Đáp ứng EUDR để không lỡ cơ hội xuất khẩu vào EU
- Ngày đăng: 04-09-2024 10:22:46
- Lượt xem: 226
(03/9/2024) Đáp ứng EUDR để không lỡ cơ hội xuất khẩu vào EU
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU, Liên minh châu Âu (EU) đang đưa ra các hướng dẫn chi tiết liên quan đến thực thi Luật Chống phá rừng (EUDR). Luật sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 30/12/2024 và áp dụng từ ngày 30/6/2025 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kết quả khảo sát về nhu cầu đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thực hiện mới đây, cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp (DN) khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và một số tỉnh, thành khác nói riêng còn rất mơ hồ với các nội dung về EUDR và CBAM (Đạo luật Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon). Một số DN đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc tuân thủ EUDR và CBAM nhưng gặp khó khăn trong việc đáp ứng thực thi các yêu cầu liên quan, cho thấy nhu cầu cấp thiết cần được trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng các yêu cầu của EUDR và CBAM trong thời gian tới.
Quy định chống phá rừng của EU sẽ chính thức có hiệu lực ngày 31/12/2024, đồng nghĩa chỉ những sản phẩm không gây phá rừng và hợp pháp mới được nhập khẩu vào thị trường này. Trong khi đó, cơ chế CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 với giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/1/2024. Theo đó, nhà nhập khẩu có nghĩa vụ phải báo cáo sản lượng hàng hóa chịu tác động của cơ chế điều chỉnh carbon khi nhập hàng vào EU. CBAM có thể gây nhiều khó khăn cho các quốc gia có hàng hóa xuất khẩu (XK) đến thị trường EU, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt Nam - ASEAN, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TTM Việt Nam, CBAM sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ ngay lập tức đến 4 lĩnh vực mà DN Việt Nam đang XK là: Sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, sau đó, cộng với sự tác động từ EUDR, các lĩnh vực như nông sản, thủy sản, lâm sản, dệt may và các sản phẩm công nghiệp… cũng sẽ chịu sức ép từ việc đánh thuế carbon của châu Âu. Vì vậy, DN cần chủ động thích ứng để không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ thị trường Âu - Mỹ, Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc kiểm kê khí nhà kính không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là một phần quan trọng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của CBAM và EUDR. Do đó, các DN nên chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng hoặc các tổ chức, chuyên gia uy tín trong lĩnh vực mới này để đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi xanh một cách hiệu quả.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho hay, các quy tắc mới được áp dụng nếu đưa vào thị trường EU hoặc XK từ EU: Dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su cũng như các sản phẩm có nguồn gốc (như thịt bò, đồ nội thất hoặc sô-cô-la). Quy định áp dụng cho mọi số lượng sản phẩm dù lớn hay nhỏ. Việc thẩm định phải được thực hiện để đảm bảo các sản phẩm không bị phá rừng, đến từ vùng đất không bị phá rừng sau ngày 31/12/2020 và phải tuân thủ luật pháp của quốc gia nơi sản phẩm được sản xuất.
Doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào EU.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cũng nêu rõ các bước cần thực hiện. Đầu tiên là nguồn trồng, hàng hóa phải được sản xuất hợp pháp và không bị phá rừng; dữ liệu vị trí địa lý của khu vực sản xuất phải được thu thập.
Hàng hóa được sản xuất bất hợp pháp, trên đất bị phá rừng sau ngày 31/12/2020 hoặc không thể truy xuất nguồn gốc, không tuân thủ các quy định không thể đưa vào thị trường EU. Hàng hóa tuân thủ phải được bảo quản riêng biệt đối với những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đạt tiêu chuẩn. Tiếp theo về kinh doanh và vận chuyển, hàng hóa hợp pháp và không bị phá rừng phải được tách biệt khỏi các hàng hóa khác trong khi buôn bán và vận chuyển. Không được phép trộn lẫn hàng hóa đạt tiêu chuẩn với không đạt tiêu chuẩn hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong những trường hợp như vậy, toàn bộ lô hàng sẽ không tuân thủ và không thể được đưa vào thị trường EU.
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, châu Âu là thị trường nhập khẩu quan trọng các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng, bao gồm 50% cà phê và 60% ca cao của thế giới. Do đó, quy định không phá rừng nhằm giảm tác động của các sản phẩm do công dân EU mua đối với các khu rừng và diện tích rừng trên thế giới. Theo quy định được đề xuất của EU, các công ty điều hành có nghĩa vụ tiến hành thẩm định để đảm bảo những chỉ những sản phẩm không sản xuất trên đất phá rừng mới được phép vào thị trường EU.
Theo các chuyên gia, các chính sách xanh của EU đang đặt ra những thách thức mới cho DN XK Việt Nam, đó là việc nắm bắt và tuân thủ một hệ thống các quy định phức tạp và luôn thay đổi. Do không có một Bộ các tiêu chuẩn xanh chung, đồng thời, không có một lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa XK sang EU, các DN Việt Nam cần phải chủ động tìm hiểu, thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định cụ thể áp dụng cho từng loại sản phẩm, từ đó, có thể thích ứng kịp thời với những yêu cầu mới.
Đồng thời, để thâm nhập sâu rộng vào thị trường EU, các DN không chỉ phải đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn phải chứng minh được rằng, sản phẩm của họ thân thiện với môi trường và được sản xuất theo các quy trình bền vững. Điều này đòi hỏi DN phải đầu tư vào công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, việc đáp ứng các yêu cầu này cũng sẽ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và mở ra cơ hội tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng trên toàn cầu.
Lưu Hiệp
Nguồn: Công An Nhân Dân online
Bài viết khác
- Các tổ chức hội, quỹ cũng phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng tinh gọn bộ máy
- Tăng hạn điền: Tin vui cho người sử dụng đất nông nghiệp
- MFDS thông báo về kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm tại Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc
- Rà soát, cập nhật thông tin các cơ sở sản xuất thực phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc trên CIFER (Công văn số 2028/BVTV-ATTPMT của Cục Bảo vệ Thực vật)
- Chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ năm 2030
- Chế độ doanh nghiệp ưu tiên là sự hỗ trợ tuyệt vời đối với hoạt động XNK của doanh nghiệp
- Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án SPS theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
- Tranh chấp thương mại quốc tế doanh nghiệp nên thông qua hiệp hội và cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài
- Thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu từ kho ngoại quan mới nhất
- Cục Hải quan TP.HCM nói gì về việc tạm hoãn xuất cảnh để đòi nợ thuế?
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |