Cần một ”Chiến lược phát triển bền vững ngành điều trong tình hình mới ”.

  1. Ngày đăng: 06-12-2021 16:14:03
  2. Lượt xem: 1.475
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 1475 Lượt xem

(29/11/2021) Cần một ”Chiến lược phát triển bền vững ngành điều trong tình hình mới ”.

Sau hơn 30 năm phát triển mạnh mẽ, với dấu ấn là sự ra đời của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), và những lô hạt điều thô đầu tiên được xuất khẩu ra thế giới vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, đến năm 2006 Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nhân hạt điều lớn nhất thế giới. Chất lượng hạt điều Việt Nam được đánh giá có hương vị, dinh dưỡng tốt nhất thế giới. Ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu nhân hạt điều của Việt Nam đã khẳng định vị thế quan trọng, chi phối trong chuỗi cung ứng nhân hạt điều sơ chế toàn cầu.

Với diện tích trồng điều đang ổn định khoảng 300.000 hecta tập trung ở khu vực Đồng Nam bộ và Tây nguyên, trong đó Bình Phước được xác định là thủ phủ của cây điều, chiếm khoảng 50% diện tích trồng điều cả nước, được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước". Năng suất dao động từ 1,5 đến 2,0 tấn/hecta tùy vào mức độ thâm canh và chất lượng giống điều, có những diện tích thâm canh tốt đã đạt trên 3,0 tấn/hecta. Sản lượng đáp ứng khoảng 20 - 25% nhu cầu chế biến của các nhà máy trong nước.

Lĩnh vực chế biến điều thô thành nhân điều xuất khẩu rất phát triển, có tốc độ hiện đại hóa nhanh, máy móc hiện đại đã thay thế cơ bản sức lao động thủ công trong dây chuyền chế biến. Công suất chế biến khoảng 2 triệu tấn/năm, và đang liên tục tăng lên với tốc độ nhanh. Trong khi đó, lĩnh vực chế biến nhân điều thành thực phẩm cũng đã được quan tâm và có sự đầu tư, đã tăng dần tỉ trọng qua các năm. Nhưng nhìn chung, trong chuỗi giá trị hạt điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu điều nhân sơ chế giá trị thấp, trong khi nhân điều thành phẩm đến tay người tiêu dùng chưa phát triển, như vậy Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% chuỗi giá trị ngành điều.

Hoạt động thương mại, xuất khẩu nhân hạt điều, thực phẩm chế biến từ nhân điều đã được mở rộng ra toàn bộ các thị trường phát triển trên thế giới, trong đó EU, Mỹ và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu lớn chiếm trên 90% số lượng xuất khẩu của ngành điều Việt Nam.

Lợi thế lớn nhất của ngành điều chính là công nghệ chế biến tiên tiến nhất thế giới do người Việt sản xuất, chất lượng hạt điều trồng tại Việt Nam cũng là ngon nhất. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ, ngành điều cần có chiến lược bài bản làm tăng giá trị trong chuỗi giá trị ngành điều thế giới, chuyển từ sơ chế nhân điều xuất khẩu sang chế biến sâu, thành thực phẩm, đi trực tiếp vào siêu thị.

Ngành điều Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn lớn: tiếp tục đầu tư cho công nghệ, đổi mới thiết bị để giữ vững vị thế xuất khẩu nhân điều sơ chế hay vừa đầu tư cho nhân điều vừa tập trung nguồn lực cho phát triển chế biến sâu, thực hiện “Cuộc cách mạng lần thứ 2 trong ngành điều Việt Nam", nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị điều toàn cầu.

Với quan điểm chủ trương chung của ngành là tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu “giữ lượng, tăng chất, tăng giá" trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu điều. Trước tiên, ngành điều Việt Nam rất cần một định hướng chung để phát triển, đó phải là ở tầm quốc gia ban hành, hoạch định “Chiến lược phát triển ngành điều trong tình hình mới", xứng tầm với ngành hàng xuất khẩu trên 3,5 tỷ USD/năm. Trong đó, tập trung phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới; giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu; đồng thời cũng chú trọng phát triển thị trường trong nước. Ổn định vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả; vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng điều.

Từ đó Chiến lược đúng đắn đó, làm cơ sở để đề xuất, ban hành cách chính sách cụ thể để phát triển bền vững ngành điều theo chiến lược đã được phê duyệt, trong đó lấy chế biến làm trung tâm, tạo động lực phát triển chuỗi giá trị ngành điều bền vững, Nhà nước bảo vệ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, trong đó ưu tiên nâng cao thu nhập cho người trồng điều bằng những chính sách cụ thể như:
  • Về quy hoạch: Phải tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành điều phù hợp, mang tính bền vững hơn. Đảm bảo ổn định diện tích điều, vùng tập trung trồng điều, liên kết trong sản xuất điều. Sắp xếp lại các cơ sở chế biến hạt điều theo hướng giảm dần các cơ sở chế biến nhỏ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm; đầu tư hình thành các khu chế biến tập trung, có thiết bị và công nghệ hiện đại; khuyến khích chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị ngành điều.
  • Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững: ban hành chính sách hỗ trợ người nông dân về vốn, kỹ thuật thâm canh, cây giống để chuyển đổi các vườn điều già cỗi, năng suất thấp bằng những giống điều địa phương được tuyển chọn có chất lượng, năng suất cao, quy cách hạt phù với công nghệ chế biến mà Việt Nam đang phát triển. Ưu tiên phát triển các vùng trồng điều tập trung, canh tác theo hướng sạch, hữu cơ, đáp ứng các tiêu chí bảo vệ môi trường, gắn với lợi ích cộng đồng. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật, sân phơi, khu bãi tại các vùng trồng điều trọng điểm. Mục tiêu đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu điều trong nước phục vụ cho chế biến, đảm bảo người trồng điều có thu nhập ổn định. Thực hiện thí điểm bảo hiểm vườn điều.
  • Về công nghệ chế biến hạt điều, các sản phẩm từ điều: Ưu đãi về vốn vay hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ chế biến hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chế biến, bảo vệ môi trường. Khuyến khích sản xuất các sản phẩm sạch, đáp ứng phân khúc cao của thị trường khó tính. Khuyến khích đặc biệt giúp các doanh nghiệp tham gia chế biến hạt điều thành thực phẩm, thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng, từng bước giảm dần việc chỉ tập trung sản xuất nhân hạt điều sơ chế giá trị thấp như hiện nay.
  • Hỗ trợ xây dựng liên kết trong sản xuất điều: Liên kết các hộ trồng điều để cùng áp dụng kỹ thuật thâm canh, cùng mua vật tư đầu vào, cùng bán sản phẩm, nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua các mô hình liên kết sản xuất, hạn chế sản xuất tự phát, nhỏ lẻ; Liên kết giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến với người hợp tác xã, tổ hợp tác trồng điều để đảm bảo vùng nguyên liệu, hỗ trợ nông dân đầu tư chăm sóc, đảm bảo thu mua sản phẩm, giảm thiểu rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh; Liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp giúp chuyên môn hóa về chế biến, thương mại, tăng sức mạnh và khả năng cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi giá trị ngành điều toàn cầu.
  • Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điều: lao động trong ngành điều hiện này chủ yếu là quen nghề, chưa qua đào tạo, chưa có các chương trình đào tạo nhân lực riêng cho ngành điều. Do vậy, trong thời gian tới cần hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điều từ công nhân kỹ thuật, thợ có tay nghề, đến kỹ sư, quản lý trình độ cao. Đồng thời, có những chương trình nghiên cứu chuyên sâu về các giá trị dinh dưỡng, các sản phẩm giá trị cao được chế biến từ điều.
  • Do đặc thù là ngành hàng sản xuất cần rất nhiều vốn, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, liên tục phải đổi mới công nghệ, do vậy nhất thiết phải có chính sách tín dụng ưu đãi riêng cho ngành chế biến hạt điều về định mức, chu kỳ vay, lãi suất… tạo cú huých mạnh mẽ giúp doanh nghiệp chế biến cân đối đủ nguồn tài chính để hoạt động ổn đinh. Về lâu dài, nghiên cứu xây dựng Quỹ hỗ trợ ngành điều.
  • Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm điều, giúp nâng tầm các giá trị, danh tiếng hạt điều, uy tín ngành chế biến hạt điều Việt Nam trên toàn cầu. Từng bước phát triển các giá trị liên quan đến ẩm thực, du lịch, văn hóa liên quan đến vùng trồng điều, chế biến điều, thủ phủ, trung tâm điều của cả thế giới.
Đào Thị Lanh – Tỉnh Ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân Tỉnh Bình Phước - Chủ tịch Hội Điều Bình Phước (BPCAS)
(Báo cáo đề xuất các chính sách liên quan đến phát triển bền vững ngành điều Việt Nam ngày 29/11/2021)

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin