Hiệp hội Điều Việt Nam: Dấu ấn 30 năm hình thành và phát triển
- Ngày đăng: 26-11-2020 14:38:40
- Lượt xem: 80
(24/11/2020) Hiệp hội Điều Việt Nam: Dấu ấn 30 năm hình thành và phát triển
Ngày 23/11/2020, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nhằm ghi dấu chặng đường hình thành và phát triển. Trong 30 năm qua, ngành điều Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều, hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị chế biến.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ ông Nguyễn Trọng Thừa ghi nhận những thành tích mà Hiệp hội Điều đạt được trong thời gian qua
Là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, được thành lập từ năm 1990, bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả VINACAS đã ghi những dấu ấn đậm nét trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành điều Việt Nam: đóng góp, tham gia hiệu quả vào chính sách phát triển ngành điều; phổ biến chính sách, kiến nghị tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp; thông tin thị trường kịp thời, chuẩn xác; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu; phát triển khoa học – công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu; củng cố, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Hòa giải tranh chấp thương mại…

Phạm Văn Công – Chủ tịch VINACAS phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Từ một quốc gia xuất khẩu điều thô với số lượng ít ỏi, 15 năm liền (2006 – 2020) ngành điều Việt Nam đã giữ vững vị trí ngôi đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều và hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị chế biến. Đến nay đã xuất khẩu nhân điều đến hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên dưới 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thế giới.
Với những đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành điều, VINACAS đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì; Cờ thi đua của Chính phủ; được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua.
Cùng với những thành tích đạt được VINACAS ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp trong ngành tham gia hội viên. Từ đại hội lần thứ nhất năm 1990 chỉ gồm 12 hội viên sáng lập, đến nay, số hội viên đã trên 500, hoạt động trong lĩnh vực trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, môi giới, tài chính, nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ liên quan đến ngành điều và các hội viên hiệp hội điều địa phương. Ngoài ra, VINACAS là thành viên sáng lập Hội đồng Điều toàn cầu (GCC).
Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ mới, ngành điều Việt Nam cũng xuất hiện nhiều thách thức mới. Theo ông Phạm Văn Công – Chủ tịch VINACAS, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với thế giới đem lại những cơ hội lớn cho để mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhưng sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn vì Việt Nam là một phần trong “sân chơi" toàn cầu và các quốc gia, các doanh nghiệp trên thế giới đều nỗ lực để phát triển. Do đó, đòi hỏi ngành điều nói chung, mỗi doanh nghiệp nói riêng phải có tầm nhìn mới, tư duy mới, cách làm mới để vững vàng vị thế trong tương lai.

Hiệp Hội Điều Việt Nam nhận Cờ thi đua Chính phủ
Ông Công nhận định, nhân điều Việt Nam đã có uy tín lớn, thị trường lớn đó là nền tảng quan trọng cho sự phát triển tiếp theo nhưng nhân điều vẫn chỉ là nguyên liệu cho 1 thị trường rất lớn là những sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao mà ngành điều mới chỉ bắt đầu tiếp cận, còn đầy khó khăn và sóng gió. Ngành điều đang đứng trước sự lựa chọn lớn: Tiếp tục đầu tư cho công nghệ, đổi mới thiết bị để giữ vững vị thế xuất khẩu nhân điều hay vừa đầu tư cho nhân điều vừa tập trung nguồn lực cho phát triển chế biến sâu, thực hiện “Cuộc cách mạng lần thứ 2", nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị điều toàn cầu.
Bên cạnh đó, ngành điều Việt Nam đang có một mâu thuẫn lớn cần được giải quyết là: Khâu chế biến phát triển mạnh mẽ, thị trường rộng mở toàn cầu; Trong khi đó, hạt điều Việt Nam có chất lượng tốt vào top đầu thế giới nhưng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ cho chế biến, đời sống nông dân trồng điều còn nhiều khó khăn.

Trao kỷ niệm chương cho các đơn vị, cá nhân có thành tích
“Để góp phần cho ngành điều tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức khó khăn, VINACAS đang xúc tiến xây dựng để kiến nghị với Chính phủ “Chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam trong tình hình mới". Trong đó, đề xuất những cơ chế chính sách của nhà nước nhằm hai mục tiêu lớn: thứ nhất, phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới; giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu; thứ 2, phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả; vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, vừa góp phần thực hiện thành công chính sách tam nông của nhà nước: nông nghiệp, nông dân, nông thôn", ông Phạm Văn Công cho biết.
P.V.
Nguồn: Tạp chí Mekong - Asean
Bài viết khác
- Năm 2020, xuất khẩu hạt điều ước đạt 511 nghìn tấn
- Năm 2021: Tập trung tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại
- Áp lực nào cho Việt Nam khi thực thi RCEP?
- Giá điều xuất khẩu có thể phục hồi trong năm 2021?
- Điểm sáng xuất khẩu năm COVID-19 là ”động lực” tăng trưởng năm 2021
- Hải quan Cao Bằng thu ngân sách vượt 124% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao
- Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19
- 5 mặt hàng ngành lương thực thực phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao trên 3 tỷ đô la Mỹ
- Xuất khẩu đầu năm 2021: Nông, thuỷ sản đang là điểm sáng
- Bảo đảm đủ nguồn hàng, giá cả ổn định trong dịp Tết Nguyên đán
Bảng giá điều (tạm ngưng)
Mã | Mua | CK | Bán |