Phát triển bền vững ngành điều Bình Phước - Bài 2

  1. Ngày đăng: 30-08-2022 10:29:21
  2. Lượt xem: 745
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 745 Lượt xem

(30/8/2022) Phát triển bền vững ngành điều Bình Phước - Bài 2

Trốn thuế bằng nhiều hình thức, yếu kém về chuyên môn, thiếu về nhân lực, thiếu hiểu biết về thị trường và lĩnh vực kinh doanh xuất - nhập khẩu ngành điều, việc quản lý đối với hoạt động xuất - nhập khẩu chưa chặt chẽ… là những nguyên nhân chủ quan và khách quan của doanh nghiệp (DN), cơ quan chức năng dẫn đến một số sai phạm trong hoạt động kinh doanh ngành điều diễn ra nhiều năm nay. Đây là những “lỗ hổng" trong ngành kinh tế chủ lực đã được cơ quan chức năng của tỉnh sớm nhận ra và có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời, nhằm đưa ngành điều dần đi vào ổn định và phát triển bền vững hơn. 

> BÀI 1: ĐO LƯỜNG ĐÓNG GÓP CỦA NGÀNH ĐIỀU VÀ “NHẬN DIỆN" DOANH NGHIỆP

Bài 2:
KIÊN QUYẾT LOẠI BỎ NHỮNG "CON SÂU"
“Chạy trời không khỏi nắng…"

Trên thương trường có những DN làm ăn chân chính thì việc hiểu luật để làm đúng là điều rất đáng trân trọng. Nhờ hiểu đúng, làm đúng của nhiều DN đã giúp tạo ra những thương hiệu, uy tín cho một ngành, một địa phương hay một quốc gia. Tuy nhiên, cũng có những DN áp dụng quan điểm “hiểu luật để lách luật", đây là những "con sâu" đối với bất kỳ lĩnh vực ngành nghề nào cần được loại bỏ. Ở ngành điều cũng vậy, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có rất nhiều DN làm ăn chân chính góp phần tạo nên thương hiệu hạt điều Bình Phước luôn đứng số 1 thế giới trong khoảng 1 thập kỷ qua. Tuy nhiên, cũng có những DN vi phạm vì thiếu hiểu biết, đối với những DN này chưa để lại sai phạm đến mức phải loại khỏi thị trường, nhưng cũng có những DN vi phạm nghiêm trọng dù đã hiểu rõ luật, gây tổn thất đến ngân sách của tỉnh, ảnh hưởng thương hiệu hạt điều Bình Phước. 

Theo quy định hiện nay, hạt điều nhập khẩu theo loại hình kinh doanh từ ASEAN có thuế nhập khẩu 0%, trong khi nhập từ thị trường ngoài ASEAN có thuế 5%. Vì thế, có một số DN “mượn" đường Campuchia để trốn thuế nhập khẩu mặt hàng này. Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 1 đến tháng 7-2022, hạt điều thô Campuchia đã nhập về Việt Nam 670.000 tấn, trị giá kim ngạch hơn 1 triệu USD. Tuy giảm cả về lượng và kim ngạch so cùng kỳ năm 2021 nhưng hạt điều Campuchia vẫn chiếm khoảng 70% về lượng và kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước.

phat trien ben vung nganh dieu binh phuoc   bai 2

Doanh nghiệp đứng vững trên thị trường ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng tốt còn phải tuân thủ đúng chính sách, quy định của pháp luật. Trong ảnh: Công ty TNHH Hạt Điều Vàng (huyện Phú Riềng) đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chí của thị trường quốc tế

Trước sự lớn mạnh của ngành điều Bình Phước, kim ngạch xuất khẩu tăng dần theo từng năm so với mặt bằng chung của cả nước. Cụ thể, năm 2020 Bình Phước xuất khẩu đạt trên 923 triệu USD với 152 DN tham gia; năm 2021, xuất khẩu đạt 1.209 triệu USD với 154 DN tham gia; 6 tháng năm 2022, xuất khẩu đạt 428 triệu USD với 135 DN tham gia. Đối với lĩnh vực nhập khẩu, theo số liệu từ hệ thống thông quan tự động của ngành hải quan (VNCAS/VISC), từ năm 2018 đến nay, Bình Phước là một trong những tỉnh có kim ngạch xuất - nhập khẩu mặt hàng điều lớn trong khu vực Đông Nam Bộ với gần 200 DN tham gia xuất - nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu điều thô trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm từ 600 đến 1.300 triệu USD, tương đương từ khoảng 450 ngàn tấn đến 800 ngàn tấn mỗi năm. 

Với những con số ấn tượng này, ngành điều không chỉ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh hằng năm mà còn cho sự phát triển nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu này thì có những vụ việc vi phạm nghiêm trọng đã xảy ra. Điển hình, đầu năm 2020, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) khởi tố vụ án hình sự về tội “buôn lậu" xảy ra tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, liên quan đến Công ty TNHH MTV thương mại, dịch vụ, sản xuất Đại Tài ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Do công ty này nhập khẩu 35 container hạt điều thô theo loại hình nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, tổng trị giá hàng hóa hơn 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đã mở 5 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Chơn Thành (Cục Hải quan Bình Phước) để nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, tổng số hơn 920 tấn hạt điều chưa bóc vỏ của Công ty Kothari (Singapore), trị giá hơn 41,7 tỷ đồng và được miễn thuế nhập khẩu 5%, tương đương hơn 2,08 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhập khẩu, công ty không tổ chức sản xuất để xuất khẩu, chưa kê khai tờ khai hải quan để chuyển đổi loại hình nhập khẩu mà mang đi tiêu thụ nội địa toàn bộ số hạt điều nêu trên. Hành vi này vi phạm quy định của Bộ Tài chính, làm thất thu 2,08 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu của Nhà nước.

Cũng vi phạm trong nhập khẩu nguyên liệu điều thô, năm 2018, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản Thái Bình (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) bị Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án hình sự về tội “buôn lậu". Do từ ngày 8-9-2016 đến 15-1-2018, công ty mở 70 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Chơn Thành (Cục Hải quan Bình Phước) nhập khẩu hạt điều chưa bóc vỏ theo loại hình nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu - loại hình được miễn thuế, tổng trị giá hàng hóa hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế công ty không sản xuất xuất khẩu mà đưa ra thị trường nội địa tiêu thụ, trốn thuế số tiền hơn 21 tỷ đồng.

Phát hiện nhiều vi phạm qua kiểm tra sau thông quan

Trước thực trạng phát triển tự phát của ngành điều, Cục Hải quan tỉnh đã tiến hành khảo sát để có căn cứ siết “lỗ hổng" trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu ngành điều. Đồng thời hỗ trợ, can thiệp kịp thời, tạo điều kiện để các DN làm ăn chân chính có thị trường minh bạch - “một sân chơi lành mạnh" để phát triển bền vững. 

Trong 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Hải quan tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra thông quan tại hơn 40 DN trên địa bàn tỉnh. Qua tổng hợp các trường hợp đã được kiểm tra sau thông quan cho thấy, các DN chủ yếu mắc lỗi: Khai sai tên hàng hóa, xuất xứ, đơn vị tính, mã loại hình lô hàng xuất khẩu nhân hạt điều; khai sai số lượng và trị giá so với thực tế nhập khẩu của một số lô hàng nhập khẩu; cung cấp chứng từ, tài liệu không đúng với thực tế đề nghị của Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

phat trien ben vung nganh dieu binh phuoc   bai 2

Việc siết chặt thủ tục hải quan đối với mặt hàng điều tạo thị trường minh bạch công bằng cho các công ty hoạt động kinh doanh chân chính. Trong ảnh: Công ty Cổ phần tập đoàn Hanfimex Việt Nam ở Bình Phước hoạt động mạnh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu điều

Trong quá trình kiểm tra báo cáo quyết toán thuế và kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu tại DN, Cục Hải quan tỉnh đã phát hiện DN quản lý hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu chưa đúng quy định. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý đối với hoạt động nhập khẩu nguyên liệu hạt điều để sản xuất xuất khẩu, mở hồ sơ nghiệp vụ để quản lý từng DN trên địa bàn có làm thủ tục tại đơn vị.  

Ông Nguyễn Văn Lịch, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết thêm: Trong quá trình thu thập thông tin, nắm bắt tình hình và xử lý các hồ sơ vi phạm, Cục Hải quan tỉnh đã ban hành Công văn số 1002/HQBP-NV ngày 18-6-2021 cảnh báo vi phạm chính sách quản lý mặt hàng tới các ngân hàng trên địa bàn, khi tiến hành thu hồi vốn vay từ việc bán đấu giá tài sản đảm bảo là hạt điều thô chưa bóc vỏ nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu tại thị trường Việt Nam là vi phạm về quản lý chuyên ngành và hàng hóa này vẫn đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan. Đồng thời, thành lập tổ rà soát, xác minh tình hình sản xuất, kinh doanh của DN để phân loại mức độ rủi ro thực hiện kiểm tra sau thông quan. Lực lượng chống buôn lậu của toàn cục tăng cường nắm tình hình, lập hồ sơ điều tra, sưu tra, chuyên án và chủ động khởi tố các DN có dấu hiệu trốn buôn lậu, trốn thuế.

Thời gian qua, Cục Hải quan tỉnh đã khởi tố 3 vụ án liên quan đến nhập khẩu hạt điều. Đơn vị đã siết chặt kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, chế biến, DN hoạt động xuất - nhập khẩu điều để tạo sự công bằng trong kinh doanh đối với lĩnh vực này.

Ông NGUYỄN VĂN LỊCH,
Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Phước

Những năm trở lại đây, việc siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu điều trên địa bàn tỉnh được các cơ quan chức năng quan tâm. Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 13 vụ án lợi dụng "lỗ hổng" trong quản lý hải quan để tạm nhập hạt điều thô về sản xuất, xuất khẩu nhưng sau khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu thì mang đi tiêu thụ nội địa. Với số hàng hóa vi phạm khoảng 60.000 tấn điều thô, tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng, khiến số thuế nhập khẩu bị thất thu 100 tỷ đồng.

Những DN xuất phát với mục đích kinh doanh không minh bạch, công bằng đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, và quy luật của thị trường sẽ không có chỗ đứng cho các DN “xấu", những "con sâu làm rầu nồi canh".

Ngọc Bích
Nguồn: Báo Bình Phước 

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin