Làm sao hiện thực hoá mục tiêu 1 tỷ USD điều xuất khẩu vào EU?
- Ngày đăng: 08-06-2017 17:51:25
- Lượt xem: 1.146
EU là thị trường tiềm năng của điều Việt Nam, tuy nhiên trong bối cảnh sản lượng điều sụt giảm 52.000 tấn trong năm 2017, thì mục tiêu 1 tỷ USD vào thị trường khó tính này...
Làm sao hiện thực hoá mục tiêu 1 tỷ USD điều xuất khẩu vào EU?
(03/06/2017) Làm sao hiện thực hoá mục tiêu 1 tỷ USD điều xuất khẩu vào EU?
EU là thị trường tiềm năng của điều Việt Nam, tuy nhiên trong bối cảnh sản lượng điều sụt giảm 52.000 tấn trong năm 2017, thì mục tiêu 1 tỷ USD vào thị trường khó tính này cần sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp, liên kết hỗ trợ người nông dân chú trọng vào chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng bền vững.
Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều và năm 2016, giá trị xuất khẩu điều đã mang về cho Việt Nam 3 tỷ USD, trở thành một trong những mặt hàng thu về giá trị cao nhất chỉ sau thủy sản và cà phê.
Thời tiết, dịch bệnh, khả năng vươn lên ở các vùng nguyên liệu thế giới đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành điều trong nước.
“Mất trắng" 52.000 tấn
Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường tiềm năng lướn, không thể thiếu được đối với ngành sản xuất, kinh doanh xuất khẩu điều Việt Nam.
Năm 2016, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam vào thị trường EU đạt hơn 94.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 766 triệu USD, chiếm gần 27% thị phần xuất khẩu của Việt Nam.
Kết thúc quý I/2017, Việt Nam đã xuất khẩu 55.739 tấn điều nhân, trong đó, thị trường EU là 29.252 tấn (chiếm hơn 52%).
Toàn ngành điều phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2017 là 3,3 tỷ USD, trong đó riêng thị trường EU trong năm nay dự kiến lần đầu tiên cán mốc 1 tỷ USD, chiếm hơn 31% thị phần.
Tuy nhiên, việc ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh đã khiến năng suất điều năm nay dự kiến giảm. Cụ thể, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bình Phước, năng suất vườn điều của nông dân đã giảm 2,09 tạ/ha (giảm 17,41%) so với năm 2016; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 1,8 tạ/ha (giảm 15,13%) so với năm 2016; tỉnh Đồng Nai có 19.647 ha, chiếm gần 51% diện tích điều giảm năng suất; tỉnh Lâm Đồng cũng giảm trên 50% năng suất. Bình Thuận vốn xem là cây trồng chủ lực với diện tích là 16.000 ha, nhưng vừa qua đã có 10.000 ha điều bị bệnh.
Điều này làm cho sản lượng điều thu hoạch giảm mạnh. Báo cáo từ các Sở NN&PTNT cho biết, sản lượng điều năm 2017 ước đạt 252.038 tấn, giảm gần 52.000 tấn (giảm 17,07%) so với năm 2016.
Sản lượng giảm gần 52.000 tấn khiến câu hỏi được đặt ra, vậy làm sao hiện thực hoá mục tiêu 1 tỷ USD xuất khẩu vào thị trường giàu tiềm năng nhưng lại khó tính như EU?
“11 triệu hạt điều chỉ 1 con sâu cũng trừ tiền"
Nhìn nhận EU là một thị trường khó tính, ông Phạm Minh Trí, chuyên gia dự án EU-Mutrap cho rằng, thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu điều là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU khá cao.
Cùng với đó, việc phải nhập nguyên liệu thô từ Châu Phi khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ không đáp ứng nguồn gốc xuất xứ thuần túy của EU.
Bên cạnh đó, thời gian qua, vẫn còn tồn tại hiện tượng một số lô hàng vào EU có tình trạng sâu mọt, tạp chất gây ảnh hưởng đến uy tín của DN…
“Trong quá trình xuất khẩu, 11 triệu hạt điều chỉ 1 con sâu cũng bị trừ tiền. Bên cạnh đó, trong năm có ít nhất 3, 4 khách hàng đến tận nhà máy kiểm tra “từng li, từng tí, từng sản phẩm một" mặc dù DN đã có chứng nhận BRC"- ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát cho biết.
Có cùng quan điểm như trên, ông Tạ Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn I, (Bình Phước), một DN xuất khẩu lớn trong ngành cho hay, yếu tố quan trọng để các DN điều xuất khẩu được vào thị trường khó tính EU là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó DN cần đáp ứng được các tiêu chuẩn như ISO 22000, FSSC 22000, BRC… Bên cạnh đó, DN cần phải giữ được uy tín, giao hàng đúng hẹn theo hợp đồng cũng như đáp ứng được các đơn hàng mà đối tác yêu cầu.
“Khi đáp ứng được các yêu cầu trên, các DN châu Âu sẵn sàng trả giá cao hơn so với mức giá thông thường"- ông Huyên cho biết.
Chỉ ra một loạt những giải pháp cụ thể, ông Đặng Hoàng Giang- Tổng Thư ký Vinacas cho rằng, để tăng cường xuất khẩu điều vào thị trường EU, các DN cần tìm hiểu kỹ thông tin, đối tác thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp như cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng với đó hiểu văn hóa địa phương và cách ứng xử trong giao dịch đàm phán với các DN EU. Tăng cường nhận diện hình ảnh, quảng bá sản phẩm bằng tiếp cận các cơ hội xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương... DN phải tạo niềm tin, uy tín trong thương mại và tích cực xử lý những vấn đề khi có phát sinh.
Liên kết để bền vững
Câu chuyện mất mùa năm nay đã đặt ra yêu cầu cho sự phát triển bền vững ngành điều. Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Tuân - Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Long An Lafooco cho rằng, rõ ràng năng lực chế biến điều của ta đã vượt xa khả năng trồng trọt. Nhưng năng lực này còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập điều thô.
“Nếu không sớm tập trung theo hướng sản xuất bền vững, đảm bảo năng suất của nguồn nguyên liệu thì lợi thế sẽ chuyển sang các nước khác"- ông Tuân cảnh báo.
Bởi theo CEO Lafooco VN hiện có diện tích khoảng 300.000 ha, nhưng chỉ chiếm 9% sản lượng điều thế giới thì quá nhỏ. Phải tăng lên 20% mới thì ngành điều mới bền vững và doanh nghiệp được lợi. Điều này có cơ sở vì trồng điều thâm canh có thể đạt 3 – 4 tấn/ha nhưng chưa đồng đều.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đồng tình rằng, nếu làm tốt việc canh tác, người nông dân có thể đạt 3-4 tấn điều/ha, giúp giải bài toán thiếu nguyên liệu thô thời gian tới, đồng thời kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển của Công ty Cổ phần tập đoàn FAN (The Pan Group) hiến kế: Để phát triển bền vững chỉ còn cách là phải tạo mối liên kết giữa nông dân trồng điều với doanh nghiệp.
Đại diện The Pan Group chỉ rõ, phần nhiều diện tích trồng điều của nông dân hiện nay là từ hạt (cây thực sinh) nên cây điều ra hoa không đồng loạt khiến việc quản lý sản xuất khó khăn, năng suất và chất lượng điều không đồng đều.
“Do đó, việc liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu sẽ giải quyết được điều này trong tương lai" – ông Nguyễn Trung Anh khẳng định.
Đồng tình với quan điểm đó, đại diện Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAFOOCO) cho rằng, nếu doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng điều để hỗ trợ kỹ thuật thì mỗi năm Việt Nam có thể sản xuất được 600.000 tấn điều thô, điều này, sẽ giúp ngành điều Việt Nam giảm phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu.
Không chỉ tăng năng suất, cùng với đó, sản phẩm làm ra cũng có chất lượng tốt hơn vì so với các quốc gia có trồng điều, chất lượng hạt điều của Việt Nam luôn luôn cao hơn và bán được giá hơn.
Theo báo cáo từ các Sở NN&PTNT, sản lượng điều năm 2017 ước đạt 252.038 tấn, giảm 51.860 tấn (giảm 17,07%) so với năm 2016.
Thy Hằng
Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Bài viết khác
- Ngành nông nghiệp nỗ lực tăng tốc
- Hơn 800.000 tấn hàng từ Campuchia đổ bộ giúp Việt Nam xuất khẩu bỏ xa cả thế giới: Chi hơn 3 tỷ USD mua hàng, nước ta là ’cá mập’ gom 98% từ láng giềng
- Infographic: 5 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA NGÀNH ĐIỀU VIỆT NAM 2024
- 10 dấu ấn nổi bật của ngành Nông nghiệp - PTNT năm 2024
- VINACAS Chào Năm Mới 2025!
- Cà phê, điều cùng đạt những cột mốc mới về xuất khẩu
- Maersk: Tết Nguyên đán, tranh chấp lao động và tắc nghẽn cảng thách thức thị trường vận tải châu Âu năm 2025
- Xuất khẩu nông lâm thủy sản có nhiều cơ hội và dư địa tăng trưởng trong năm 2025
- Xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng hơn 50%
- [Infographic] Top 10 thị trường và doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân hàng đầu Việt Nam tháng 11/2024
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |