Xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm tăng nhẹ

  1. Ngày đăng: 09-03-2020 10:45:39
  2. Lượt xem: 1.089
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 1089 Lượt xem

(06/3/2020) Xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm tăng nhẹ

Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước ước tính đạt 74 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt trên 74 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Cán cân thương mại trong 2 tháng đầu năm 2020 thâm hụt 176 triệu USD. 

Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 năm 2020 ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 1 và tăng 34% so với cùng kỳ tháng 2/2019. Ước chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do trong tháng 2/2020, Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 11,41 tỷ USD, tăng 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,51 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể thấy, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 6%, cao hơn so với tăng trưởng 0,9% của khối doanh nghiệp FDI.

xuat nhap khau hai thang dau nam tang nhe
Nông, thủy sản chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19. Ảnh TTXVN.

Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt trên 3 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019. 

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, nhóm hàng nông, thủy sản chịu ảnh hưởng rất rõ rệt bởi đây là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam trong tháng 2/2020 đã giảm trên 15% so với tháng 1/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm, có 8/9 mặt hàng trong nhóm này có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả giảm trên 17%, thủy sản giảm gần 18%; hạt điều giảm trên 19%, cà phê giảm 9,8%, chè các loại giảm 19%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm trên 20%, hạt tiêu giảm 18,8%; cao su giảm 24,2%.

Đối với nhóm nhiên liệu và khoáng sản, so với tháng 1/2020, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng giảm mạnh 22,7%, đạt 337 triệu USD. Trong nhóm này, xuất khẩu dầu thô tăng 13,3% về lượng nhưng giảm 12,6% về kim ngạch so với tháng 1/2020. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu xăng dầu các loại cũng giảm mạnh 36,5% so với tháng 1/2019.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tháng 2 tăng 4% so với tháng 1/2020, đạt 16 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng tới 55,8% so với tháng 1/2020 do hãng Samsung đã xuất khẩu và bán ra thị trường bộ ba sản phẩm mới là Galaxy S20, S20+, S20 Ultra.

Tính chung 2 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 31,39 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ, chiếm 85,01% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong 2 tháng đầu năm 2019, cả nước có 7 mặt hàng đạt trị giá trên 1 tỷ USD, trong đó đều là các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chính trong nhóm hàng công nghiệp chế biến đều tăng so với cùng kỳ năm 2019. 

Về thị trường xuất khẩu, một tín hiệu mừng là Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,77 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là thị trường EU đạt 4,98 tỷ USD, giảm 7,7%, Trung Quốc đạt 4,84 tỷ USD, tăng 3,7%, Nhật Bản đạt 3,19 tỷ USD, tăng 8,9%. Một số thị trường khác lại giảm như thị trường ASEAN đạt 3,54 tỷ USD, giảm 9,2%, Hàn Quốc đạt 2,7 tỷ USD, giảm 6,5%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,45 tỷ USD, giảm 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 11 tỷ USD, tăng 3,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2 tăng 26%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng gần 30%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 24%.

Tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,75 tỷ USD, tăng 2,2%.

Về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt gần 10 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 7,99 tỷ USD, tăng 9%, thị trường ASEAN đạt 4,48 tỷ USD, giảm 9,6%, Nhật Bản đạt 2,78 tỷ USD, tăng 0,2%, thị trường EU đạt 2,14 tỷ USD, tăng 3,5%, Hoa Kỳ đạt 2,088 tỷ USD, tăng 13,6%.

Như vậy, 2 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại của Việt Nam ước tính nhập siêu 176 triệu USD.

Bộ Công Thương nhận định, dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Những tác động của COVID-19 không chỉ khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường khác. Nguyên nhân là hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam như may mặc, linh kiện điện tử được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới có thể đến từ Hiệp định EVFTA được ký kết và sớm có hiệu lực. Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD. EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020. 

Thu Trang
Nguồn: Báo Tin tức

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin