Giải tỏa áp lực xuất khẩu những tháng cuối năm

  1. Ngày đăng: 26-08-2019 08:44:15
  2. Lượt xem: 1.265
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 1265 Lượt xem

(25/8/2019) Giải tỏa áp lực xuất khẩu những tháng cuối năm

Trong bối cảnh hoạt động xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu (XK) 7 tháng năm 2019 của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, đà xuất siêu cũng quay trở lại với mức 1,79 tỷ USD là những thành tích ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, XK những tháng còn lại của năm 2019 tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố không thuận lợi từ thị trường, điều này đòi hỏi sự linh hoạt, nỗ lực nhiều hơn nữa của cộng đồng DN.

giai toa ap luc xuat khau nhung thang cuoi nam
Hoạt động xuất, nhập khẩu tại Cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: MINH ĐỨC

Thị trường mới trong CPTPP tăng trưởng tốt

Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 7 tháng năm 2019 ước đạt 145,1 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 7 tháng, cả nước có 24 mặt hàng đạt giá trị XK hơn 1 tỷ USD; có tới 33/45 mặt hàng có KNXK tăng so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ tăng KNXK của khu vực kinh tế trong nước đạt 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5,6%) và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% tổng KNXK (cùng kỳ năm trước là 29%). Mức thặng dư cán cân thương mại 7 tháng của năm 2019 là 1,79 tỷ USD.

Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh: Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm, đi kèm theo đó là sự gia tăng các yếu tố rủi ro, thách thức do xung đột thương mại giữa các nước lớn ngày càng sâu sắc, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 vẫn đạt được một số thành tựu nổi bật. Kết quả XK của Việt Nam cũng là tích cực nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử, theo số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), KNXK của Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 0,1%; Brazil giảm 3,5%; Thái Lan trong 5 tháng giảm 3,1%; Singapore sau 5 tháng giảm 3,3%... Đáng chú ý, hiệu quả từ công tác hội nhập cũng đang dần phát huy khi KNXK sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) của nước ta trong 6 tháng qua đều tăng trưởng tốt, như: XK sang Nhật Bản tăng 8,9%; Hàn Quốc tăng 4,7%; ASEAN tăng 5,6%... Các thị trường mới trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có mức tăng tốt, như: Canada tăng 32,9%; Mexico tăng 23,43%...

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, đà xuất siêu của Việt Nam chưa thực sự bền vững, tình trạng nhập siêu vẫn có thể quay lại bởi những yếu tố khó lường của tình hình thương mại quốc tế. Thực tế cũng cho thấy, 7 tháng năm 2019, cán cân thương mại của Việt Nam trồi sụt khá thất thường, đảo chiều liên tục. Cùng với đó, yếu tố khiến KNXK 7 tháng tăng trưởng chậm là do XK dựa nhiều vào mặt hàng điện thoại, khi XK mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng không cao kéo tốc độ tăng trưởng XK chung chậm lại. Cùng với đó, 6/9 mặt hàng XK chủ lực về lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm KNXK gồm: Thủy sản, rau quả, hạt điều, gạo, cà phê và sắn. Bộ Công Thương cho biết, tác động giảm do giá trong nhóm hàng nông sản, thủy sản 7 tháng đã làm giảm KNXK 1,22 tỷ USD, trong khi tác động tăng về lượng XK chỉ giúp tăng 288 triệu USD, không đủ bù lại tác động do giá XK giảm.

Đưa ra kịch bản tăng trưởng xuất, nhập khẩu cho từng thị trường

Bộ Công Thương cho biết, KNXK 7 tháng năm 2019 ước đạt 145,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Dự báo cả năm 2019 XK đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018. Như vậy, từ nay tới cuối năm, bình quân mỗi tháng XK phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD. Đây được đánh giá là nhiệm vụ khó khăn vì lần đầu XK của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD/tháng từ tháng 8-2018; trong khi đó, diễn biến thương mại quốc tế ngày càng khó khăn.

giai toa ap luc xuat khau nhung thang cuoi nam

Hoạt động sản xuất tại Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: NGUYỄN NGHI

Ông Phan Văn Chinh nhận định: XK những tháng còn lại của năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo không ở mức cao. Xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, như: Ủy ban châu Âu siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc.

Một số ý kiến cũng cho rằng, xung đột Mỹ-Trung Quốc tiếp tục leo thang là yếu tố cần đặc biệt quan tâm khi tính toán các phương án cho XK, trong đó có vấn đề chống gian lận xuất xứ. Hay việc Việt Nam đang phụ thuộc vào một số thị trường trọng điểm, do đó cần đẩy mạnh việc phát triển, đa dạng hóa thị trường XK để tránh ảnh hưởng khi các thị trường trọng điểm biến động. Chuyên gia kinh tế, TS Trần Toàn Thắng cho rằng, cần theo dõi, cập nhật sát sao tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Hiện nay, diễn biến của cuộc chiến thương mại này khá nhanh và ngày càng khó lường. Chính vì vậy, rất cần sự theo dõi sát sao của Chính phủ, cập nhật tình hình thường xuyên và có giải pháp phù hợp với từng sự thay đổi.

Phân tích từ nhiều doanh nghiệp cũng cho thấy, nguyên nhân chính làm KNXK các mặt hàng nông sản, thủy sản giảm là do tình trạng cung vượt cầu, tồn kho của thế giới ngày càng lớn của một số mặt hàng kéo giá XK giảm trong khi lượng cũng không tăng; chủ nghĩa bảo hộ diễn biến ngày càng rõ ràng, phức tạp hơn; tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung tới XK sang thị trường Trung Quốc và cả một số thị trường khác. Đứng ở góc độ DN, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho biết: "Sản lượng XK gạo Việt Nam sang Trung Quốc đã sụt giảm từ nửa cuối năm 2018 do nhu cầu của thị trường này giảm mạnh. Thời gian qua, DN đã nỗ lực tìm thị trường mới nhưng dường như vẫn chưa thể bù đắp phần sụt giảm từ thị trường lớn này. Chưa kể, nhu cầu gạo nói chung trên thế giới hiện cũng đang đi xuống, điều này tạo ra nhiều thách thức cho XK gạo thời gian tới đây. Do đó, cần tập trung cho bài toán đa dạng hóa thị trường XK nông sản Việt Nam". Ý kiến khác thì cho rằng, XK nông sản, thủy sản vẫn còn khả năng tăng trưởng nhờ nỗ lực mở cửa thị trường; tuy nhiên, nếu không giải quyết được vấn đề về kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm dịch vệ sinh an toàn chất lượng thì XK nhóm hàng này cũng khó có đột biến.

Nhìn nhận rõ khó khăn cho hoạt động XK những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị liên quan phải đánh giá lại thị trường, năng lực hệ thống sản xuất, năng lực xây dựng, thực thi chính sách để đưa ra kịch bản tăng trưởng xuất, nhập khẩu ở các thị trường cụ thể, các ngành hàng cụ thể trong những tháng cuối năm. Cục Xuất nhập khẩu phải đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ bị tranh chấp thương mại để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý… “Mục tiêu cuối cùng đều phải hướng tới hỗ trợ thuận lợi nhất cho DN để khai thác thị trường", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

VŨ DUNG

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin