Bình Phước: Ép dầu điều thu lời cao từ phụ phẩm vỏ hạt điều
- Ngày đăng: 12-06-2023 09:46:08
- Lượt xem: 1.816
(11/6/2023) Bình Phước: Ép dầu điều thu lời cao từ phụ phẩm vỏ hạt điều
Vỏ hạt điều trước kia thường bị coi như rác, hoặc bán làm chất đốt thì hiện nay, nguồn rác này có thể thu lời cao nhờ công nghệ ép dầu điều.
Mô hình kinh tế tuần hoàn từ việc ép dầu điều đang mang lại nhiều lợi ích cho ngành điều Bình Phước, lại không gây ô nhiễm môi trường.
Kiếm tiền từ phụ phẩm nhờ ép dầu điều
Bà Nguyễn Tâm Hạnh - Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hạnh (TX. Phước Long) cho biết, sau chế biến lấy điều nhân, vỏ hạt điều sẽ làm chất đốt hoặc bỏ đi.
Tuy nhiên, vỏ hạt điều đem đốt sẽ gây ô nhiễm môi trường bởi lượng khói thải chứa nhiều chất độc hại, còn bỏ đi thì gây lãng phí rất lớn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở địa phương đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng dầu từ vỏ hạt điều (dầu điều) nên mối lo này được giải quyết đáng kể.
Bình Phước là nơi sản xuất kinh doanh điều sôi động nhất nhất nước với hơn 2.700 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lớn, nhỏ. Ảnh: IT
Mỗi ngày doanh nghiệp Mỹ Hạnh sản xuất hơn 3 tấn nhân điều. Tương ứng, lượng vỏ hạt điều thải ra khoảng 9-10 tấn.
Với số lượng này, doanh nghiệp bán cho các đơn vị sản xuất dầu điều, thu về khoảng 10 triệu đồng. Và điều quan trọng là công ty không phải đốt, không thải ra ngoài môi trường.
Với diện tích khoảng 151.900ha điều, sản lượng 243.000 tấn/năm, Bình Phước là thủ phủ cây điều cả nước. Bình Phước còn là nơi sản xuất kinh doanh điều sôi động bậc nhất với hơn 2.700 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lớn, nhỏ.
Khi chế biến, lượng vỏ hạt điều thải ra rất lớn. Theo các doanh nghiệp, 1 tấn hạt điều sau khi bóc vỏ sẽ cho 250-300kg điều nhân, và thải ra 700-750kg vỏ.
Việc các doanh nghiệp sản xuất dầu điều đi vào hoạt đông vừa giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, vừa tăng giá trị cho ngành chế biến điều của địa phương.
Khi chế biến, lượng vỏ hạt điều thải ra rất lớn. Ảnh: T.L
Công ty SX-TM Thiên Bảo BP ở TX.Phước Long có 22 máy ép dầu điều, công suất 400 tấn một ngày.
Bà Vũ Trần Như Quỳnh - Giám đốc Công ty Thiên Báo BP cho biết, hiện nay, 1 tấn dầu điều thô được công ty bán với giá khoảng 15 triệu đồng, bã vỏ điều sau khi ép dầu cũng được bán với giá 1,5 triệu đồng/tấn.
Theo bà Quỳnh, việc sản xuất dầu điều không khó vì thiết bị, công nghệ 100% trong nước. Vốn đầu tư vì thế không quá nặng. Chi phí nhân công để vận hành cũng thấp vì 1 dây chuyển sản xuất dầu điều chỉ cần vài lao động.
Các nhà máy ép dầu điều hoạt động cũng tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. "Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư thêm máy móc để tăng sản lượng", bà Quỳnh nói.
Chủ động công nghệ ép dầu điều
Ông Bùi Hữu Phước - Giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Phước Thành (TX.Phước Long) cho biết, công nghệ chế biến dầu điều không quá phức tạp nên đã thu hút được khá nhiều đơn vị tham gia.
Theo ông Phước, công nghệ này đã có từ lâu khi người Pháp đưa máy sang để ép xơ dừa ở các tỉnh Tây Nam bộ. Sau này, một số kỹ sư cơ khí cải tiến cho phù hợp với việc ép vỏ điều. Đến nay, Công ty Phước Thành tự sản xuất ra phụ tùng, và hoàn thiện dây chuyền máy ép dầu cho chính mình.
Công ty TNHH chế biến nông sản Phước Thành tự sản xuất ra phụ tùng, và hoàn thiện dây chuyền máy ép dầu cho mình. Ảnh: Công Minh
Hiện tại mỗi ngày, nhà máy của Phước Thành tiêu thụ gần 1.500 tấn vỏ hạt điều được thu mua từ các công ty chế biến hạt điều trong tỉnh.
Cứ 1 tấn vỏ hạt điều sẽ sản xuất ra 230kg dầu điều. Dầu điều điều được cung cấp cho khách hàng nước ngoài làm chất đốt. Còn bã võ điều thì cung cấp cho các nhà máy làm chất đốt thay cho củi.
Trên thế giới, dầu điều được sử dụng làm nhiên liệu đốt thay thế cho dầu FO. Dầu điều còn là nguồn nhiên liệu quý trong nhiều lĩnh vực như sản xuất sơn, chất chống gỉ, sét; keo dán bột, ma sát làm bố thắng xe máy, ô tô.
Năm 2011, Công ty Phước Thành có 6 máy ép dầu điều thì đến nay đã nâng lên 40 máy. Công ty Phước Thành dự kiến sẽ tăng cường thêm máy ép, đảm bảo sản xuất hết vỏ điều đang còn tồn tại trong các nhà máy chế biến điều trong tỉnh.
Hạt điều dùng làm thực phẩm, còn vỏ hạt điều thì ép dầu, và làm chất đốt phục vụ tái sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
"Rác thải đầu ra của ngành điều thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác. Như vậy, hạt điều sau khi đưa vào chế biến thì không phải bỏ đi bất cứ thứ gì", ông Phước chia sẻ.
Trần KhánhNguồn: Thế Giới Tiếp thị/ Dân Việt
Bài viết khác
- Phòng ngừa cháy nổ từ sớm, từ xa
- Xuất khẩu nông sản: Thiếu bền vững nếu không tận dụng công nghệ cao
- Để sản phẩm khoa học công nghệ trong nông nghiệp không chỉ “nằm trên giấy”
- Xuất khẩu hạt điều 5 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Lâm Đồng: Kiểm tra 152.150 m2 diện tích kho chứa nông sản
- Lấy lại uy tín hạt điều Việt Nam
- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất hạt điều tẩm gia vị
- Hiệp hội châu Âu, Mỹ cảnh báo về chất lượng điều Việt Nam
- Hiệp hội điều đưa ra cảnh báo về chất lượng từ các bạn hàng lớn
- Ngành điều báo động vì chất lượng sản phẩm đi xuống
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |