”Lấy ngắn nuôi dài” - phương pháp giúp nông dân Bình Phước cải thiện thu nhập
- Ngày đăng: 22-07-2022 08:57:19
- Lượt xem: 819
(21/7/2022) ”Lấy ngắn nuôi dài” - phương pháp giúp nông dân Bình Phước cải thiện thu nhập
Trong những năm qua, nhiều nông hộ hoặc người nghèo ở Bình Phước đã tận dụng đất vườn cao su và vườn điều trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để "lấy ngắn nuôi dài" trồng loại cây dược liệu, lúa, ngô, mì, khoai…, mang lại hiệu quả kinh tế.Gia đình ông Điểu Dũng ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập sau khi thanh lý gần 1,5 ha vườn cao su, trong năm 2022 đã cải tạo đất chuẩn bị trồng cây điều và cao su. Để cây điều và cây cao su cho thu hoạch, gia đình phải chờ thời gian từ 3 đến 6 năm. Chính vì vậy, tại mảnh vườn vừa thanh lý cây cao su, gia đình ông đã quyết định trồng lúa.
Ông Điểu Dũng cho biết: "Để tránh lãng phí đất sau khi thanh lý cây cao su, trong thời gian chờ đợi vườn cây có thu hoạch, gia đình tôi trồng xen cây lúa trong vườn điều để có thu nhập thêm. Năm tiếp theo, nếu có cây nào ngắn ngày phù hợp, gia đình sẽ tiếp tục trồng thêm để có nguồn thu trong thời gian chờ cây điều, cao su thu hoạch".
Vườn cao su, điều chưa đến thời gian thu hoạch, người dân tận dụng trồng xen các loại cây dược liệu, cây ngắn ngày. Ảnh: K GỬIH-TTXVN
Hợp tác xã nông nghiệp Quả điều đỏ (xã Long Hưng, huyện Phú Riềng) trồng dược liệu là Sâm đại hành và Nghệ bọ cạp với tổng diện tích khoảng 70ha. Toàn bộ diện tích này được các thành viên của Hợp tác xã trồng xen trong vườn cao su mới trồng đang còn nhỏ của nông trường cao su trên địa bàn xã. Đây là các loại giống cây trồng mới, được đánh giá là nguồn thu nhập thêm "lấy ngắn nuôi dài". Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quả điều đỏ Nguyễn Văn Lưu cho biết: "Qua tìm hiểu nguồn dược liệu, chúng tôi chọn Sâm đại hành và Nghệ bọ cạp để tân dụng trong đất đai dư thừa, tránh lãng phí, tạo nguồn thu lớn cho xã viên".
Chi phí đầu tư cho mỗi héc ta vào khoảng 60 triệu đồng. Đối với Sâm đại hành, thời gian thu hoạch khoảng 12 tháng, còn Nghệ bọ cạp từ 12 đến 18 tháng, năng suất có thể đạt từ 15 đến 18 tấn/ha. Giá thu mua khoảng 17.000 đồng/kg đối với Sâm đại hành và 50.000/kg với cây Nghệ bọ cạp. Với giá mua từ công ty, sau khi trừ chi phí có thể mang lại lợi nhuận cho người nông dân khoảng 100 triệu đồng/ha.
Vườn cao su, điều chưa đến thời gian thu hoạch, người dân tận dụng trồng xen các loại cây dược liệu, cây ngắn ngày. Ảnh: K GỬIH-TTXVN
Ông Bùi Duy Bạch, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Quả điều đỏ chia sẻ: Quá trình chuyển đổi giống cây điều cũ cũng như cây cao su cũ của gia đình, ông nhận thấy quá trình trồng có thời gian chờ đợi rất lâu. Nhận thấy đất trống và lãng phí, ông quyết định tìm các loại cây xen canh, để nâng cao thời gian, nâng cao hiệu quả kinh tế, chờ "lấy ngắn nuôi dài".
Qua tìm hiểu, ông được mọi người trong hợp tác xã giới thiệu cây dược liệu Sâm đại hành và Nghệ bọ cạp để trồng xen, từ đó đem lại thêm thu nhập, tận dụng đất đai, tránh lãng phí. Đây là hai giống cây trồng mới và là vụ đầu tiên trồng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Hướng đi mới này đã tạo nên triển vọng, tăng nguồn thu và tạo thêm việc làm ổn định cho các xã viên.
Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quả điều đỏ Nguyễn Văn Lưu, để trồng cây Sâm đại hành với Nghệ bọ cạp cần vốn đầu tư ban đầu khá cao. Tuy nhiên, sản phẩm đầu ra theo đánh giá của các nhà đầu tư và nhà hoạch định vẫn có mức lợi nhuận nhất định.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã nông nghiệp Quả điều đỏ cũng đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty dược phẩm ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk. Qua đây, có thể khẳng định giá trị kinh tế và triển vọng của hai loại cây dược liệu mới này. Kế hoạch của Hợp tác xã nông nghiệp Quả điều đỏ là trong mùa vụ tiếp theo sẽ hỗ trợ các hộ nông dân trên địa bàn xã nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích.
Thời gian qua, những mô hình trồng xen "lấy ngắn nuôi dài" tại nhiều địa phương ở Bình Phước đã cho thấy hiệu quả tích cực khi tận dụng được diện tích đất của các vườn kiến thiết cơ bản để cải thiện kinh tế khi các cây trồng chính chưa thu hoạch. Việc chăm sóc các loại cây ngắn ngày này không làm ảnh hưởng nhiều đến việc trồng và chăm sóc cây cao su, cây điều; ngược lại còn có tác dụng giữ đất tránh xói mòn, giảm bớt nhân công làm cỏ cho vườn cao su, điều; góp phần giải quyết việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động khó khăn, hộ dân tộc thiểu số.
Nguồn: Báo ảnh Dân tộc & Miền Núi
Bài viết khác
- Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ vào Việt Nam
- Hệ lụy khi người nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng
- Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
- Ngành trồng trọt không nên chủ quan dù ‘được giá’
- Hàng ngàn héc-ta cây trồng chết mòn vì nắng hạn
- Mô hình kinh tế hữu cơ cà phê - điều cho thu nhập cao
- Nông nghiệp: lợi nhuận không ‘đồng hành’ với kim ngạch xuất khẩu
- Bình Phước rà soát vướng mắc, tạo đà tiến cho các chuỗi liên kết sản xuất
- Cây điều lớn nhất thế giới
- Nông nghiệp giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |