Bất chấp đại dịch Covid-19, tiêu thụ nhân điều tăng tại nhiều thị trường chính

  1. Ngày đăng: 30-06-2020 13:30:32
  2. Lượt xem: 965
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 965 Lượt xem

(29/6/2020) Bất chấp đại dịch Covid-19, tiêu thụ nhân điều tăng tại nhiều thị trường chính

Nhu cầu tăng, lượng tăng nhưng giá giảm. Doanh nghiệp được khuyến cáo cân nhắc giá bán.
bat chap dai dich covid 19 tieu thu nhan dieu tang tai nhieu thi truong chinh
• Nhân điều chế biến sâu đã có nhiều lúc hết hàng trong các siêu thị ở châu Âu và Mỹ
• Vinacas khuyến cáo các nhà máy nên hạn chế lượng hàng bán ra, tận dụng khả năng tăng giá
• Vinacas vẫn kỳ vọng xuất khẩu điều sẽ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đặt ra

Đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Thế nhưng, khối lượng hạt điều xuất khẩu vẫn tăng, nhất là tại hai thị trường chính Mỹ và châu Âu, với mức tăng trưởng lần lượt là 32,7% và 23,6%.   

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều tháng 6/2020 ước đạt 40.688 tấn, trị giá 244,13 triệu USD, so với tháng 5/2020 giảm 5% về lượng và giảm 7,22% về trị giá; so với tháng 6/2019 tăng 3,69% về lượng nhưng giảm 11,42% về giá trị.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, ước xuất khẩu hạt điều đạt 223.365 tấn, trị giá 1,472 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 14,14% về lượng nhưng giảm 1,15% về giá trị, do giá xuất khẩu giảm.  

Nhu cầu tăng ở các thị trường chính

Tháng 5/2020, lượng hạt điều xuất khẩu sang một số thị trường chính tăng so với tháng 5/2019, gồm: Hoa Kỳ, Hà Lan, Ấn Độ, Nhật Bản. Ngược lại, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường giảm, như: Trung Quốc, Đức, Canada, Úc, Anh, Ý.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, hạt điều của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất, chiếm gần 37% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước, với 67.085 tấn, tương đương 450,93 triệu USD, với giá bán 6.721,8 USD/tấn, tăng 32,7% về lượng, tăng 15,2% về kim ngạch nhưng giảm 13,2% về giá so với cùng kỳ năm 2019.

EU đứng thứ 2 thị trường, chiếm trên 25% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước, với 46.375 tấn, tương đương 310,95 triệu USD, giá 6.705 USD/tấn, tăng 23,6% về lượng, tăng 5,5% về kim ngạch nhưng giảm 14,6% về giá so với cùng kỳ năm 2019.

Ngược lại, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc giảm 19,3% về lượng và giảm 31,2% về trị giá, đạt 17,5 nghìn tấn, trị giá 117,87 triệu USD.

Trong 5 tháng đầu năm, lượng nhân điều xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng tương đối tốt, cho thấy, bất chấp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tiêu thụ nhân điều vẫn tăng trên toàn cầu. Theo đánh giá của một số nhà nhập khẩu châu Âu, Mỹ, do Covid-19, tiêu thụ nhân điều chế biến sâu ở những khu vực này bị giảm ở mảng khách sạn, nhà hàng nhưng lại tăng ở các siêu thị. Về tổng thể chung, tiêu thụ nhân điều vẫn tăng.

Nhân điều chế biến sâu đã có nhiều lúc hết hàng trong các siêu thị ở châu Âu và Mỹ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lượng nhân điều nhập khẩu vào châu Âu và Mỹ tăng mạnh trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2020.

Tháng 5/2020, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt 6.145 USD/tấn, giảm 6,1% so với tháng 4/2020 và giảm 16,3% so với tháng 5/2019. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 6.721 USD/tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Khan cung, doanh nghiệp cần cân nhắc giá bán

Trong tháng 6/2020, giá hạt điều xuất khẩu vẫn tiếp tục ở mức thấp. Cụ thể, các nhà máy đang chào bán hạt điều loại W320 ở mức 2,6 -2,85 USD/lb (1lb = 0,45 kg); hạt điều loại W240 có giá từ 3,1 - 3,35 USD/lb; hạt điều loại W450 có giá từ 2,4 - 2,6 USD/lb.

Một doanh nghiệp xuất khẩu điều ở TP.HCM cho biết, từ đầu tháng 6/2020 đến nay, nhu cầu hạt điều đang chững lại, tại thị trường Mỹ, EU nhiều nhà nhập khẩu đang xin chậm giao hàng. Chế biến hạt điều tại các nhà máy nhỏ đã giảm đáng kể trong thời gian qua.

Dịch Covid-19 khiến tiêu thụ hạt điều chế biến sâu tại các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU giảm ở mảng khách sạn, nhà hàng, nhưng lại tăng tại các siêu thị. Có thời điểm các siêu thị ở Hoa Kỳ, EU khan hiếm nguồn cung hạt điều.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ hạt điều được dự báo vẫn sẽ tăng mạnh. Điều này sẽ tác động tích cực lên xuất khẩu ngành điều của Việt Nam.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) khuyến cáo các nhà máy khi ký hợp đồng xuất khẩu hạt điều chế biến cho các tháng tới nên cân nhắc mức giá tối thiểu 3 USD/lb đối với hạt điều loại W320. Đồng thời các nhà máy nên hạn chế lượng hàng bán ra để tận dụng khả năng tăng giá khi một phần của ngành chế biến hạt điều châu Á đang gặp khó khăn về nguồn cung.

Hiện nay nguồn cung hạt điều thô từ Tây Phi không nhiều, do Chính phủ Bờ Biển Ngà tăng thu mua dự trữ, trong khi hàng chào bán trên thị trường có chất lượng thấp.

Ở châu Á trong những tháng tới nguồn cung hạt nhân xuất khẩu dự báo sẽ giảm, các nhà máy chế biến hạt điều cần đàm phán thật kỹ để đảm bảo đúng chất lượng ký kết nhằm hạn chế rủi ro. Ngoài ra, cũng theo Vinacas, doanh nghiệp không nên bán hạt điều với giá rẻ mà cần phải tận dụng mọi cơ hội để chào bán cao hơn mức giá hiện tại.

Theo các chuyên gia ngành điều dự báo, giá hạt điều nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới; thị trường vẫn tương đối tăng trong trung hạn, ngay cả khi dịch covid-19 tác động đến các nền kinh tế và tiêu dùng. Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng hai chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu hạt điều - mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Năm 2020, ngành điều phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu 3,2 tỷ USD nhân điều sơ chế, song Viancas vẫn kỳ vọng xuất khẩu điều sẽ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đặt ra.

Quang Trí
Nguồn: BizLive

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin