Bình Phước: Xây dựng “thủ phủ” điều
- Ngày đăng: 28-11-2021 17:00:59
- Lượt xem: 981
(26/11/2021) Bình Phước: Xây dựng “thủ phủ” điều
Chiếm gần 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều của cả nước, Bình Phước được xem là “thủ phủ" của cây điều Việt Nam.
Ngoài số lượng lớn diện tích và sản lượng, điều Bình Phước còn được đánh giá có chất lượng cao.
Phân loại hạt điều tại Bình Phước
Tỉnh Bình Phước xây dựng ngành điều phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển ngành điều Bình Phước có thương hiệu, uy tín.
Chất lượng vượt trội
Điều là cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Phước có diện tích 139.868 ha, chiếm 32,5% trên tổng diện tích cây lâu năm và chiếm 30,57% so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của tỉnh đạt sản lượng 165,42 nghìn tấn tăng 27,25% so với cùng kỳ, trị giá xuất khẩu đạt 974,26 triệu USD tăng 7,77% so với cùng kỳ và chiếm 34,32% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.
Với diện tích 139.868 ha cho sản lượng gần 199.474 tấn, việc canh tác cây điều đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động. Bình Phước hiện có tại 1.416 cơ sở chế biến hạt điều. Sản phẩm nhân hạt điều và các sản phẩm chế biến sâu từ nhân hạt điều tại Bình Phước đã được xuất khẩu đến hơn 25 quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ và Châu Âu. Sản phẩm điều Bình Phước nổi tiếng nhờ chất lượng cao, thơm ngon, có tính đặc trưng cao so với hạt điều từ các vùng miền khác.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Phước do được quan tâm, đầu tư, nên năng suất, sản lượng cây điều giai 2017-2021 tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2017 năng suất đạt 7,29 tạ/ha, sản lượng 95.799 tấn; đến năm 2020, năng suất đạt 13,9 tạ/ha, sản lượng 188.881 tấn. Dự kiến, năm 2021, năng suất trồng điều đạt 14,48 tạ/ha, sản lượng 199.474 tấn. Bình Phước có 4 vùng sản xuất điều chủ yếu gồm: Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập và Phú Riềng với diện tích 123.249 ha chiếm 88% diện tích của tỉnh.
Cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp điều xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành mạng lưới thu mua ổn định, trực tiếp đến tổ chức của nông dân, tỉnh cũng đã xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 30 hợp tác xã, 46 tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất.
Nhiều cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Phước" cho sản phẩm hạt điều như: Công ty Cổ phần SX TM XNK Sơn Thành, Công ty Cổ phần Hà Mỵ, Công ty Mỹ Lệ TNHH, Công ty TNHH MTV Hoàng Phú, Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Phúc Thịnh, Công ty TNHH Vinahe, Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Đức Tài và Công ty CP Tập đoàn Gia Bảo. Bên cạnh đó, đã có 23 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3,4 sao.
Nâng cao giá trị gia tăng
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Phước cho biết, với mục tiêu xây dựng ngành điều theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, có thương hiệu, Bình Phước đang thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp.
Ông Bình khẳng định, để phát triển vùng nguyên liệu, trên cơ sở rà soát lại bản đồ quy hoạch tổng thể ngành điều được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1359/QĐ-UBND ngày 01/07/2020, Bình Phước sẽ số hóa bản đồ chuyên canh cây điều của tỉnh đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tỉnh cũng đang rà soát, đánh giá lại năng suất của từng loại giống, khuyến cáo giống năng suất cao phù hợp địa phương.
Bình Phước cũng thúc đẩy hình thành các hình thức hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ; tuyên truyền phổ biến các mô hình liên kết hợp tác hiệu quả, bền vững trong giai đoạn 2020 - 2025 phấn đấu có ít nhất 50% diện tích điều được sản xuất theo quy trình được chứng nhận. Mỗi huyện có vùng chuyên canh điều phải xây dựng ít nhất 1 mô hình liên kết chuỗi giá trị.
Đặc biệt, tỉnh Bình Phước cũng xây dựng 10 vùng sản xuất điều với quy mô tối thiểu 300ha/vùng; hình thành 4 vùng chuyên canh lớn và 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ nhằm tập trung thâm canh và phát huy tối đa chỉ dẫn địa lý.
Khuyến khích doanh nghiệp liên kết thu mua theo vùng nguyên liệu phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán và mua bán qua nhiều khâu trung gian ảnh hưởng đến chất lượng, giá cả của nông sản điều.
Trong lĩnh vực chế biến, tỉnh sẽ sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến điều theo hướng quy mô lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại, sản phẩm có chất lượng đủ sức cạnh trạnh trên thị trường thế giới. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, kiểm tra đánh giá về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến nhân hạt điều.
Cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong quá trình khảo sát thị trường, học hỏi kinh nghiệm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tinh cũng khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng các chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP… mang lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy ngành điều Bình Phước phát triển.
Phương AnhNguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp
Bài viết khác
- Cần xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về cây điều đầu dòng
- VINACAS GÓP Ý DỰ THẢO TIÊU CHUẨN MỚI VỀ CÂY ĐIỀU ĐẦU DÒNG VÀ VƯỜN ĐIỀU ĐẦU DÒNG
- Bình Phước: Phát huy lợi thế phát triển cây công nghiệp chủ lực
- Một nông dân sáng chế máy nông nghiệp ở Bình Phước nhờ ”học lỏm” khiến cả làng phục sát đất
- Bốn loại cây công nghiệp nào vừa được UBND tỉnh Bình Phước đưa vào kế hoạch phát triển đến năm 2030?
- ’Sự lựa chọn cuối cùng’ của nhà nông
- Diện tích cây điều ở Bình Phước đang ngày càng thu hẹp (Video clip)
- Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ vào Việt Nam
- Hệ lụy khi người nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng
- Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |