”Liều mình” với cây điều
- Ngày đăng: 02-09-2014 09:26:11
- Lượt xem: 1.346
(02/09/2014) Chúng tôi chạy theo con đường nhựa liên thôn uốn lượn qua nhiều cánh đồng lúa, cao su xanh ngút ngàn và dừng lại trước một quả đồi rộng xanh um cây điều.
"Liều mình" với cây điều
(02/09/2014) Chúng tôi chạy theo con đường nhựa liên thôn uốn lượn qua nhiều cánh đồng lúa, cao su xanh ngút ngàn và dừng lại trước một quả đồi rộng xanh um cây điều.
Đây là nơi ông Nguyễn Ngọc Khải, trưởng thôn 10, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng trồng 8 ha điều lãi cao…
Ông Khải quê ở xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Năm 1998, tình cờ có một người bà con ở Lâm Đồng về thăm quê rồi rủ vào chơi, đang lúc nông nhàn, ông đánh liều đi tham quan một chuyến.
Vào đây thấy khí hậu mát mẻ, đất đai còn rẻ (1 chỉ vàng có thể mua 2.000 - 3.000 m2), không chần chừ, ông về mượn tiền đặt cọc mua liền 3 ha đất rồi đưa gia đình vào lập nghiệp. Hồi đó khu vực này rừng núi hoang vu, dịch bệnh sốt rét hoành hành.
"Thấy gia đình tôi mới tới lập nghiệp, nhiều người cho là gàn dở, nói: “Người ta bán đổ bán tháo đất bỏ chạy, anh lại chui vào làm gì?". Lúc đầu nghe cũng sợ, nhưng về quê thì xấu hổ, công ăn việc làm cũng nan giải. Vậy là tôi liều đánh bạc với số phận", ông Khải tâm sự.
Hai vợ chồng ông ngày đêm nai lưng ra làm vườn, cải tạo đất trồng ngô và mía. Do địa hình đặc trưng của xã Đạ Kho nói riêng, huyện Đạ Tẻh nói chung có nhiều đồi núi, đất dốc, mỗi mùa mưa đất bị rửa trôi, bạc màu, chẳng trồng cây gì nổi.
Qua thời gian, ông Khải và mọi người mới phát hiện cây điều có khả năng chống chịu hạn tốt và phù hợp với địa hình khu vực này.
Năm 2001, ông Khải chuyển sang trồng thử 1,5 ha điều (giống điều hạt). Đến năm 2002, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đạ Tẻh mang giống điều cao sản PN1 về giới thiệu, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc cho bà con nông dân với phương thức hỗ trợ 100 % tiền cây giống.
Ông Khải quyết định trồng thêm 1,5 ha giống điều ghép. Mấy năm đầu điều có giá, làm ăn được, ông lại đầu tư mua đất trồng điều ghép và đến nay đã có trong tay 8 ha điều cho năng suất từ 2 - 3 tấn/ha.
Ông Khải bộc bạch: "Nếu so sánh cây điều hạt và cây điều cao sản (điều ghép) thì trồng điều cao sản hiệu quả và lợi hơn nhiều. Trồng điều hạt thì từ khi trồng tới thu bói là 3 năm. Trồng điều ghép chỉ 18 tháng, hạt điều ghép to hơn, bóng hơn, nếu chăm sóc tốt năng suất có thể đạt tới 3 tấn/ha/năm".
Nói về kinh nghiệm trồng điều tại nơi có địa hình đồi núi, đất dốc, ông Khải lưu ý bà con: "Mật độ trồng phải dày hơn trồng ở đất bằng, từ 5 - 8 m/cây. Ngoài kỹ thuật chăm sóc, bón phân cân đối đủ liều lượng, tỉa cành tạo tán, bà con cũng lưu ý hạn chế xịt thuốc cỏ nhằm hạn chế đất bị chai sạn và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bà con có thể trồng giống cỏ lá gừng để chống xói mòn, cải tạo đất. Khi cỏ lên cao khoảng 50 - 60 cm dùng máy cắt khoảng 10 cm, qua quá trình phân hủy sẽ tạo thành phân hữu cơ, nơi giun đất có điều kiện phát triển giúp đất tơi xốp, cây điều sẽ phát triển tốt".
Sau những năm đi xây dựng quê hương mới, tới nay gia đình ông Nguyễn Ngọc Khải đã sở hữu trong tay 8 ha điều, một năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. “Mừng nhất là con cái đã trưởng thành, đứa thì lập gia đình, đứa thì công việc ổn định tại TPHCM, bây giờ chỉ có hai vợ chồng “độc thân" ở nhà!", ông Khải khoe.
Những cố gắng nỗ lực của ông Khải đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi".
Theo Hội Nông dân xã Đạ Kho, toàn xã có 580 ha đất trồng điều, hầu hết đã đi vào thời kỳ kinh doanh. Cây điều chưa phải là cây chủ lực của địa phương, nếu so sánh cây điều ở huyện Đạ Tẻh với một số địa phương khác (như Bình Phước) thì năng suất có thấp hơn. Nhưng có thể nói trong thời gian qua, cây điều đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, trong đó không ít hộ đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất mới cao nguyên lộng gió.
Nhằm đánh giá, tôn vinh, quảng bá hình ảnh đất nước và ngành điều VN; giữ gìn và phát huy các giá trị điều VN; hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) 23/11/1990 - 23/11/2015, Vinacas phát động cuộc thi vẽ tranh, thi ảnh, thi viết về “Giá trị điều Việt Nam". Tổng giá trị giải thưởng lên tới hàng trăm triệu đồng, trong đó có 3 giải Nhất gồm cúp + 50 triệu đồng/giải (chi tiết xem trên www.vinacas.com.vn). Thời hạn gửi bài dự thi: Từ nay đến hết ngày 30/6/2015. Tổ chức xét chọn ngày 10/7/2015. Công bố và trao giải tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập VINACAS. Bài dự thi gửi về địa chỉ: Văn phòng Hiệp hội Điều Việt Nam - 135 Pasteur, phường 6, quận 3, TPHCM - Tel: 08.38242136 ; Fax: 08.38242138 - Email: hiephoidieuvietnam@gmail.com |
HIẾU NGHĨA
BÁO NNVN
Bài viết khác
- Bình Phước: Phát huy lợi thế phát triển cây công nghiệp chủ lực
- Một nông dân sáng chế máy nông nghiệp ở Bình Phước nhờ ”học lỏm” khiến cả làng phục sát đất
- Bốn loại cây công nghiệp nào vừa được UBND tỉnh Bình Phước đưa vào kế hoạch phát triển đến năm 2030?
- ’Sự lựa chọn cuối cùng’ của nhà nông
- Diện tích cây điều ở Bình Phước đang ngày càng thu hẹp (Video clip)
- Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ vào Việt Nam
- Hệ lụy khi người nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng
- Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
- Ngành trồng trọt không nên chủ quan dù ‘được giá’
- Hàng ngàn héc-ta cây trồng chết mòn vì nắng hạn
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |