Xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc: bỏ dần tiểu ngạch, chuyển thành chính ngạch - Hết thời cõng hàng qua biên giới.

  1. Ngày đăng: 18-08-2020 09:23:46
  2. Lượt xem: 842
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 842 Lượt xem

(15/8/2020) Xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc: bỏ dần tiểu ngạch, chuyển thành chính ngạch - Hết thời cõng hàng qua biên giới.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện chiếm tới 28% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng nông sản của Việt Nam ra thế giới. Một khối lượng rất lớn hàng nông sản XK sang Trung Quốc là theo đường biên mậu, đi qua các cửa khẩu phụ ở tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh... Trong xu thế thương mại hiện đại kết nối toàn cầu, việc XK tiểu ngạch đã không còn phù hợp...

xuat khau hang hoa qua trung quoc  bo dan tieu ngach chuyen thanh chinh ngach   het thoi cong hang qua bien gioi

Dư địa của nông sản Việt Nam tại Trung Quốc còn rất lớn

Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) Việt Nam - Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 4,8 tỉ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 3,6 tỉ USD giảm 9% so với cùng kỳ 2019 (chiếm thị phần 20,5% tổng xuất khẩu NLTS của Việt Nam), nhập khẩu đạt 1,19 tỉ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2019.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) - cho biết, hiện nay, các quy định hiện nay của Trung Quốc về tăng cường quản lý hàng hóa NLTS NK là phù hợp với thông lệ quốc tế và được nhiều quốc gia áp dụng.

“Trung Quốc đã cấp phép xuất khẩu cho 9 mặt hàng rau quả và hiện 2 bên đang hoàn thiện thủ tục ký cấp phép cho mặt hàng thạch đen" - ông Nguyễn Quốc Toản nói.

Hiện tại, Bộ NNPTNT đã trao đổi với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với 8 loại hoa quả (thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít), tạo thuận lợi trong xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường này. Đồng thời, bộ cũng đang thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường theo thứ tự ưu tiên: Bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa.

Mới đây, tại Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) 2020, ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam - đánh giá: Nhiều mặt hàng của Việt Nam như vải, nhãn, thanh long, càphê, hạt điều, thủy sản… rất được ưa chuộng tại Trung Quốc.

“Do đó, hai bên cần phối hợp chặt chẽ với nhau và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, không chỉ bằng phương thức truyền thống mà còn theo hình thức trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại" - ông Hồ Tỏa Cẩm nhấn mạnh. 

Không nhanh chóng chuyển sang XK chính ngạch là “tự sát"

Theo cảnh báo của Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của các biện pháp “đóng cửa" phòng chống dịch COVID-19, sản lượng xuất khẩu nông sản, nhất là hoa quả của nước ta sang Trung Quốc suy giảm mạnh tới 1/3. Theo ông Đỗ Trường Giang - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, COVID-19 đã khiến trao đổi hàng hóa biên mậu qua Lào Cai ngưng trệ và các DN nhanh chóng nhận ra XK tiểu ngạch không còn phù hợp, cần phải nhanh chóng chuyển đổi để tồn tại và phát triển.

Ông Giang cho biết, để phù hợp với tình hình mới, hiện nay, một số loại trái cây của Việt Nam phía Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu, các DN tại Hà Khẩu (Trung Quốc) đã chuyển sang NK theo đường chính ngạch. Tỉnh Lào Cai cũng khuyến khích các DN XK hàng nông sản đi theo theo đường chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế. Tuy nhiên, với các quy định về kiểm dịch chặt chẽ, đồng thời phải tăng thêm khoản chi phí nộp thuế giá trị gia tăng hàng NK (từ phía Trung Quốc), nên nhiều DN vẫn chưa XK nông sản theo đường chính ngạch, dù được ưu tiên và khuyến khích.

Việc chuyển đổi sang XK chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc đang là vấn đề cấp bách bởi, hiện tại, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã tạm dừng thông quan tại cặp chợ Lũng Vài (Trung Quốc) - Cốc Nam (Lạng Sơn, Việt Nam) từ ngày 1.7.2020 bởi lo ngại tiềm ẩn rủi ro như lây lan dịch bệnh, buôn lậu, gian lận thương mại. Trung Quốc cũng siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường, nghiêm cấm nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới các loại nông sản chưa được mở cửa thị trường.

Cơ quan hải quan Nam Ninh, Trung Quốc cũng sẽ xây dựng kế hoạch ngừng cho phép nhập khẩu thạch đen, khoai lang để gia công tại chỗ.

Theo Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản, Trung Quốc đang ngày càng yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, nông dân sản xuất và DN XK nông sản cần phải quan tâm chế biến sâu, bảo quản tốt để đáp ứng. Hơn nữa, khi thị trường Trung Quốc bị trục trặc, khó tiếp cận, việc chế biến sâu nông sản sẽ giúp có đủ điều kiện và tiêu chuẩn chuyển hướng XK sang thị trường khác ngoài tiêu thụ trong nước. Tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cũng đã đề nghị phía Việt Nam đôn đốc các cơ quan chức năng chuyên ngành tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng nông, thủy sản XK và sớm trao đổi, ký kết Nghị định thư về kiểm dịch, mở cửa thị trường đối với các loại trái cây gồm thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít) của ta đã được Trung Quốc cho phép mở cửa thị trường theo diện “trao đổi thương mại truyền thống".

“Hiện có 9 mặt hàng trái cây của Việt Nam, gồm: Thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, mặt hàng măng cụt đang được xem cấp mã số các nhà vườn trồng và cơ sở đóng gói (chuyên gia Trung Quốc đã kiểm tra)" - ông Nguyễn Quốc Toản cho biết thêm.  

Bộ Công Thương cũng đặc biệt lưu ý rằng, trước đây khi Việt Nam và Trung Quốc chưa phải là thành viên của WTO, mọi hoạt động thương mại đều là trao đổi thương mại biên giới và chưa có quy phạm nhất định. Tuy nhiên, khi hai nước trở thành thành viên của WTO và tham gia vào Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), hoạt động thương mại giữa hai bên ngày càng đi vào chính thức hơn.

“Việc nhập khẩu qua đường cư dân biên giới dẫn đến việc kiểm soát chất lượng không được tốt. Rất nhiều mặt hàng chưa được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc nhưng vẫn được xuất khẩu tiểu ngạch. Dẫn tới tình trạng, có những DN Việt Nam sau nhiều năm trao đổi XK theo hình thức tiểu ngạch vẫn “không chịu lớn"  - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.

Mới đây (ngày 5.8), tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, ông Hồ Tỏa Cẩm đã đưa ra ý kiến hỗ trợ Việt Nam XK đặc sản nhãn và sản phẩm long nhãn. Theo Tham tán Thương mại Hồ Tỏa Cẩm, hai bên cần tăng cường kết nối trực tuyến, thậm chí tổ chức hội nghị trực tuyến để thúc đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm nhãn tươi cũng như long nhãn của Hưng Yên và Sơn La.

Phong Nguyễn
Nguồn: Báo Lao Động

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin