Lừa đảo quốc tế

  1. Ngày đăng: 03-09-2023 11:14:21
  2. Lượt xem: 862
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 862 Lượt xem

(02/09/2023) Lừa đảo quốc tế

Hoàn tất đơn hàng xuất khẩu chanh dây cho đối tác tại UAE, chủ một doanh nghiệp đợi mãi không được thanh toán.
lua dao quoc te
Hình minh họa - Nguồn: IT

Chủ doanh nghiệp bối rối chia sẻ với tôi, hợp đồng của chị với khách hàng không có điều khoản chỉ định cơ quan trọng tài hay tòa án nào sẽ là nơi đứng ra xử lý nếu có tranh chấp. Chị đang lo sẽ mất trắng, hoặc "được vạ thì má đã sưng".

Xui rủi trong quá trình làm ăn với đối tác quốc tế vẫn thường xảy ra với doanh nghiệp Việt Nam. 52% doanh nghiệp cho biết từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo và tội phạm kinh tế, theo khảo sát của PwC do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong một hội thảo năm ngoái.

Số liệu thực tế có thể cao hơn, nếu xét đến tâm lý ngại ngùng, không muốn cho người khác biết mình bị lừa đảo.

Tuy nhiên, con số 52% của doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ nhỉnh hơn một chút nếu so với 46% doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 49% trên toàn cầu. Lừa đảo và tội phạm kinh tế là khá phổ biến trong thương mại quốc tế. Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, "sân chơi" rộng hơn, luật chơi khác nhau nên nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn và phức tạp hơn. Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp hoặc thậm chí non kinh nghiệm trước những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng.

Là đất nước có nhiều ngành hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Phần lớn doanh nghiệp quá tin tưởng vào người môi giới trong khi họ không phải là người chịu trách nhiệm về năng lực của các bên giao dịch. Hợp đồng do môi giới soạn thảo thường rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng. Các doanh nghiệp cũng bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với khách hàng mới. Vì thế, doanh nghiệp không nhận biết được kịp thời những dấu hiệu rủi ro.

Khi doanh nghiệp trong nước bị lừa hoặc gặp tranh chấp, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường sẽ tham gia hỗ trợ. Thành công lớn nhất gần đây là việc hàng chục container điều xuất sang Italy đầu năm 2022 bị mất chứng từ và không được thanh toán. Qua nhiều nỗ lực của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italy, các container này đã được giải tỏa để đưa về Việt Nam hoặc bán cho khách hàng khác.

Nhưng không phải lúc nào cũng có thành công như vậy. Chính quyền các nước có xu hướng coi đây là những tranh chấp dân sự, và đã là dân sự thì phải giải quyết ở tòa án hoặc trọng tài, tùy thỏa thuận giữa các bên. Sự can thiệp của cơ quan ngoại giao chỉ có ý nghĩa thúc đẩy chính quyền sở tại quan tâm hơn, chứ không phải là biện pháp mang tính pháp lý.

Vì vậy, doanh nghiệp vẫn phải tự thân vận động, cảnh giác và học cách tự đối mặt với rủi ro trên thương trường. Giải pháp đầu tiên là nắm rõ khách hàng. Để xác minh thông tin đối tác, doanh nghiệp nước ngoài thường mua thông tin từ các công ty tư vấn doanh nghiệp, công ty đánh giá tín nhiệm. Các đơn vị này có kho dữ liệu lớn về doanh nghiệp, được cập nhật thường xuyên.

Từ góc độ khác, ngân hàng không chỉ đóng vai trò tổ chức thanh toán mà còn có chức năng tư vấn. Ngân hàng có hệ thống đại lý, có thể tư vấn cho người bán biết một ngân hàng do người mua chỉ định có tin tưởng được không. Nếu không tin tưởng ngân hàng người mua, người bán nên thương lượng, đề nghị chuyển sang ngân hàng khác, thay đổi phương thức thanh toán, hoặc yêu cầu phải có thêm bảo lãnh ngân hàng.

Theo tìm hiểu của tôi, có những doanh nghiệp không yêu cầu người mua đặt cọc, ngay cả khi đó là khách hàng mới, một phần xuất phát từ tâm lý cần khách, muốn bán được hàng ngay. Nhưng yêu cầu đặt cọc là bình thường khi giao dịch với đối tác, không nên để người mua thuyết phục bỏ qua điều kiện này.

Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần cảnh giác với những dấu hiệu bất thường như người mua sử dụng địa chỉ email miễn phí để giao dịch; đưa ra những yêu sách dồn dập; lảng tránh việc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp...

Trong trường hợp muốn bán hàng mà chưa yên tâm về người mua, doanh nghiệp có thể đề nghị hãng tàu phát hành vận đơn theo lệnh của ngân hàng. Như vậy ai có vận đơn trong tay mà chưa có lệnh của ngân hàng thì chưa thể nhận được hàng. Ngoài ra, có thể chọn sử dụng các phương thức phòng tránh rủi ro của ngân hàng, ví dụ xác nhận L/C, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng... Việc này sẽ mất thêm một khoản phí, nhưng giảm bớt khả năng xảy ra phiền toái về sau.

Trong thương mại quốc tế, doanh nghiệp logistics không chỉ là bên giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện thủ tục vận chuyển, giao nhận hàng hóa với người bán, người mua mà còn đóng vai trò như một "van an toàn". Bảo hiểm, giám định cũng là những doanh nghiệp tham gia chuỗi dịch vụ logistics. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể phòng ngừa rủi ro bằng việc mua bảo hiểm hàng hóa, sử dụng dịch vụ giám định của bên thứ ba...

Dịch vụ tư vấn, dịch vụ pháp lý hoặc các công ty tư vấn, công ty luật nên được coi là một phần đồng hành với doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không chỉ khi xảy ra tranh chấp. Họ sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu về đối tác, rà soát hợp đồng để tránh những điều khoản bất lợi, trong trường hợp phát sinh tranh chấp sẽ hỗ trợ hoặc thay mặt doanh nghiệp xử lý.

Tôi tâm đắc với chia sẻ của một doanh nhân lâu năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu: Doanh nghiệp Việt Nam đừng coi học tập, nâng cao kiến thức nghiệp vụ, hay đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp là chi phí, mà hãy gọi đó là khoản đầu tư. Khoản đầu tư này rẻ hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra để khắc phục hậu quả của những rủi ro từ tranh chấp, lừa đảo trên thị trường quốc tế.

Trần Thanh Hải
Nguồn: VNExpress

Bài viết khác

Bảng giá điều

Bảng giá điều (tạm ngưng)

Quy đổi Gram » Ibs/80kgs
»
Tỷ giá hoán đổi
Mua CK Bán
Đăng ký nhận bản tin