Điều mất mùa, nông dân Tây Nguyên gặp khó
- Ngày đăng: 01-07-2022 16:05:39
- Lượt xem: 796
(30/6/2022) Điều mất mùa, nông dân Tây Nguyên gặp khó
Chưa bao giờ nông dân trồng điều ở Tây Nguyên gặp khó như năm nay, khi cây điều mất mùa, rớt giá. Nếu như bình quân mọi năm, năng suất đạt hơn 1 tấn hạt điều tươi/ha thì niên vụ 2022 này giảm còn 3-4 tạ/ha.
Không những giảm năng suất, giá hạt điều cũng giảm hơn 5.000 đồng/kg. Niên vụ 2021, giá bình quân hạt điều tươi đạt 30.000 đồng/kg, đầu niên vụ 2022 giảm xuống mức 22.000-25.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá các loại vật tư, phân bón, công lao động đều tăng, khiến chi phí sản xuất tăng cao. Theo tính toán, do mất mùa, rớt giá, người trồng điều ở Tây Nguyên đang phải bù lỗ từ 20 đến 30 triệu đồng/ha. Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên đang sản xuất 83.900ha điều. Phần lớn diện tích điều được trồng trong khoảng thời gian hơn 20 năm trước và thuộc chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Do trồng phần lớn ở vùng đất cằn cỗi, thiếu nước, thiếu quy trình sản xuất phù hợp nên sản lượng hạt điều thu được ở các tỉnh Tây Nguyên thường thấp hơn các vùng khác.
Nông dân xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc) thất thu khi điều mất mùa. |
Theo phân tích của các nhà khoa học, cán bộ quản lý nông nghiệp và từ thực tiễn sản xuất của nông dân, sở dĩ năm nay điều ở Tây Nguyên mất mùa là do phần lớn diện tích điều đã bước sang giai đoạn già cỗi. Hơn nữa, vào thời điểm điều ra hoa (khoảng đầu năm âm lịch), thời tiết ở khu vực này thay đổi khác thường, có nhiều trận mưa trái mùa khiến một phần hoa bị rụng, số khác thì khô quắt lại không đậu quả được.
Phần lớn diện tích điều hiện có ở các tỉnh Tây Nguyên tập trung trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, khi cây điều mất mùa và rớt giá như năm nay, người trồng thua lỗ sẽ kéo theo những hệ lụy như đời sống của hàng trăm nghìn hộ nông dân ở Tây Nguyên gặp khó, thậm chí lâm cảnh nợ nần do vay mượn đầu tư cho vườn điều trước đó. Đứng trước thực trạng điều mất mùa, rớt giá, nhiều nông hộ ở Tây Nguyên đang tính đến việc cưa cắt vườn điều, chuyển sang cây trồng khác. Điệp khúc “trồng, chặt" từng xảy ra với các loại cây trồng chủ lực khác ở Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su... những năm trước đây, khi người sản xuất thua lỗ.
Hiện nay, cả nước đang sản xuất 300.000ha điều, trong đó hơn 280.000ha đã cho thu hoạch với sản lượng bình quân đạt 350.000 tấn hạt tươi/năm, năng suất trung bình 1,25 tấn hạt tươi/ha. Như vậy, khi cây điều ở các tỉnh Tây Nguyên mất mùa, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng điều chung của cả nước. Trong khi đó, hằng năm, nước ta đang phải nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn hạt điều thô cho các nhà máy chế biến điều nhân xuất khẩu. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với ngành trồng trọt, chính quyền địa phương, nông dân và Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) là cần làm gì để phát triển cây điều bền vững, từng bước hướng đến mục tiêu chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước cho các nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu hiện có; giữ vững vị thế của nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới.
Thiết nghĩ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương cần có đánh giá và định hướng phát triển bền vững ngành điều căn cứ vào quỹ đất, suất đầu tư, hiệu quả kinh tế, để có kế hoạch giữ vững hoặc mở rộng diện tích phù hợp. Đồng thời, cần đưa một số giống điều có triển vọng, cho năng suất và chất lượng cao đã được nghiên cứu và thử nghiệm như PL1, AB 05, AB 08, AB 29... vào thay thế dần diện tích vườn điều già cỗi. Đẩy mạnh thực hiện sự kết nối, đồng hành giữa doanh nghiệp chế biến điều với nông dân trồng điều và chính quyền địa phương trong việc hợp tác đầu tư, ưu đãi vay vốn, hỗ trợ về giống, hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm để người trồng có lãi, tránh tình trạng nông dân trồng điều "tự bơi" như lâu nay.
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH
Nguồn: Báo QĐND
Bài viết khác
- Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ vào Việt Nam
- Hệ lụy khi người nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng
- Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
- Ngành trồng trọt không nên chủ quan dù ‘được giá’
- Hàng ngàn héc-ta cây trồng chết mòn vì nắng hạn
- Mô hình kinh tế hữu cơ cà phê - điều cho thu nhập cao
- Nông nghiệp: lợi nhuận không ‘đồng hành’ với kim ngạch xuất khẩu
- Bình Phước rà soát vướng mắc, tạo đà tiến cho các chuỗi liên kết sản xuất
- Cây điều lớn nhất thế giới
- Nông nghiệp giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |