Logistics do Maersk Đan Mạch lập ra để làm điều phối, phân phát hàng hóa khắp thế giới. Vậy chúng tôi đến gặp và nói chuyện với họ.

Trưởng đại diện là anh Samuel người Ấn Độ. Nghe chúng tôi trình bày, anh này rất hứng thú, vì đây là một công việc kinh doanh rất tốt của họ mà lại là nghiệp vụ chính của các hãng logistics.

- Thông, việc đầu tiên là hãy ủy quyền toàn bộ lô hàng cho chúng tôi.

- Trời Samuel, có nghĩa là trao lô hàng cho các anh? Hơn 2,9 triệu đô-la!

- Tất nhiên rồi, chúng tôi phải được quyền xử lý lô hàng đó. Tin chúng tôi đi, đấy là công việc của chúng tôi.

- Thế còn giá cả dịch vụ thì sao?

- Ồ, chúng tôi sẽ lấy giá hợp lý. Sau khi chúng ta họp xong, tôi sẽ đàm phán với văn phòng và chào cho các anh một giá rất hợp lý.

Chúng tôi ra về, lòng đầy băn khoăn. Trời, ủy quyền toàn bộ lô hàng lớn như vậy cho Damco thì có sao không? Nhỡ họ… Tuy nhiên, tôi nghĩ Damco là một hãng lớn và nếu không ủy quyền thì không lấy được hàng ra.
goc nhin  thoat lua trong gang tac
Lên hàng container xuất khẩu (nguồn: IT)

Một ngày sau, chúng tôi nhận được bản chào giá và sau đàm phán chút ít, chúng tôi làm mọi thủ tục cho Damco và hy vọng 5 ngày sau có tàu rời Varna đi Hamburg.

Hai ngày sau, tôi nhận được cú điện thoại của Samuel lúc 11 giờ đêm.

- Thông, Damco đang làm thủ tục hải quan thì bên người mua cũ của anh đi cùng với luật sư và họ đưa ra chứng cứ là ứng 10%, và họ muốn giữ hàng lại, chúng tôi đang giải quyết và sẽ liên lạc với ông sớm.

Tôi nghe tin mà tim như nhảy phắt ra khỏi lồng ngực lo cho lô hàng bị giữ lại. Tôi suy nghĩ gần như suốt cả đêm. Và chỉ mong trời sáng để chúng tôi liên lạc.

Hôm sau, tôi đến văn phòng kiểm tra kỹ lưỡng email và không nhận được bất cứ thông tin gì từ Damco.

9 giờ sáng:

- Hi Samuel, ông khỏe không?

- Alô Thông, lô hàng đã làm thủ tục hải quan, không vấn đề gì.

- Vậy hả, ôi trời, nhẹ hết cả người! Bao giờ tàu chạy?

- Ba hôm nữa.

Chúng tôi thấp thỏm chờ ba hôm nữa, khi có sự cố xảy ra, chẳng những bạn ít dành thời gian giải quyết việc khác vì toàn bộ thời gian bạn đợi chờ tình trạng chuyến hàng.

Ba hôm sau, chúng tôi liên lạc để xem chuyến hàng lên tàu như thế nào?

- Chào Samuel, hàng hóa sao rồi?

- Chào Thông, xin lỗi, tôi định thông báo cho ông, chuyến tàu đấy từ cảng khác nên không vào cảng Varna nhận hàng. Tôi xin lỗi nhưng không làm được gì cả!

- Trời ơi, sao vậy? - Tôi gần như mất hết tinh thần. - Thế bao giờ là chuyến sắp tới?

- Một tuần nữa Thông.

- Cái gì? Một tuần nữa? - Tôi định nói là tôi không thể chịu nổi và người mua cũ có thể làm mọi cách để giữ hàng lại nhưng tôi đã kịp thời im lặng không nói ra. Nếu họ giữ hàng lại được, có nghĩa tôi bị giữ gần 47 tỷ đồng, toàn bộ tiền vay ngân hàng, lúc này lãi suất tiền đồng Việt Nam là 18-22% năm. Càng nghĩ tôi càng sợ hãi và tuyệt vọng!

Một tuần trôi qua, cố gắng làm việc và không nghĩ gì nhiều. Mình phải cố gắng thôi, mình là quản lý mà, mình phải bình tĩnh và mọi người nhìn vào mình mà: nhân viên, đối tác, bạn hàng, ngân hàng. Mình không thể để họ thấy mình yếu ớt được! Không thể nào được! Đó là việc của giám đốc điều hành! Cuộc sống là như vậy đôi khi mình phải chấp nhận vô vàn khó khăn!

Tôi chịu đựng một tuần trong sự kiên nhẫn và cố tập trung buôn bán các lô hàng khác, điều hành công việc văn phòng và làm việc với các ngân hàng, nói chung cố làm mọi thứ để công việc bình thường.

Tuy nhiên càng đến gần một tuần, tôi khó ngủ vô cùng. Rồi cũng hết một tuần. Buổi sáng hôm sau khi ngủ dậy, mở email có một thư ngắn: “Chào Thông, lô hàng đã lên tàu, mọi chi tiết văn phòng tôi sẽ gửi cho các ông sau nhé". Một dòng không khí nhiều oxi và mát mẻ chạy qua lồng ngực tôi, kinh doanh là vậy đôi khi anh phải đối mặt với mọi thứ nguy hiểm và một cái quan trọng là anh có đủ thông minh, sáng suốt, can đảm giải quyết sự cố hay không mà thôi.

Tôi họp văn phòng thông báo sự việc và một mục tiêu tiếp theo là chúng tôi sẽ bán và chuyên chở 37 container này đi đâu và bán như thế nào? Việc tiếp theo sẽ được kể vào câu chuyện tới.
Với lợi thế nông nghiệp, Việt Nam luôn định hướng và thực tế đã nỗ lực thúc đẩy vị thế nhà xuất khẩu nông sản. Nhưng nếu chỉ dừng ở chỗ bán đi những gì đang có, liệu chúng ta đã khai thác được hết lợi thế của mình, đã tận dụng được hết những cơ hội từ hội nhập để đạt được vị trí xứng đáng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

* Tác phẩm đã in trong 2 ấn phẩm "Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh" và "Vượt lên, những con đường kinh doanh" của doanh nhân Phan Minh Thông. 

PHAN MINH THÔNG - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Phúc Sinh
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin