Năm 2021: Tập trung tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại
- Ngày đăng: 21-01-2021 13:14:40
- Lượt xem: 626
(19/1/2021) Năm 2021: Tập trung tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại
Năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) đã “lội ngược dòng" mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu 41,25 tỉ USD. Năm 2021, mặc dù thách thức còn nhiều nhưng ngành NNPTNT quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao hơn năm trước.
Bộ NNPTNT khảo sát khu chuyên canh trồng cà rốt. Ảnh: Giang Nguyễn
Vượt “bão" COVID-19, “dồn tốc" xuất khẩu đạt 41,25 tỉ USD
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2020 ngành NNPTNT tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,65%, sản lượng lương thực thực phẩm đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và phục vụ xuất khẩu.
Nhờ tích cực mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại bằng các giải pháp linh hoạt, dù dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng có lúc gián đoạn nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 tiếp tục lập kỷ lục mới. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt 41,25 tỉ USD, tăng 2,5% so với năm 2019, con số cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2020, ngành NNPTNT tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD (lũy kế giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt 13,223 tỉ USD; tôm ước đạt 3,66 tỉ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỉ USD; hạt điều đạt 3,24 tỉ USD; gạo 3,07 tỉ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
“Mặc dù thiên tai khắc nghiệt nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đã hạn chế thiệt hại trong hoàn cảnh dị thường của thời tiết, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân của người dân đạt 43 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành chỉ tiêu đề ra, với 62% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 5 năm đề ra" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ, tăng giá trị sản phẩm
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để tiếp tục duy trì và khẳng định là “bệ đỡ" của nền kinh tế, năm 2021 ngành nông nghiệp phải quyết tâm cao để vượt qua những khó khăn và thách thức của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng như những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
Trong thời đại công nghiệp 4.0 - kỷ nguyên của công nghệ số, thời kỳ đổi mới sáng tạo, ngành NNPTNT tiếp tục tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp song song với đổi mới công tác quản trị trên nền tảng của công nghệ số, công nghệ 4.0 hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, nông dân chuyên nghiệp.
“Năm 2021 ngành xác định 2 nhóm chương trình lớn vẫn phải tiếp tục đó là tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung, khép kín chuỗi giá trị từ phát triển nguyên liệu cho đến tập trung chế biến, tổ chức thương mại phải hình thành được những chuỗi và trên cơ sở đồng bộ cả 3 nhóm sản phẩm chủ lực" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bên cạnh phát huy giá trị và lợi thế của nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia bao gồm 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu 1 tỉ USD trở lên, cùng với đó phải đồng bộ các nhóm nông sản có lợi thế và thế mạnh như: Nhãn lồng Hưng Yên, vải Thiều Bắc Giang, những nhóm nông sản này từng tỉnh có những lợi thế chúng ta phải tập trung. Bên cạnh đó, cần phát huy giá trị các sản phẩm đặc sản quy mô địa phương gọi là phong trào OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
“Như vậy, đồng hành cùng một lúc 3 trục sản phẩm này chúng ta đều phải tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng hàng hóa hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ 4.0 vào từng quy mô, từng khu vực, từng ngành hàng. Chương trình thứ hai phải tập trung là không ngừng đổi mới công tác quản trị trên nền tảng của công nghệ số, công nghệ 4.0 để có được những hình thức quản trị phù hợp nhất, đặc biệt là các hình thức tổ chức sản xuất của một nền nông nghiệp thông minh" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.
Với vai trò quản lý, Bộ NNPTNT sẽ tham mưu với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là thủ tục hành chính. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các địa phương tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư.
“Không chỉ với doanh nghiệp, cần hỗ trợ người nông dân đẩy nhanh hơn quá trình hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, bởi bản thân doanh nghiệp không thể “với tay" đến từng hộ gia đình mà phải thông qua chính các hợp tác xã kiểu mới này. Có như vậy, mới hình thành được trục sản xuất doanh nghiệp - hợp tác xã - người nông dân thành một thể thống nhất. Điều này hết sức phù hợp với Việt Nam, đó là đi lên từ những mảnh ruộng nhỏ nhưng vẫn có một nền sản xuất lớn, tập trung, quy mô hàng hóa, phù hợp với đặc thù từng ngành, từng khu vực. Trụ cột liên kết “doanh nghiệp - hợp tác xã - bà con nông dân" đó là chìa khóa tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, trong số “những mặt hàng tỉ đô", xuất khẩu gỗ và lâm sản được coi là nhóm hàng mũi nhọn của ngành NNPTNT với kim ngạch XK tăng đều hằng năm. Dự kiến năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mang về khoảng 14,5 tỉ USD và đến năm 2025 đạt khoảng 20 tỉ USD. Đến năm 2025 đảm bảo 40 triệu mét khối gỗ, đến năm 2030 đạt 50 triệu mét khối, đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ và lâm sản chủ động cho công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa.
Phong NguyễnNguồn: Lao Động Online
Bài viết khác
- Ngành nông nghiệp nỗ lực tăng tốc
- Hơn 800.000 tấn hàng từ Campuchia đổ bộ giúp Việt Nam xuất khẩu bỏ xa cả thế giới: Chi hơn 3 tỷ USD mua hàng, nước ta là ’cá mập’ gom 98% từ láng giềng
- Infographic: 5 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA NGÀNH ĐIỀU VIỆT NAM 2024
- 10 dấu ấn nổi bật của ngành Nông nghiệp - PTNT năm 2024
- VINACAS Chào Năm Mới 2025!
- Cà phê, điều cùng đạt những cột mốc mới về xuất khẩu
- Maersk: Tết Nguyên đán, tranh chấp lao động và tắc nghẽn cảng thách thức thị trường vận tải châu Âu năm 2025
- Xuất khẩu nông lâm thủy sản có nhiều cơ hội và dư địa tăng trưởng trong năm 2025
- Xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng hơn 50%
- [Infographic] Top 10 thị trường và doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân hàng đầu Việt Nam tháng 11/2024
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |