Đi ngược đà suy giảm, xuất khẩu rau quả, gạo, hạt điều vẫn tăng trưởng ngoạn mục
- Ngày đăng: 30-06-2023 14:31:29
- Lượt xem: 934
(29/6/2023) Đi ngược đà suy giảm, xuất khẩu rau quả, gạo, hạt điều vẫn tăng trưởng ngoạn mục
Trong bối cảnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm sụt giảm nhưng ngành nông nghiệp vẫn có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu rau quả, gạo, hạt điều tăng trưởng mạnh.
Ngày 29.6, Bộ NN-PTNT dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,59 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh giúp giá trị xuất khẩu toàn ngành rau quả tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm
Trong đó, giá trị xuất khẩu của nhóm nông sản chính đạt 12,79 tỉ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thủy sản 4,13 tỉ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỉ USD, giảm 28,2%...
Cũng theo Bộ NN-PTNT, trong bối cảnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo và hạt điều tăng trưởng mạnh cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: gạo tăng hơn 22% về khối lượng và tăng 34,7% giá trị xuất khẩu; hạt điều tăng 10,5% khối lượng và tăng 7,7% giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu cà phê tuy giảm về khối lượng khi chỉ đạt 1,02 triệu tấn (giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 2,4 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong tháng 6 đạt giá trị gần 1 tỉ USD, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 3 tỉ USD, xấp xỉ tổng giá trị xuất khẩu rau quả cả năm 2022 (3,16 tỉ USD).
Bộ NN-PTNT cho hay, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; sang Mỹ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Bộ NN-PTNT đang tích cực đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ; thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với mặt hàng xoài, thanh long quả tươi của Việt Nam xuất sang Nhật Bản, bắt đầu thực hiện từ ngày 1.8.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đang trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện dự thảo nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối) vào thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT sẽ thường xuyên họp trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thực thi các quy định về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm khi xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường này.
Phan Hậu
Nguồn: Báo Thanh Niên
Bài viết khác
- Chi cục Hải quan khu vực 2: Hàng xuất sang Mỹ bị hủy gần 14 tỉ đồng trong nửa tháng 4
- Sẽ ký 4 thỏa thuận trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc
- Đề xuất Mỹ miễn trừ thuế đối với thủy sản, điều, cà phê, tiêu
- Tổng thống Trump hoãn thời hạn áp thuế: Hàng nông sản được xuất khẩu bình thường, tin tưởng vào sự ứng biến của doanh nghiệp
- Trước nguy cơ Mỹ áp thuế 46%, chủ tịch một ngành hàng nông sản đã sang Mỹ để đàm phán trực tiếp với đối tác
- Mỹ áp thuế 46%: Bộ Công Thương khuyên DN ’không bỏ trứng vào một giỏ’
- Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có thể chịu thiệt hại vì thuế đối ứng của Mỹ
- Ngành điều Việt Nam: Tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo sản lượng điều toàn cầu trong năm 2025
- Việt Nam là nguồn cung một loại hạt lớn nhất cho Mỹ, trong khi Campuchia tham vọng là nước xuất khẩu điều hàng đầu
- Không vội vàng mua hạt điều thô
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |