NGÀNH NÔNG NGHIỆP ĐẠT KIM NGẠCH XUẤT KHẨU KỶ LỤC 41,25 TỈ USD: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ kinh tế Việt Nam
- Ngày đăng: 30-12-2020 13:57:34
- Lượt xem: 684
(25/12/2020) NGÀNH NÔNG NGHIỆP ĐẠT KIM NGẠCH XUẤT KHẨU KỶ LỤC 41,25 TỈ USD: Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ kinh tế Việt Nam
Bất chấp một năm khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dịch bệnh trên vật nuôi cây trồng phức tạp, biến đổi khí hậu, năm 2020 ngành NNPTNT đã đạt kim ngạch xuất khẩu ấn tượng với 41,25 tỉ USD, tăng 1,6% so với năm 2019.
Nhiều chỉ tiêu bứt tốc bất chấp dịch COVID-19
Chiều 24.12, báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch 2021, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh:
Trong khó khăn, nông nghiệp (NN) tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế. Về trồng trọt, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả hơn. Đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là đối với cây trồng chủ lực. Tập trung cải tạo cơ cấu giống, kiểm soát, nâng tỉ lệ sử dụng các giống mới, chất lượng cao.
Sản lượng lúa năm 2020 đạt 42,7 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.
“Rau, đậu tăng cả về diện tích và sản lượng. Diện tích khoảng 1,16 triệu hecta (ha); sản lượng đạt 18,2 triệu tấn, tăng 458.000 tấn so với năm 2019. Diện tích cây ăn quả đạt 1,1 triệu ha, tăng 40.000 ha so với năm 2019" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Về chăn nuôi, chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỉ quả, tăng 6,6%.
Ngành hàng thủy sản phát triển bền vững cả nuôi trồng và khai thác, được cơ cấu lại. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2019; trong đó khai thác trên 3,84 triệu tấn tăng 3,2%, nuôi trồng trên 4,56 triệu tấn tăng 3,9%.
Về lâm nghiệp, công tác phát triển rừng tiếp tục được Bộ và các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng. Cả nước đã chuẩn bị được gần 850 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng; diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 220.000ha, đạt kế hoạch đề ra. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2020 thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.457,8 tỉ đồng.
Duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD
“Kim ngạch XK năm 2020 đạt khoảng 41,25 tỉ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo)" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2020, thành lập mới được 14 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.555 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 Liên hiệp HTX NN, 17.300 HTX NN; số HTX hoạt động hiệu quả 14.532 HTX; có 1.718 HTX NN ứng dụng công nghệ cao; thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp.
Năm 2020, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc; đến hết năm 2020 phân hạng và công nhận 3.200 sản phẩm OCOP.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Trên 62% số xã đạt chuẩn NTM; 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) và có 3 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) đã được công nhận hoàn thành và 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM...
Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ kinh tế của Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của ngành Nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là 1 năm thành công của ngành. Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ kinh tế để Việt Nam “thoát hiểm" trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Nông nghiệp đã thích ứng với đại dịch, đạt kết quả xuất khẩu ấn tượng: Gạo trên 3 tỉ USD, thủy sản đạt 8,6 tỉ USD; rau quả đạt 3,3 tỉ USD; hạt điều đạt 3,2 tỉ USD... Thặng dư thương mại đạt 10,3 tỉ USD, tăng 10,2% so với năm 2019.
Nông thôn mới vượt xa mục tiêu đề ra. Bộ mặt nông thôn thay đổi, không phải chỉ là hạ tầng, mà đời sống người dân nông thôn ngày càng đổi mới. Trong 1 năm lũ chồng lũ, bão chồng bão, cơ quan phòng chống thiên tai đã luôn chủ động ứng phó. “Từ ứng phó, công tác phòng chống thiên tai đã chuyển sang chủ động phòng ngừa"- Thủ tướng đánh giá, đồng thời nhấn mạnh: 2 năm liền hạn mặn mà còn khốc liệt hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, chúng ta đã chuyển đổi cơ cấu, nên hạn mặn khốc liệt hơn, nhưng thiệt hại lại được khống chế giảm thiểu. (Kh.Vũ)
Phong Nguyễn
Nguồn: Báo Lao Động
Bài viết khác
- 10 dấu ấn nổi bật của ngành Nông nghiệp - PTNT năm 2024
- VINACAS Chào Năm Mới 2025!
- Cà phê, điều cùng đạt những cột mốc mới về xuất khẩu
- Maersk: Tết Nguyên đán, tranh chấp lao động và tắc nghẽn cảng thách thức thị trường vận tải châu Âu năm 2025
- Xuất khẩu nông lâm thủy sản có nhiều cơ hội và dư địa tăng trưởng trong năm 2025
- Xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng hơn 50%
- [Infographic] Top 10 thị trường và doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân hàng đầu Việt Nam tháng 11/2024
- Xuất nhập khẩu Việt Nam bứt phá: 800 tỷ USD trong tầm tay!
- Mỹ liên tục chốt đơn sản vật đắt đỏ của Việt Nam: thống trị cả thế giới 2 thập kỷ, 90 quốc gia nhanh chân săn lùng
- Nhiều nông sản xuất khẩu về đích sớm
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |