Giảm tác động trước các biến cố thị trường
- Ngày đăng: 07-05-2022 09:54:27
- Lượt xem: 917
(06/5/2022) Giảm tác động trước các biến cố thị trường
Việc liên kết sản xuất chuỗi gắn với vùng sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường cùng với việc xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn sẽ giúp giảm tác động mỗi khi có biến cố.
Thanh long đã đến kỳ thu hoạch tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Dịch COVID-19 khiến hàng hóa lưu thông khó khăn, nay thêm tác động của căng thẳng giữa Nga-Ukraine khiến việc cung ứng hàng hóa giữa các nước đã không còn bình thường như trước. Điều này cho thấy bên cạnh việc đảm bảo đủ nguồn lương thực, thực phẩm trong nước thì sự tự chủ trong chuỗi sản xuất, chế biến cũng cần được tính đến.
Việc liên kết sản xuất chuỗi gắn với vùng sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường cùng với việc xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn sẽ giúp giảm tác động mỗi khi có biến cố.
Hai tháng sau khi căng thẳng Nga-Ukaine diễn ra, hoạt động trao đổi thương mại nông sản toàn cầu bị đình trệ. Không chỉ lúa mỳ, đậu tương, phân bón… tăng chóng mặt, hoạt động giao dịch dầu ăn cũng rơi vào khủng hoảng. Ngay cả Indonesia – nước có ngành công nghiệp dầu cọ có khả năng dư thừa nguồn cung tới 60% đã cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô (CPO) và dầu ăn với thời hạn cấm không xác định từ ngày 28/4/2022.
Đảm bảo an ninh lương thực vững chắc giờ không chỉ gói gọn với sản lượng lúa gạo, rau quả, thịt cá… mà còn cần phải đảm bảo ổn định từ các yếu tố đầu vào cho sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm. Nông nghiệp Việt Nam cung cấp 43,86 triệu tấn lúa, rau đậu các loại 18,6 triệu tấn, thịt hơi các loại 6,69 triệu tấn, sữa tươi gần 1,2 triệu tấn, trứng trên 17,5 tỷ quả, sản lượng thủy sản đạt 8,73 triệu tấn… đảm bảo cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Nhưng nền nông nghiệp Việt Nam còn chịu nhiều rủi ro trước biến cố thị trường tác động từ đầu vào đến đầu ra trong sản xuất.
Nhìn vào ngành hàng hạt điều, Việt Nam đang là quốc gia có lượng xuất khẩu nhân hạt điều đứng đầu thế giới và cũng là quốc gia có ngành công nghiệp chế biến điều hàng đầu thế giới. Năm 2021 được đánh giá là một năm thành công đối với xuất khẩu hạt điều của Việt Nam với trị giá 3,64 tỷ USD. Sản phẩm được xuất khẩu đa dạng thị trường như: châu Âu, Mỹ, Trung Quốc…
Tuy nhiên, sản lượng hạt điều nguyên liệu sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng chưa tới 1/3 công suất chế biến của các nhà máy. Chính vì vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô từ các quốc gia sản xuất hạt điều là tất yếu.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, mục tiêu xuất khẩu điều đạt 3,8 tỷ USD năm nay với ngành điều Việt Nam cũng là áp lực vì nguồn nguyên liệu chế biến luôn phải nhập khẩu hơn 2/3 sản lượng phục vụ xuất khẩu.
Thậm chí, do lo ngại bất ổn chính trị thế giới, Hiệp hội Điều Việt Nam đã từng tính đến xin giảm chỉ tiêu xuất khẩu điều xuống 3,2 tỷ USD trong năm 2022.
Căng thẳng Nga-Ukraine đã làm gia tăng tình trạng tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu. Giá nông sản như lúa mì, ngô, đậu tương… đã tăng lên khoảng 30-50%; giá phân bón có loại cũng đã tăng gấp đôi trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt, kéo theo ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi và thủy sản; trong đó trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm khoảng 40%, số còn lại từ nguồn nhập khẩu. Riêng trong chăn nuôi, tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi, số còn lại là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.
Để giảm bớt căng thẳng về sự phụ thuộc nguồn thức ăn nhập khẩu, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, cần chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn chăn nuôi như ngô, sắn…. Nhưng việc tổ chức trồng ngô, sắn theo hình thức hợp tác xã; trong đó doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua sản phẩm của nông dân với giá ổn định. Đồng thời, phát triển sản xuất protein từ côn trùng như ruồi lính đen, giun trùn quế… để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu.
Không chỉ điều chỉnh về cơ cấu thành phần thức ăn, ông Tống Xuân Chinh cũng cho rằng, các địa phương cần từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm để tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu các loại. Tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ.
Cùng với giá nhiều nguyên vật liệu khác, giá phân bón cũng đã biến động tăng vọt, ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm qua. Giá phân bón đã tăng tới 50%, thậm chí có loại còn tăng hơn 2 lần như kali. Giá phân bón tăng cao đang đè nặng lên nông dân khi lợi nhuận giảm trông thấy.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, bên cạnh các giải pháp sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, nông dân cần đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ. Ngành và địa phương xây dựng các dự án, mô hình sản xuất phân bón tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, rác thải sinh hoạt ở quy mô công nghiệp và quy mô nông trại.
Trong khi việc nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước để “hạ nhiệt" giá các sản phẩm đầu vào cho sản xuất sẽ không phải có thể thực hiện ngay, nhưng với các giải pháp đồng bộ, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn sẽ giảm thiểu chất thải và tác động môi trường, nâng cao năng suất và rút ngắn chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông nghiệp tuần hoàn sẽ là chìa khóa để quản lý, sử dụng hiệu quả các tài nguyên nguyên liệu đầu vào nông nghiệp, khép kín vòng dinh dưỡng, tái tạo đất và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Nếu được thực hiện trên diện rộng, nông nghiệp tuần hoàn có thể giảm bớt nhu cầu về nguồn nguyên liệu và tác động sinh thái của ngành nông nghiệp./.
Nguồn: B-News/ Vietnam+/ TTXVN
Bài viết khác
- Câu hỏi lớn về tính bền vững
- Viện Tài nguyên di truyền Cây nhiệt đới Trung Quốc tìm hiểu về canh tác cây điều
- Đông Nam bộ: Giá điều cao, nông dân thu hàng trăm triệu đồng lợi nhuận
- Yên tâm với sản lượng điều thô Việt Nam và Campuchia
- “Điểm tựa” của người trồng điều
- Chủ tịch nước Lương Cường: Trồng cây bản địa, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu
- Triển vọng giống điều BP102
- Cần xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về cây điều đầu dòng
- VINACAS GÓP Ý DỰ THẢO TIÊU CHUẨN MỚI VỀ CÂY ĐIỀU ĐẦU DÒNG VÀ VƯỜN ĐIỀU ĐẦU DÒNG
- Bình Phước: Phát huy lợi thế phát triển cây công nghiệp chủ lực
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |