DN sản xuất xi măng sử dụng nhiên liệu ‘xanh’, hướng tới phát triển bền vững
- Ngày đăng: 31-12-2020 11:26:16
- Lượt xem: 1.286
(30/12/2020) DN sản xuất xi măng sử dụng nhiên liệu ‘xanh’ thay thế trong sản xuất xi măng và clinker, hướng tới phát triển bền vững
Không chỉ phát triển mạnh trong ngành sản xuất xi măng tại Việt Nam, Vicem Hà Tiên còn tiên phong đầu tư chuyển đổi công nghệ, sử dụng nhiên liệu 'xanh’ thay thế trong sản xuất xi măng và clinker, hướng tới phát triển bền vững.
Tích cực đổi mới công nghệ thân thiện môi trường
Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về sản xuất xi măng và cũng là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về mặt hàng này, với sản lượng dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Tuy nhiên việc sản xuất xi măng từng được nhắc đến với các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhằm chống biến đổi khí hậu, ngành xây dựng đang ưu tiên phát triển các công nghệ mới thân thiện môi trường, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn đang sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến trên thế giới vào sản xuất xi măng, trong đó có những doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên). Trong nhiều năm qua, Vicem Hà Tiên đã tập trung cải tiến dây chuyền sản xuất khép kín hiện đại bậc nhất Đông Nam Á để hạn chế tối đa tác hại vào môi trường. Công ty tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng nhiên liệu 'xanh’ thay thế trong sản xuất xi măng và clinker.
Từ năm 2013, thay vì dùng dầu HFO để sấy các nguyên liệu, Trạm nghiền Phú Hữu (TP.HCM) đã dùng củi trấu để thay thế. Công ty cũng đang sử dụng vải vụn, đế giày từ các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM để đưa vào lò nung tại Bình Phước nhằm thay thế một phần nguồn than.
Theo lãnh đạo công ty, tại “thủ phủ điều" Bình Phước, số lượng vỏ hạt điều thải ra môi trường rất lớn sau khi thu hoạch ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và nguồn nước. Từ 2015, Vicem Hà Tiên cũng đã nghiên cứu và đưa vỏ hạt điều vào sản xuất thay thế một phần nhiên liệu than trong nung luyện clinker tại nhà máy Bình Phước.
Với mục tiêu giảm tối đa việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất clinker và xi măng, công ty cũng đang tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ đi từ các ngành sản xuất, trong đó có việc sử dụng tro, xỉ lò cao trong sản xuất xi măng để góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng tro của các nhà máy nhiệt điện và xỉ đáy của các nhà máy sản xuất gang thép. Hiện Vicem Hà Tiên cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch dùng bùn thải từ các nhà máy nước và bùn nạo vét từ kênh rạch làm nguyên liệu sản xuất clinker.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Vicem Hà Tiên còn nghiên cứu việc đốt rác thải sinh hoạt trong hệ thống lò nung, dự kiến làm việc với đơn vị thu gom rác để phân loại rác, lấy những loại có nhiệt trị như bao ni lông, bìa carton, cao su đưa về đốt ở hệ thống lò tại Kiên Lương và Bình Phước.
Đại diện Vicem Hà Tiên chia sẻ: “Sứ mệnh chúng tôi hướng tới là không phát thải các khí thải có ảnh hưởng đến môi trường và tuần hoàn khí theo quy luật của tự nhiên, giảm tối đa việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất clinker và xi măng như đá vôi, đất sét, silic, quặng sắt và thay thế bằng các nguyên liệu lấy từ các chất thải của các ngành kinh tế khác, cùng các chất thải hàng ngày như rác thải, bùn thải, tro xỉ, phế thải vật liệu xây dựng… Việc thay thế nhiên liệu đốt từ than, dầu bằng việc đốt rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, các vật chất thải có khả năng sinh nhiệt mà con người đang thải ra hàng ngày sẽ góp phần làm sạch môi trường."
Theo đó những hoạt động này sẽ góp phần đẩy mạnh chương trình kinh tế tuần hoàn của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam - phát huy hiệu quả việc xử lý rác thải, bùn thải thay thế nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất với mục tiêu thay thế 25 - 30% nhiệt lượng; 40 - 50% sét trong giai đoạn tới.
Hướng tới phát triển bền vững
Thực tế, việc đầu tư công nghệ, thay thế vật liệu sản xuất không chỉ giúp công ty đáp ứng xu hướng sản xuất vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường mà còn gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
“Những năm gần đây, cạnh tranh trên thị trường xi măng khá gay gắt, giá các nguyên liệu đầu vào biến động khá nhiều nhưng giá thành sản phẩm của Vicem Hà Tiên vẫn giữ ổn định, năng lực cạnh tranh gia tăng. Nhờ việc thay thế này cho dù giá than, giá điện, giá nhân công tăng, làm chi phí sản xuất tăng nhưng công ty vẫn giữ, thậm chí hạ giá thành sản phẩm." - đại diện Vicem Hà Tiên chia sẻ.
Bằng việc chuyển đổi sang hướng sản xuất xanh, Vicem Hà Tiên đã mang đến một góc nhìn mới về ngành sản xuất vật liệu xây dựng - việc sản xuất xi măng có thể góp phần giải quyết vấn đề rác thải công nghiệp, phế thải của nhiều ngành sản xuất khác, giúp môi trường xanh sạch hơn.
Những đóng góp này của Vicem Hà Tiên đã được ban tổ chức chương trình Truyền thông Xây dựng và Phát triển nền Kinh tế Xanh Quốc gia 2020 vinh danh trong buổi lễ tổng kết ở hai hạng mục “Thương hiệu vì môi trường" và “Nhà máy xanh thân thiện" (tháng 7/2020). Chương trình nhằm tôn vinh, biểu dương, ghi nhận các đóng góp, cống hiến của doanh nghiệp đối với môi trường do Hiệp hội Thông tin, Tư vấn Kinh tế Thương mại Việt Nam thuộc Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan thực hiện.
Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực vì sự nghiệp bảo vệ môi trường của Vicem Hà Tiên. Trong giai đoạn sắp tới, Vicem Hà Tiên cam kết tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày càng xanh, sạch, đẹp và bền vững.
Ngọc Minh
Nguồn: Vietnam Net
Bài viết khác
- Tạo lập nhãn hiệu Hạt điều Đạ Huoai (Lâm Đồng)
- Phát huy chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước (Bài cuối)
- Phát huy chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước (Bài 2)
- Phát huy chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước (Bài 1)
- Đồng Nai: Doanh nghiệp xuất khẩu làm sản phẩm OCOP
- Doanh nghiệp giảm lợi thế cạnh tranh do quy định tăng cường vi chất vào thực phẩm
- 5 loại hạt ăn thường xuyên giúp phụ nữ trẻ lâu
- Tiềm năng xuất khẩu tín chỉ carbon từ lúa, dừa, điều
- Lý do hạt điều được coi là “thần dược” với phái đẹp
- Lạ miệng với điều tươi cuốn thịt luộc mắm cá trèn
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |